Tận dụng tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên kết hợp với chính sách hỗ trợ đồng bộ, hiệu quả của Nhà nước, các địa phương trên địa bàn huyện, Mù Cang Chải đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp qua đó góp phần cải thiện đời sống, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Phát triển mô hình trồng su su
Nhận thấy vùng đất Lao Chải có khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai dồi dào nên từ năm 2007 anh Phạm Quang Thọ - Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch T&D đã có ý tưởng phát triển mô hình nông nghiệp sạch.
Ban đầu anh chủ yếu trồng cây táo mèo và một số loại rau, đến năm 2019, anh quyết định thành lập HTX nông nghiệp sạch T&D với 7 thành viên, hoạt động chính là sản xuất rau, củ quả, trong đó cây su su lấy quả là cây trồng chính.
![]() |
Dàn su su rộng 12ha của HTX nông nghiệp sạch T&D. |
Theo anh Thọ, như loài cây bản địa, cây su su là giống ưa lạnh, nên rất phù hợp với khí hậu của Mù Cang Chải, cây sinh trưởng, phát triển nhanh, năng suất cao. Cây su su chỉ trồng một lần và cho thu hoạch nhiều năm tiếp theo, chính vì vậy dù vườn su su của HTX đã trồng được 5 năm nhưng đến nay HTX vẫn chưa phải trồng lại.
Vào cuối năm, khi hết vụ quả giàn su su sẽ tàn, khô dây, rụng lá, tuy nhiên phần gốc không chết sẽ bật mầm mới và tiếp tục lan rộng để cho thu hoạch quả và ngọn ở vụ tiếp theo.
Việc chăm sóc su su khá đơn giản, toàn bộ quy trình trồng chăm sóc, làm cỏ, thu hái được HTX thực hiện theo phương thức hữu cơ. Hệ thống tưới được dẫn từ trên khe núi về bằng đường ống nhựa, phân bón được sử dụng hoàn toàn phân chuồng đã ủ hoai mục.
Quá trình làm cỏ được làm thủ công, phát bằng máy hoặc sử dụng máy cày nhỏ để làm tơi xốp đất. Đặc biệt, vườn su su không có sâu bệnh nên chưa từng phải sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào.
Trong quá trình chăm sóc chỉ cần tập trung tỉa thưa lá để có đủ ánh sáng phía dưới giàn giúp cho quả su su to đều, xanh, bóng, chất lượng thơm ngọt.
Hiệu quả kinh tế cao
Đến nay, HTX có 12 ha đã được trồng su su lấy quả, mùa thu hoạch quả thường bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến tháng 11, tháng 12 dương lịch. Một ha su su cho doanh thu từ 300 – 500 triệu đồng/năm.
Vào vụ thu hoạch, trung bình mỗi ngày HTX cung ứng ra thị trường từ 7 - 10 tấn quả cho các chợ đầu mối ở Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội với giá bình quân từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, thời điểm đầu vụ và cuối vụ bán được giá từ 10.000 – 12.000 đồng/kg.
Hiện, một số khách hàng từ các thị trường Ấn Độ, Đài Loan... cũng đã đến tìm hiểu và mong muốn nhập khẩu sản phẩm su su của HTX. Chính vì vậy, HTX đang tiếp tục phát triển mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, sản lượng, phấn đấu cung ứng ra thị trường từ 15 - 20 tấn quả/ngày.
Năm 2023, sản phẩm quả su su của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, với chất lượng thơm, ngọt, mẫu mã đẹp. Ngoài cung ứng cho các thị trường lớn, sản phẩm su su và rau sạch còn được cấp cho các bếp ăn tập thể trường học trong và ngoài huyện.
"Ở vùng dưới xuôi người ta chỉ trồng được su su vào vụ đông, còn ở đây su su lại cho thu hoạch cả mùa hè kéo dài đến dịp cuối năm nên đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Hiện HTX còn khoảng 13 ha đất đang trồng các loại cây khác", anh Thọ nói và cho biết, trong thời gian tới mỗi năm HTX sẽ đầu tư làm giàn, trồng mới từ 3 - 4 ha su su, phấn đấu toàn HTX có khoảng 25 ha. Ngoài ra, HTX còn liên kết và hỗ trợ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ dân trồng su su trong vùng.
Với diện tích rộng, công việc nhiều, hiện nay HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức thu nhập từ 5 – 9 triệu đồng/tháng, trong mùa chăm sóc, thu hoạch thu hút từ 20 - 30 lao động thời vụ.
![]() |
Bà con ở Mù Cang Chải có thu nhập cao từ trồng su su trên núi. |
Chị Sùng Thị Sùng (xã Lao Chải) làm ở HTX nông nghiệp sạch T&D được nhiều năm nay chia sẻ, từ ngày có HTX trồng su su mà chị có thêm việc làm, có thu nhập giúp gia đình. "Tôi vào đây đi làm cho anh Thọ là để có tiền hỗ trợ bố mẹ và con cái, nhất là mua quần áo cho bố mẹ và các con để các con đi học và giúp đỡ bố mẹ và gia đình", chị Sùng nói.
Giám đốc HTX thông tin, hiện nay diện tích đất trống của người dân Mù Cang Chải còn khá nhiều, đã có một số hộ cũng học hỏi và tham gia trồng su su như ông Giàng A Báo, Giàng A Câu ở bản Háng Gàng (xã Lao Chải).
Các hộ này có diện tích khoảng 1 ha đã có nguồn thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/năm. Chính vì vậy, để hỗ trợ người dân phát triển mở rộng diện tích, thời gian tới, HTX sẽ hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và tiếp tục hợp đồng thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Hỗ trợ người dân
Lãnh đạo xã cho biết, việc HTX nông nghiệp sạch T&D ra đời, cung cấp giống cây và tìm đầu ra cho sản phẩm góp phần tạo động lực cho bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cùng với việc kinh doanh, sản xuất giống cây trồng và vật tư nông nghiệp, với sự giúp đỡ của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh, HTX đã tư vấn miễn phí cho người dân về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, sử dụng phân bón phù hợp, đúng cách, tìm đầu ra cho sản phẩm... Từ đó tạo được niềm tin và sự gắn kết giữa HTX với thành viên và người dân. Nhiều hộ có điều kiện kinh tế khó khăn sau khi liên kết với HTX sản xuất trồng cây ăn quả đã trở nên khá giả.
Nhờ đó, số hộ nghèo của xã ngày càng giảm, góp phần trong công tác giảm nghèo toàn huyện. Cuối năm 2021, nếu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện là 56,79% thì năm 2024 giảm xuống còn hơn 28,4%, tương đương 3.868 hộ. Dự kiến, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện năm 2025 còn 23,2%.
Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thực hiện mục tiêu thoát nghèo; vận động các đơn vị, doanh nghiệp tham gia giúp đỡ hộ nghèo và các đối tượng xã hội yếu thế; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo; quan tâm tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Mới đây, từ ngày 31/3 đến ngày 3/4, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải đã phối hợp với các đối tác tổ chức 16 lớp tập huấn cho nông dân các xã trên địa bàn huyện.
Tại các lớp tập huấn, người dân ở các xã: Nậm Có, Cao Phạ, Nậm Khắt, Púng Luông, Kim Nọi, Chế Cu Nha, Mồ Dề, Lao Chải đã được các giảng viên, chuyên gia hướng dẫn về quy trình kỹ thuật chăm sóc các giống cây trồng, tư vấn cho bà con về các loại giống cây trồng, hướng dẫn bà con cách nhận biết một số giống giả, cũng như phân bón giả kém chất lượng và nhái nhãn mác trên thị trường để phòng tránh rủi ro cho bà con trước khi vào mùa vụ sản xuất.
Ngọc Giang