Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang và là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Địa bàn huyện Mèo Vạc là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số: Mông, La Chí, Pu Péo, Nùng, Giáy... Theo báo cáo của UBND huyện Mèo Vạc, trong năm 2023, toàn huyện đã giảm được 6,32% hộ nghèo, tương đương giảm được 1.171 hộ nghèo.
Đẩy mạnh sản xuất, phát triển chăn nuôi
Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Mèo Vạc đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Lợn đen Lũng Pù là vật nuôi quen thuộc của người dân huyện Mèo Vạc. |
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quan tâm triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng quy định các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Qua đó, đã giúp người nghèo đẩy mạnh sản xuất, phát triển chăn nuôi.
Đến nay, huyện Mèo Vạc có 15 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao OCOP cấp tỉnh. Đây đều là những sản phẩm được phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh, đặc trưng của địa phương.
Từ lâu, cây Bạc hà mọc hoang dại đã gắn bó với đời sống hàng ngày của người dân vùng cao Mèo Vạc. Mặc dù tồn tại ở độ cao từ 1 – 1,5 nghìn mét so với mực nước biển, sống trên địa hình phức tạp, nơi thừa đá thiếu đất, khí hậu khắc nghiệt, song cây Bạc hà ở Mèo Vạc vẫn kiên cường để sinh trưởng và phát triển, tạo nên nguồn nguyên liệu quan trọng sản xuất ra sản phẩm mật ong Bạc hà nức tiếng.
Đến nay, huyện có 4 sản phẩm mật ong Bạc hà được công nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh của 2 chủ thể là: HT Tuấn Dũng và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng.
Đáng chú ý, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tuấn Dũng còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn đen. Lợn đen Lũng Pù là vật nuôi quen thuộc của người dân huyện Mèo Vạc. Ưu điểm của vật nuôi này là có khả năng chống chịu được với thời tiết khắc nghiệt, sức đề kháng cao, đặc biệt là có chất lượng thịt ngon, dai; giá trị kinh tế cao gấp từ 1,5 – 2 lần so với các giống lợn lai, lợn ngoại trên địa bàn. Giống lợn này được Viện Chăn nuôi và Dự án BIODIVA khẳng định cần được nghiên cứu bảo tồn và khai thác có hiệu quả cho cộng đồng.
Trên cơ sở ưu điểm của vật nuôi này, HTX Tuấn Dũng đã phát triển chăn nuôi lợn đen Lũng Pù theo hướng gia trại. Một mặt, HTX chăn nuôi lợn sinh sản nhằm bảo tồn và cung cấp giống lợn ra thị trường; mặt khác, HTX chăn nuôi lợn thương phẩm để phục vụ nhu cầu của người dân, nhà hàng. Đặc biệt, từ chăn nuôi lợn thương phẩm, HTX đã xây dựng được sản phẩm thịt lợn đen Lũng Pù đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh.
Chuỗi giá trị sản phẩm lợn đen Lũng Pù
HTX hiện đang duy trì nuôi hơn 100 lợn nái sinh sản, 300 lợn thịt thương phẩm; hàng năm xuất bán ra thị trường khoảng 1.500 lợn giống có chất lượng tốt.
Từ nguồn vốn của các Chương trình 30a, 135 và nguồn ngân sách địa phương, huyện triển khai thực hiện nhiều mô hình phát triển chăn nuôi lợn hiệu quả. Đơn cử như mô hình chăn nuôi sản xuất giống lợn đen theo hình thức gia trại tại xã Lũng Pù; mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản xã Khau Vai; dự án chăn nuôi lợn xã Pả Vi…
HTX Tuấn Dũng đã xây dựng được sản phẩm thịt lợn đen Lũng Pù đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. |
Đến năm 2025, huyện Mèo Vạc đặt mục tiêu phát triển sản phẩm lợn đen Lũng Pù trở thành hàng hóa chủ lực quan trọng, tạo cơ sở để huyện thúc đẩy công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, cũng như thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để đạt mục tiêu này, nhiều nhiệm vụ, giải pháp được huyện đặt ra, trong đó trọng tâm là nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, chế biến sản phẩm cho cán bộ kỹ thuật và người chăn nuôi; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm; tập trung sắp xếp, bố trí lại mô hình tổ chức sản xuất theo hướng sớm phát huy hiệu quả, vai trò động lực của các doanh nghiệp, HTX trong trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi chuỗi giá trị sản phẩm lợn đen Lũng Pù hàng hóa để tạo công ăn việc làm, giúp người dân nâng cao thu nhập và từng bước giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho người dân địa phương.
Cơ sở để huyện thực hiện nhiệm vụ này chính là những lợi thế về diện tích đất đai, lực lượng lao động dồi dào, nguồn giống chất lượng tốt, nguồn thức ăn chăn nuôi phong phú. Thêm vào đó, với truyền thống phát triển chăn nuôi lợn có từ lâu đời, người dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong chọn giống, nuôi dưỡng, chăm sóc phát triển đàn lợn.
Quyết tâm giảm nghèo bền vững
Bên cạnh phát triển chăn nuôi lợn và ong, huyện Mèo Vạc còn có nhiều cây trồng, vật nuôi thế mạnh, mang đặc trưng vùng miền như: Tam giác mạch, lúa Khẩu mang, ngô, chè Shan tuyết, bò Vàng, dê, gà đen… Từ những cây trồng, vật nuôi thế mạnh này, huyện xây dựng, phát triển được một số sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao cấp tỉnh như: Thịt bò khô Cao nguyên đá, giò bò, rượu ngô Chí Sán, Kẹo Tam giác mạch mật ong Bạc hà, chè cao nguyên xanh…
Do đặc thù là một huyện nghèo, dân trí còn thấp, nên công tác xóa đói giảm nghèo của Mèo Vạc đã tập trung khai thác thế mạnh của địa phương. Nhờ đó, thu nhập từ chăn nuôi của bà con đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững. Tuy vậy, Mèo Vạc cần đẩy mạnh phát triển theo quy mô hàng hóa.
Ông Hồng Mí Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: "Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, ngành trong công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững".
Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc nhấn mạnh, việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng sản phẩm OCOP được huyện triển khai đồng bộ đến các cơ quan, đơn vị, chủ thể và người dân. Thông qua thực hiện chương trình OCOP, bước đầu khai thác, sử dụng hiệu quả, phát huy được tiềm năng, thế mạnh một số sản phẩm hàng hóa nông, nghiệp chủ lực của huyện, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, giảm nghèo bền vững, đồng thời xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Với mục tiêu phấn đấu giảm gần 1.500 hộ nghèo đa chiều, tương đương tỷ lệ 8,53%, đồng thời hạn chế hộ tái nghèo và nghèo mới phát sinh, huyện Mèo Vạc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Mèo Vạc Lương Vũ Khoa cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình; triển khai dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo; kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm...
Thy Lê