Nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ nuôi lợn đen Lũng Pù. |
Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, trong đó lấy chăn nuôi lợn bản địa Lũng Pù là hướng đi trọng tâm trong công tác xoá đói giảm nghèo đã mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào nơi đây.
Hiệu quả từ đề án
Do nuôi lợn đen Lũng Pù khá đơn giản, khả năng thích nghi với khí hậu khắc nghiệt và dịch bệnh tốt, đạt năng suất, chất lượng cao, nên các xã của huyện đều lựa chọn giống lợn này để nâng cao thu nhập. Hơn nữa, chất lượng thịt thơm ngon, cung không đủ cầu, được khách du lịch và người tiêu dùng ưa chuộng… là những điểm cộng cho giống lợn đen Lũng Pù.
Những ưu điểm vượt trội của giống lợn đen Lũng Pù cũng là những yếu tố quan trọng để huyện Mèo Vạc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi giống lợn này, nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Theo ông Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, hiện nay, UBND huyện đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp gây dựng đàn giống, tăng đàn vừa để cung cấp thịt và cung cấp giống lợn đen cho các tỉnh bạn.
Bên cạnh đó, triển khai linh động, hiệu quả các chương trình, chính sách của Trung ương, tỉnh như Chương trình 30a, 135 trong việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi.
Đồng thời huyện Mèo Vạc vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân chăn nuôi theo hình thức liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm; xây dựng kế hoạch quảng bá và định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn đen Lũng Pù đến người tiêu dùng; tích cực thực hiện mọi biện pháp về phòng, chống dịch…
Chẳng thế mà, thịt lợn đen Lũng Pù nức tiếng được khách trong và ngoại tỉnh tìm mua, đặc biệt khi khách đến Mèo Vạc không thể không thưởng thức thứ đặc sản này.
Từ những giải pháp đồng bộ và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, sau 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Mèo Vạc đã nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế, bình quân đạt trên 13,3%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 2011 – 2015 là 4,2%. Giá trị của ngành nông nghiệp năm 2020 đạt trên 755 tỷ đồng. Tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm trên 29% trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Rút ngắn khoảng cách
Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc đánh giá, mặc dù trình độ dân trí của đa số người dân còn thấp, tập quán canh tác nhỏ lẻ manh mún và tự cung tự cấp đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu” đã tạo nên một bước chuyển biến tích cực trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng làm chuyển biến nhận thức của đa số người dân, giúp họ nâng cao nhận thức trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng của sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập và thúc đẩy quá trình giảm nghèo một cách hiệu quả và bền vững.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh chủ trương của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Mèo Vạc đang ưu tiên thực hiện phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi giống lợn đen Lũng Pù địa phương, giống bò Vàng địa phương, gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ, mở rộng quy mô phát triển mật ong Bạc hà, lợn đen Lũng Pù…theo hướng hàng hóa.
Từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, bộ mặt nông thôn ở Mèo Vạc đã khởi sắc. |
Bên cạnh đó, tổ chức các lớp đào tạo khuyến nông, hướng dẫn bà con cách chăm sóc vật nuôi, cây trồng, áp dụng các tiến bộ vào sản xuất để nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng.
Việc phát triển chăn nuôi và trồng trọt theo hướng hàng hoá, nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức các lớp bồi dưỡng khuyến nông… là chủ trương lớn và là định hướng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mèo Vạc về trước mắt cũng như lâu dài. Đó cũng chính là nền tảng để Đề án tái cơ cấu nông nghiệp được thành công.
Với nỗ lực phấn đấu không ngừng, thực hiện từng bước mục tiêu, rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa, miền núi với thành thị... Huyện Mèo Vạc đã huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các xã miền núi có cơ hội vươn lên thoát nghèo thông qua các mô hình phát triển kinh tế - xã hội.
Đơn cử, với những kết quả đã đạt được, mô hình phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô nhỏ và vừa, có sự hỗ trợ của nhà nước trên địa bàn xã Cán Chu Phìn từ nhiều năm qua đã cho thấy hiệu quả, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bà Vương Ngọc Hà, Bí thư huyện ủy Mèo Vạc cho biết, mục tiêu phấn đấu của huyện đến năm 2025, tổng đàn lợn toàn huyện đạt 54.426 con, số lượng thịt lợn xuất chuồng 39.754 con, sản lượng thịt đạt 1.800 tấn.
Có thể nói, đề án tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu thành công trên vùng đất nghèo, làm "thay da, đổi thịt" bộ mặt nông thôn ở đây. Đặc biệt, người dân và lãnh đạo huyện rất tự hào về địa phương mình có được sản phẩm "thịt lợn đen Lũng Pù Mèo Vạc" đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Tiếng lành đồn xa, nhiều tỉnh thành cũng đã tìm hiểu và mua giống lợn đen Lũng Pù về nuôi ở địa phương mình. Đây là điều kiện để huyện Mèo Vạc cùng đồng bào người Mông phát triển nguồn giống quý, góp phần mang lại lợi ích kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con.
Phương Trang