Huyện Bắc Hà có khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai thích hợp để trồng chè. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè, thời gian qua, huyện Bắc Hà đã phối hợp với các HTX sản xuất và chế biến chè hữu cơ trong huyện, tiến hành cải tạo, nâng cao chất lượng cây chè, xúc tiến xây dựng sản phẩm chè Shan Tuyết hữu cơ. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân trồng dặm, áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Điểm tựa cho thành viên
Điển hình tại xã Bản Liền, cây được trồng lâu đời nay ở các thôn Đội 1, 2, 3, 4 với tổng diện tích hiện có gần 900ha. Trong đó, có trên 800ha chè hữu cơ.
Ông Vàng A Sự chia sẻ: “Nhờ trồng, chăm sóc chè Shan Tuyết theo tiêu chuẩn VietGAP, đúng quy trình nên sản phẩm chè búp tươi của bà con nông dân xã Bản Liền được các HTX, xưởng chè tư nhân thu mua, với giá cao. Cùng với đó, các xưởng sản xuất chè của HTX cũng tạo việc làm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Từ đó, người dân thêm phần phấn khởi, yên tâm gắn bó với cây chè”.
![]() |
Chè Shan Tuyết theo tiêu chuẩn VietGAP được các HTX thu mua với giá cao, giúp thu nhập của người dân tộc Tày xoá đói giảm nghèo bền vững. |
Cách đây hơn 4 năm, chị Lâm Thị Duyên, người dân tộc Tày tại xã Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) vẫn còn gắn bó với cây ngô trên rẫy. Vào vụ thu hoạch năm được năm mất, cuộc sống bấp bênh, cái ăn không đủ. Kể từ khi được vận động tham gia vào HTX Nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà, chị đã chuyển từ trồng ngô sang chè hữu cơ. Cuộc sống của gia đình chị cũng dần thay đổi.
Chè trồng chỉ 2 năm cho thu hoạch. Gia đình chị có 2ha, mỗi vụ thu hái chè tươi bán cho HTX được 15-20 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn làm việc tại xưởng sản xuất chè nên có thêm khoản thu nhập đều đặn 5 triệu đồng/tháng.
Đại diện HTX chè Bản Liền liên tục vận động người nông dân chuyển sang mô hình trồng chè hữu cơ, mở rộng liên kết sản xuất để tạo thành vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn. “HTX chúng tôi phải tổ chức tập huấn thường xuyên về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thông tin rõ về 25 tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ. Sản phẩm chè Bản Liền được canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật”, đại diện HTX nói.
Ngoài ra, các hộ trồng chè đều có mã số, sổ sách ghi chép nhật ký chăm sóc. HTX áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc từ khâu trồng, hái, chế biến nên khách hàng quốc tế tin tưởng tiêu dùng sản phẩm.
Thời điểm này, đã có trên 420 ha chè hữu cơ được HTX Bản Liền thực hiện liên kết với chính người dân địa phương. Trung bình 1ha chè giúp người nông dân thu lãi 80-100 triệu đồng/năm sau khi trừ các khoản chi phí, cao hơn nhiều lần so với các cây trồng truyền thống khác.
Cây chủ lực giảm nghèo bền vững
Để phát huy lợi thế vùng, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về “Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, huyện Bắc Hà đã chú trọng thực hiện mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè Shan tuyết gắn với liên kết sản xuất tạo thành chuỗi giá trị.
Từ đó, nhiều HTX trồng chè ra đời và đang ngày càng khẳng định được thương hiệu, cũng như vị thế của mình, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Bên cạnh HTX chè Bản Liền, HTX Nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà, còn có HTX Quang Tom (xã Tà Chải, Bắc Hà), cũng trở thành "điểm sáng" về mô hình kinh tế tập thể tại địa phương. Chị Sải Thị Bích Huế, Giám đốc HTX Quang Tom cho biết, Bắc Hà có nguồn chè Shan tuyết dồi dào, HTX đã xây dựng sản phẩm OCOP để bảo tồn, phát huy giá trị của sản phẩm, giúp đời sống đồng bào được nâng cao.
Theo đó, HTX Quang Tom liên kết với các hộ dân có chè, nhất là ở vùng chè Shan tuyết cổ thụ xã Tả Củ Tỷ. Sau đó, hướng dẫn họ chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật. Toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến của HTX đều theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo nguyên tắc không sử dụng thuốc BVTV, phân hóa học và không pha tạp. Sản phẩm chè tươi sẽ được HTX thu mua về chế biến.
Hiện, sản phẩm chè của HTX đạt OCOP 3 sao. Trong đó, hồng trà, bạch trà và chè đen được người tiêu dùng Hà Nội, TP.HCM, TP Lào Cai ưa chuộng.
![]() |
Chè sau khi hái được chọn lọc, đem xao suốt, tỏa hương thơm nồng nàn gọi mời du khách trải nghiệm đồi chè Bản Liền. |
Với các mô hình liên kết sản xuất của các HTX, huyện Bắc Hà đã hình thành được vùng sản xuất chè Shan tuyết hữu cơ lên tới 700ha. Vùng sản xuất chè hữu cơ này tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho trên 300 hộ dân với hơn 1.500 người.
Năm ngoái, sản lượng búp tươi thu hái đạt khoảng 3.700 tấn, cho thu nhập đạt trên 63,5 tỷ đồng. Các rừng chè "triệu USD" xuất hiện, đã và đang khẳng định là cây chủ lực giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc huyện vùng cao Bắc Hà.
Mở rộng hoạt động HTX là bước đi đúng đắn
Những năm gần đây, các mô hình HTX hoạt động hiệu quả đã giúp sản xuất nông nghiệp có điều kiện phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Hà. Nhờ đó, cuộc sống của các thành viên ngày càng ổn định, góp phần vào sự phát kinh tế - xã hội của địa phương.
Thực tế cho thấy, hiện nay, các HTX ở Bắc Hà ngày càng được mở rộng và đi vào hoạt động hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho người nông dân, thể hiện là bước đi đúng đắn trong kinh tế tập thể, kinh tế HTX. Bằng các hoạt động tăng cường liên kết với các thành viên, các HTX đã phát triển nhiều sản phẩm có thế mạnh của địa phương, như: cây chè, cây dược liệu… Bên cạnh đó, nhiều HTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn sản xuất an toàn, ký kết tiêu thụ sản phẩm dài hạn với tổ chức, doanh nghiệp để phát triển bền vững.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Lào Cai cho biết sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động; tập trung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho người đứng đầu HTX; chú trọng bám sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển thị trường. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các HTX tham gia xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị để làm cơ sở nhân rộng; tích cực phát động và hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển HTX.
Giai đoạn 2022 - 2025, Bắc Hà là 1 trong 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh được Chính phủ lựa chọn hỗ trợ thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Từ hỗ trợ của Chính phủ, quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Lào Cai và huyện Bắc Hà, liên tiếp trong 2 năm (2022 - 2023), tỷ lệ giảm nghèo của huyện luôn nằm trong nhóm giảm cao nhất của tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng để Bắc Hà thực hiện mục tiêu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn trong thời gian tới.
Tỷ lệ giảm nghèo bình quân mỗi năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, giai đoạn 2021 - 2025 của huyện Bắc Hà đạt 7,61% trở lên, đạt 89,3% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện cuối năm 2025 dự kiến còn khoảng 21%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã nghèo giảm bình quân trên 9%/năm trở lên, đạt 85,7% kế hoạch.
Hoàng Hà