Yên Châu là huyện miền núi với hơn 70% đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống của người dân trong huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Hiệu quả từ trồng cây ăn quả trên đất dốc
Nắm bắt được tình hình trên, huyện Yên Châu đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với quyết tâm giảm mạnh hộ nghèo trên địa bàn. Đặc biệt, để người dân các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn nâng cao thu nhập, những người đứng đầu huyện cho rằng cần phải giúp bà con có công việc ổn định, có cơ hội làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình.
Để làm được điều này, huyện đã tăng cường công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp hàng hóa cho lao động ở vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn. Theo thống kê, giai đoạn 2021 - 2023, huyện Yên Châu đã hỗ trợ đào tạo việc làm cho 2.000 lao động thuộc các xã đặc biệt khó khăn, tổ chức mở 19 lớp đào tạo nghề cho 500 lao động nông thôn; hỗ trợ kết nối việc làm thành công gần 10.000 lao động, trong đó, trên 50% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng khó khăn. Huyện cũng tư vấn, giới thiệu lao động đi đào tạo và giải quyết việc làm cho 3.000 lao động là người dân tộc thiểu số.
Ngoài đào tạo nghề, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khơi gợi tinh thần đoàn kết, ý chí thoát nghèo của người dân. Từ đây, người dân đã biết cách khai thác lợi thế địa phương, ứng dụng các kiến thức sau khi được đào tạo để tập trung phát triển kinh tế. Tiêu biểu như tại xã Chiềng Hặc, được sự hướng dẫn của địa phương, các hộ dân đã liên kết thành HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên diện tích 80 ha.
Các thành viên trong HTX tuân thủ các khâu chăm sóc, sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng" cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. HTX cũng thực hiện quản lý vườn xoài bằng camera giám sát trực tuyến, bao túi cho quả xoài. Xoài sau khi thu hoạch được sơ chế đóng gói theo dây chuyền. Chính vì vậy mà HTX đã được cấp mã số vùng trồng, quả xoài cũng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Úc, New Zealand, Trung Quốc, Mỹ...
Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, cho biết sản xuất xoài hàng hóa phục vụ tiêu thụ xuất khẩu và trong nước giúp người dân có thể thu về trung bình 200 triệu đồng/năm. Với những hộ diện tích lớn hơn, số tiền lãi còn lớn hơn.
Chuyển đổi từ trồng ngô sang cây ăn quả giúp người dân Yên Châu nâng cao thu nhập, giảm nghèo. |
Việc đưa cây ăn quả, trong đó có cây xoài vào trồng trên đất dốc giúp nhiều hộ dân ở xã Chiềng Hặc không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu, từ đó giúp tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 40% (2018) xuống còn dưới 20% vào cuối năm 2022. Từ mô hình sản xuất của HTX Chiềng Hặc, lãnh đạo địa phương đang tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn.
Còn tại xã Yên Sơn, mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc cũng được phát triển mạnh mẽ. Trong đó, HTX nông nghiệp Hoa Mơ đang hỗ trợ người dân áp dụng quy trình sản xuất VietGAP để nâng cao giá trị kinh tế. Đến nay, HTX có 15 ha mận hậu, 15 ha chanh leo được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và 3 ha nhãn, 2 ha xoài.
Ngoài trồng trọt, HTX còn chăn nuôi hơn 100 con trâu, bò, dê, lợn để tăng nguồn thu. Đặc biệt từ đây nguồn phân chăn nuôi được tận dụng để ủ hoai, bón cho cây trồng. Với vai trò hỗ trợ người dân sản xuất, HTX cũng bao tiêu sản phẩm cho 52 hộ trong xã với 10 ha chanh leo, 10 ha mận hậu để cung cấp cho thị trường trong tỉnh và siêu thị tại các tỉnh, thành phố.
Nhờ năng động trong sản xuất, doanh thu của HTX đạt trung bình 18 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của các thành viên từ 400-600 triệu đồng/năm. HTX cũng tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động địa phương với mức tiền công từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Từ trồng cây ăn quả, có 3 hộ thành viên HTX đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh và nhiều thành viên, hộ liên kết thoát nghèo thành công.
Tỷ lệ hộ nghèo còn 25,13%
Có thể thấy, các HTX trên địa bàn huyện Yên Châu không chỉ đóng vai trò thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân mà còn giúp họ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.
Hiện nay, huyện Yên Châu đã nhân rộng được nhiều mô hình kinh tế hàng hóa hiệu quả ở các xã. Trong đó nổi bật là những mô hình trồng cây ăn quả, trồng rau màu. Huyện cũng đã có 64 HTX, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ và là thành viên HTX chiếm đến 50%, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản.
Đánh giá của UBND huyện Yên Châu cho thấy, các HTX trên địa bàn huyện ngày càng khẳng định vai trò trong việc hỗ trợ và liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, đem lại thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Thống kê cho thấy, đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 của huyện còn 25,13% (giảm 3,3% so với năm 2021). Đến tháng 11/2023, trên 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Để có được các mô hình sản xuất hiệu quả, hỗ trợ đồng bào nâng cao thu nhập và giảm nghèo, huyện đã chủ động phân bổ kinh phí, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND xã, thị trấn đẩy mạnh thực hiện hoạt động tín dụng với thủ tục đơn giản. Điều này giúp người nghèo, cận nghèo, thành viên HTX tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ một cách kịp thời.
Anh Nguyễn Khánh Toàn (bản Hang Mon 2, xã Phiêng Khoài) đã được tạo điều kiện vay 300 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để trồng cây ăn quả. Sau 3 năm đầu tư có hiệu quả, gia đình tiếp tục vay thêm gần 500 triệu đồng để mở rộng quy mô. Đến nay, với 2 ha cây ăn quả, gia đình anh Toàn có nguồn thu nhập ổn định, sản phẩm quả được chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu lãi khoảng 500 triệu đồng.
Hay tại xã Chiềng Hặc, HTX Chiềng Hặc và nhiều hộ dân đã được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ thiết bị máy móc vào sản xuất theo chuỗi giá trị cũng như tạo điều kiện liên kết với doanh nghiệp, xúc tiến đầu ra. Điều này giúp người dân không ngừng mở rộng diện tích, đưa Chiềng Hặc thành xã có diện tích xoài lớn nhất của huyện Yên Châu với gần 600 ha.
Anh Hà Văn Bình (bản Nà Ngà, xã Chiềng Hặc) cho biết, gần 3 ha xoài mỗi năm cho sản lượng từ 27 tấn. Thu nhập kinh tế từ loại cây này cao hơn so với các loại cây trồng khác. Nhờ trồng xoài mà cuộc sống của gia đình đã bớt khó khăn.
Còn tại xã Viêng Lán, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm gần 40%. Trước tình hình đó, xã vận động nhân dân tích cực sản xuất theo hướng hàng hóa, chuyển đổi những diện tích đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng xoài, nhãn, chuối. Hiện nay, xã trồng trên 130 ha cây ăn quả, đàn gia súc, gia cầm trên 26.500 con, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt đạt 60 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,5%.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Phát triển kinh tế hàng hóa, chuyển đổi từ đất trồng ngô sang trồng cây ăn quả đang giúp giá trị kinh tế của huyện được nâng lên. Tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đến hết năm 2023 ước là 11.554 ha tăng 1,81% (206 ha) so với thực hiện năm 2022, sản lượng quả các loại ước đạt 93.480 tấn.
Để tiếp tục giúp người dân giảm nghèo và không để ai bị bỏ lại phía sau, Yên Châu tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân khai thác tiềm năng, thế mạnh, tiếp tục phát huy lợi thế, đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Huyện cũng ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã khó khăn, biên giới. Thực hiện tốt chính sách về lao động, việc làm, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, nhất là lao động nông thôn.
Ông Vì Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết huyện tiếp tục tập trung huy động các nguồn vốn, ưu tiên hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, đẩy mạnh giảm nghèo hiệu quả, bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Minh Nhương