Tại xã Nậm Khắt - địa phương đầu tiên của huyện Mù Cang Chải hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đời sống kinh tế- xã hội có nhiều đổi thay. Đặc biệt, nhiều mô hình HTX trồng cải mầm đá, su su... ra đời đã giúp đời sống của người dân ngày càng ổn định, đi lên.
Hiệu quả từ trồng su su và cải mầm đá
Điển hình như mô hình trồng rau cải mầm đá của HTX Sản xuất Nấm ăn và Nấm dược liệu Mù Cang Chải. Anh Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc HTX cho biết, trung bình mỗi cây rau mầm đá có trọng lượng 1,5 - 2 kg, sản lượng thu hoạch vụ đầu tiên đạt khoảng 30 tấn/ha, doanh thu khoảng 300 triệu đồng/ha.
“Hiện tại HTX chủ yếu xuất bán cho các trường học trên địa bàn huyện và tỉnh Sơn La, thành phố Hà Nội với giá từ 50 - 60 ngàn đồng/kg”, anh Hoàng Anh thông tin.
![]() |
Rau cải mầm đá của HTX Nấm ăn và Nấm dược liệu Mù Cang Chải phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Không những đem lại lợi nhuận, khi HTX Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải về đầu tư sản xuất nông nghiệp tại xã Nậm Khắt còn giải quyết được việc làm thường xuyên người dân bản địa.
Chị Hảng Thị Sú, một người dân tại xã Nậm Khắt không khỏi vui mừng khi được tham gia vào HTX. Theo chị Sú, khi được vào làm tại đây có thu nhập cao hơn nhiều so với trước đây trồng lúa 1 vụ/năm. Hiện tại, mỗi tháng cả hai vợ chồng chị được HTX trả công khoảng 9 - 10 triệu đồng.
Rời Nậm Khắt lên đỉnh Háng Gàng, xã Lao Chải - nơi chuyên canh nông nghiệp sạch của HTX Nông nghiệp sạch T&D. Gần 12 ha rau, quả được đầu tư bài bản theo tiêu chuẩn VietGAP với hệ thống giàn được làm bằng ống kẽm, dây thép.
Theo anh Phạm Quang Thọ, Giám đốc HTX, hoạt động chính của HTX là sản xuất rau, củ, quả, trong đó trồng su su là chính. Hiện, HTX có 12 ha su su, mùa thu hoạch quả thường bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến tháng 11, tháng 12 Dương lịch. Một ha su su cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Vào vụ thu hoạch, trung bình mỗi ngày HTX cung ứng ra thị trường từ 7 - 10 tấn quả cho các chợ đầu mối ở Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg; cuối vụ giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg.
"Hiện, có một số người từ Ấn Độ, Đài Loan đã đến tìm hiểu và mong muốn nhập khẩu sản phẩm su su của HTX. Vì vậy, HTX tiếp tục mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, sản lượng, phấn đấu cung ứng ra thị trường từ 15 - 20 tấn quả/ngày”, anh Thọ cho biết thêm.
Tập trung chuyển đổi sản xuất nông nghiệp
Tiếng lành đồn xa, mô hình trồng su su hiệu quả của HTX Nông nghiệp sạch T&D tại bản Háng Gàng đã được bản Háng Đề Chu nhân rộng.
Tại xã Hồ Bốn (bản Háng Đề Chu), hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã được địa phương hỗ trợ phát triển cây su su. Từ diện tích 2,5 ha ban đầu, đến nay, diện tích trồng su su mang lại hiệu quả thiết thực, toàn xã đã tăng diện tích lên 3,5 ha.
Không chỉ vậy, Hồ Bốn giờ đã có nhiều tổ hợp tác (THT) khác được thành lập như: THT trồng lúa Séng cù do Hội Nông dân thực hiện; THT trồng cây ăn quả do Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện; THT trồng lạc đỏ, trồng ngô tí hon, trồng dưa trái vụ…
Cùng với rau cải mầm đá, su su, thời gian qua, huyện Mù Cang Chải tập trung chuyển đổi các diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các cây trồng có giá trị cao, mang lại thu nhập cho người dân như mô hình trồng hoa hồng, trồng nấm ở xã Nậm Khắt; trồng sâm Ngọc Linh ở xã Kim Nọi; trồng cà phê ở xã Khao Mang… với vùng chuyên canh tập trung hàng trăm ha.
Trong đó, HTX Nông nghiệp Nhà Páo Ly tại bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt đã thu hút được các hộ thành viên đều là người dân tộc Mông, cùng nhau liên kết, hợp tác làm giàu từ cây hoa hồng.
Anh Lý A Tính – Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhà Páo Ly cho biết, năm 2024 giá hoa hồng bán buôn trung bình 1.500 đồng/bông, bình quân 1 ha hoa hồng cho thu 700 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận của HTX đạt 350 triệu đồng/năm.
Thu nhập của thành viên HTX từ 6 -15 triệu đồng/người/tháng tùy từng vị trí, đồng thời HTX còn tạo việc làm thời vụ cho khoảng 40 lao động địa phương với mức tiền công 250.000 đồng/người/ngày.
![]() |
Các thành viên của HTX Nông nghiệp Nhà Páo Ly đang thu hoạch hoa hồng. |
Đến nay, phần lớn diện tích đất trồng cây hằng năm được chuyển đổi trồng những loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm quanh năm, giúp người dân thoát nghèo, từng bước làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Thay đổi tư duy canh tác truyền thống, tự cung tự cấp sang thâm canh, sản xuất hàng hóa, liên kết xây dựng vùng sản xuất tập trung không chỉ giúp đông đảo người dân tận dụng tối đa lợi thế mà còn thoát nghèo nhanh, bền vững… đã giúp địa phương giảm hộ nghèo bình quân trên 8%/năm trong nhiều năm qua; diện mạo nông thôn nhiều đổi mới, chất lượng cuộc sống người dân vùng cao được cải thiện rõ rệt.
Tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước
Nhờ những thay đổi cả về tư duy và phương thức sản xuất của các HTX, đến cuối năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Mù Cang Chải chỉ còn gần 29%, tương đương gần 4.000 hộ nghèo. Dự kiến, hộ nghèo toàn huyện năm 2025 còn hơn 23%, là một trong số ít huyện đặc biệt khó khăn có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất của cả nước.
Đại diện huyện Mù Cang Chải cho biết, huyện đã cải thiện khả năng tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, quan tâm đến công tác đào tạo nghề, nhất là các nghề phổ thông, đào tạo ngắn ngày... từ đó nhận thức, năng lực, trách nhiệm về xóa đói, giảm nghèo của người nghèo được nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh đó, huyện cũng ban hành chính sách, cơ chế nhằm xây dựng mối liên kết chặt chẽ để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, tạo sinh kế bền vững cho người dân; khuyến khích người lao động trong độ tuổi, có sức khỏe đi làm việc tại các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động để có việc làm, nguồn thu nhập ổn định.
Mới đây, từ ngày 31/3 đến ngày 3/4, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải đã phối hợp với các đối tác tổ chức 16 lớp tập huấn cho nông dân các xã trên địa bàn huyện.
Tại các lớp tập huấn, người dân ở các xã: Nậm Có, Cao Phạ, Nậm Khắt, Púng Luông, Kim Nọi, Chế Cu Nha, Mồ Dề, Lao Chải đã được các giảng viên, chuyên gia hướng dẫn về quy trình kỹ thuật chăm sóc các giống cây trồng, tư vấn cho bà con về các loại giống cây trồng, hướng dẫn bà con cách nhận biết một số giống giả, cũng như phân bón giả kém chất lượng và nhái nhãn mác trên thị trường để phòng tránh rủi ro cho bà con trước khi vào mùa vụ sản xuất.
Công tác giảm nghèo bền vững của huyện vùng cao Mù Cang Chải được đánh giá là địa phương tiêu biểu, có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, mang lại kết quả tích cực, tạo được sức lan tỏa, khích lệ người nghèo quyết tâm vươn lên, sức dân được được huy động mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi đời sống, mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho gần 7 vạn đồng bào người Mông, người Thái ở huyện vùng cao Mù Cang Chải.
Giang Nguyễn