Có một thời, nước mắm Khúc Phụ bị nhấn chìm bởi sự phát triển của nước chấm công nghiệp. Người dân cũng khốn đốn vì nước mắm làm ra khó tiêu thụ, thu nhập chẳng được bao nhiêu.
Liên kết sản xuất
Tuy nhiên, nhiều người làm nước mắm ở Khúc Phụ cũng nhận ra rằng, nước mắm truyền thống của địa phương bị xóa nhòa trên thị trường không chỉ bởi sự phát triển của nước chấm công nghiệp mà còn do nhiều người quen sản xuất nhỏ lẻ, quy trình, kỹ thuật không đồng đều làm ảnh hưởng đến chất lượng nước mắm truyền thống.
Trước thực trạng này, người dân Khúc Phụ đã chú trọng đầu tư, nâng chất lượng, mẫu mã, cải tiến công nghệ, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đặc biệt, để giải quyết bài toán sản xuất nhỏ lẻ, không đồng đều chất lượng và khó đầu ra, nhiều hộ đã liên kết thành HTX sản xuất chế biến nước mắm Khúc Phụ.
HTX đã đầu tư nhà xưởng, nhà kho, bể chứa, bể muối chuyên sản xuất nước mắm, mắm tôm và mắm tép. Các khâu từ chọn nguyên liệu đến quy trình sản xuất nước mắm như trộn muối, gài nén, náo đảo, kéo rút, pha đấu, đóng chai, dán nhãn đều chú trọng yếu tố bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không dùng phụ gia thực phẩm, hóa chất để giữ nguyên mùi vị truyền thống đặc trưng. Hiện nay, các hộ thành viên đều cải tiến bể chứa theo cách ốp gạch men trên nền xi măng nhằm hạn chế tối đa những yếu tố tác động không tốt đến chất lượng mắm trong quá trình sản xuất.
Sản xuất nước mắm thủ công nên các thành viên HTX đều có kinh nghiệm. Tuy nhiên không dừng ở đó, HTX vẫn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề sản xuất nước mắm cho các thành viên và hộ liên kết nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo quy trình hợp vệ sinh. Quy trình sản xuất của HTX cũng được giám sát chặt chẽ bởi các ngành chức năng để nước mắm làm ra đảm bảo tiêu chuẩn nhất định về màu sắc, độ đậm, hương vị… Sản phẩm của HTX cũng được cải tiến về mẫu mã, nhãn mác để tiếp cận với các khách hàng khó tính, và có mặt trên các kệ hàng siêu thị.
Vực dậy làng nghề
Sự phát triển của HTX Khúc Phụ đã thu hút gần 40 hộ thành viên tham gia, từ đó thúc đẩy làng nghề ngày một phát triển. Đặc biệt sản phẩm nước mắm Khúc phụ đã lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng.
Năm 2015, nước mắm Khúc Phụ cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp logo và chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã vạch. Đây là nỗ lực cũng là niềm vui người dân làm mắm Khúc Phụ. Nhờ đó, sản phẩm nước mắm Khúc Phụ đã lan tỏa khắp các vùng, nhu cầu cũng như thị trường tiêu thụ được mở rộng rất nhiều.
Đầu tư nâng chất lượng nước mắm được nhiều người dân ở làng nghề Khúc Phụ quan tâm. |
Đặc biệt nhiều người dân và thành viên HTX hiện rất tự tin về chất lượng nước mắm. Nhiều người cho rằng họ có thể thua doanh nghiệp về nguồn vốn, công nghệ hiện đại, đồng bộ nhưng chất lượng nước mắm sản xuất theo quy trình truyền thống thì không hề thua kém. Bởi với người dân Khúc Phụ, phát triển làng nghề, đảm bảo chất lượng nước mắm không có nghĩa phải chạy theo số lượng, chạy theo thị hiếu khách hàng mà điều quan trọng là dấu ấn đặc trưng của sản phẩm.
Với những suy nghĩ như vậy, nhiều gia đình ở nơi đây đã có 2-4 đời gắn bó với nghề làm nước mắm. Để tăng tính cạnh tranh cho giọt nước mắm truyền thống, người dân, thành viên HTX ở Khúc Phụ cho rằng sẽ tiếp tục đa dạng hóa hình thức, mẫu mã cho sản phẩm. Họ cũng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh trong khâu sản xuất để cạnh tranh trên thị trường.
Tỷ lệ hộ nghèo còn 2%
Nhờ nghề nước mắm phát triển mà đời sống người dân Khúc Phụ được nâng lên. Ngay như HTX Khúc Phụ đang tạo việc làm cho gần 40 thành viên với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra HTX còn đứng ra liên kết với nhiều hộ chuyên đánh bắt hải sản để bao tiêu nguyên liệu phục vụ chế biến.
Còn tính trên toàn bộ xã, làng nghề nước mắm đã thu hút gần 900 hộ tham gia sản xuất, buôn bán, từ đó đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương. Ngoài nước mắm, làng nghề Khúc Phụ còn sản xuất các loại mắm tôm, mắm thính…bằng nguyên liệu ruốc, cá tươi từ biển để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nghề sản xuất nước mắm được đánh giá là đóng góp quan trọng trong việc nâng cao kinh tế, giảm nghèo. Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của xã Hoằng Phú hiện đã đạt 49 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện chỉ còn khoảng 2%. Nhiều hộ dân, cơ sở sản xuất, thành viên HTX có mức thu nhập ổn định từ sản xuất nước mắm.
Tiêu biểu như cơ sở sản xuất nước mắm mang thương hiệu Bà Hảo, cũng là thành viên HTX Khúc Phụ vào mỗi dịp cao điểm như Tết, sản lượng tiêu thụ nước mắm tăng lên khoảng 3.000 đến 4.000 lít/tháng, mang lại doanh thu bình quân cho gia đình bà Hảo khoảng từ 50 - 70 triệu đồng/tháng.
Đánh giá của UBND xã Hoằng Phụ cho thấy, nghề nước mắm đã giúp nhiều hộ có việc làm, thu nhập ổn định, đóng góp tích cực vào quá trình giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con phát triển thương hiệu, xây dựng các sản phẩm OCOP, phấn đấu mỗi năm có thêm từ 2 - 3 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh.
Đến nay, trên địa bàn xã Hoằng Phụ đã có tổng cộng 9 sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao, trong đó chủ yếu là nước mắm, mắm tôm, mắm tép. Thời gian tới, mô hình sản xuất của HTX Khúc Phụ gắn với làng nghề sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển theo mô hình du lịch làng nghề. Điều này sẽ góp phần tạo “cú huých” vừa phát triển làng nghề, quảng bá thương hiệu, vừa phục vụ phát triển du lịch huyện Hoằng Hóa. Đặc biệt là giúp địa phương tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo và giúp nhiều gia đình có cơ hội làm giàu.
Tùng Lâm