Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, cho biết Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới với 82,62% dân số trong tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn thiếu thốn.
Giai đoạn 2021-2025, Điện Biên phấn đấu mỗi năm giảm từ 4% trở lên tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều; trong đó, các huyện nghèo giảm trung bình từ 5,5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 5% trở lên. Năm 2025, tỉnh có 2 huyện thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 18,9%.
Liên kết sản xuất chặt chẽ
Tại Điện Biên, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX được tỉnh đặc biệt quan tâm đẩy mạnh. Nhờ đó, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, số tổ hợp tác, HTX thành lập mới phát triển khá nhanh, hoạt động ngày càng đa dạng.
Điển hình là HTX Hồng Phước (bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên) được vinh danh là 1 trong số 63 HTX nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Được thành lập từ tháng 11/2004, HTX ban đầu chỉ thu mua, sản xuất miến dong nhưng đến nay, HTX đã mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực trồng trọt, chế biến, cung ứng phân bón, giống cây trồng, vật nuôi.
Sản phẩm miến dong của HTX Hồng Phước trở thành thương hiệu OCOP, nổi tiếng tại Điện Biên và trên toàn quốc. |
Anh Lò Văn Pâng, Giám đốc HTX Hồng Phước cho biết: HTX thành lập vào tháng 11/2004 trong điều kiện rất nhiều khó khăn. Ngày đầu thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên, vốn điều lệ vỏn vẹn 200 triệu đồng. HTX chỉ triển khai thu mua, sản xuất miến dong.
Tuy nhiên, đến nay HTX Hồng Phước đã có bước phát triển mạnh mẽ, số lượng thành viên tăng lên 20 người, vốn điều lệ tăng lên 5 tỷ đồng. Quy mô sản xuất của HTX mở rộng sang các lĩnh vực: trồng trọt, chế biến, cung ứng phân bón, giống cây trồng, vật nuôi.
Đáng chú ý, đến nay HTX vẫn duy trì việc sản xuất miến dong, trở thành thương hiệu OCOP miến dong Hồng Phước nổi tiếng tại Điện Biên và trên toàn quốc. Hiện, HTX có vùng nguyên liệu khoảng 50 ha cây dong riềng, quy mô sản xuất được mở rộng, với 1 cơ sở làm miến dong và 4 cơ sở sản xuất bột dong riềng tại các xã: Nà Tấu (2 cơ sở), Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông), Nậm Nèn (huyện Mường Chà). Mỗi cơ sở sản xuất bao tiêu sản phẩm cho bà con tại địa phương với sản lượng khoảng trên 3.000 tấn củ/vụ, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con.
Bên cạnh đó, HTX Hồng Phước đã đầu tư, mở rộng hình thức sản xuất, kinh doanh trồng mắc ca (khoảng 30 ha); cà phê, cây ăn quả (mỗi loại khoảng 5ha); nuôi cá (khoảng 0,5ha ao), nuôi khoảng 300 con dê sinh sản và dê thịt…
Mỗi năm HTX Hồng Phước có doanh thu hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 100 lao động tại địa phương, mức thu nhập trung bình từ 7- 10 triệu đồng/tháng. Nhờ thu nhập ổn định, bà con không còn lo thiếu ăn thiếu mặc, mỗi nóc nhà đều có điện sáng, dân bản dần xóa bỏ được những hủ tục lạc hậu.
HTX làm "nòng cốt" xoá đói giảm nghèo
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, huyện Mường Nhé được đánh giá là một trong những địa phương có phong trào phát triển kinh tế hợp tác mạnh và hiệu quả. Đến nay, huyện biên giới này có 13 HTX với tổng số thành viên là 107 người. Trong đó, 5 HTX mới thành lập (1 HTX dịch vụ Mắc ca Sín Thầu, 1 HTX gai xanh Mường Nhé, 1 HTX nông nghiệp, 2 HTX dịch vụ trồng và chế biến quế).
Thành viên HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Hà Ân thu hoạch bí xanh. |
Số HTX thành lập mới phát triển nhanh và hoạt động ngày càng đa dạng, nỗ lực vươn lên, đổi mới tổ chức và nội dung hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành, đa nghề. Ngoài ra, các HTX còn tích cực hỗ trợ nhau về kỹ thuật sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự khu vực, góp phần phát triển kinh tế ổn định, giảm nghèo cho người dân tại vùng sản xuất.
Điển hình như HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Hà Ân (bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè) được thành lập năm 2021 với 7 thành viên, tổng số vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Dù được thành lập chưa lâu, số lượng thành viên không nhiều, song với sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan, HTX tập trung mở rộng sản xuất các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, mang tính vùng miền nên thu nhập bình quân của thành viên không ngừng tăng, trung bình từ 15 - 17 triệu đồng/tháng.
Giám đốc HTX Nguyễn Tiến Nghĩa cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho thành viên, HTX đã liên kết với 3 xã Chà Nưa, Si Pa Phìn, Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) để trồng bí xanh xuất bán đến thị trường Hà Nội. Hiện nay, với diện tích 1,2ha bí (trồng 2 vụ/năm), HTX thu hoạch khoảng 150 tấn/năm. Giá bí xanh trung bình từ 4 - 5 nghìn đồng/kg, có thời điểm giá cao từ 18 - 20 nghìn đồng/kg đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho thành viên HTX.
Đặc biệt, mới đây, 3 sản phẩm trà (Cực tây hoa hồng trà, Cực tây tô mộc trà, Cực tây bí xanh trà) của HTX đã được huyện Mường Nhé công nhận là sản phẩm OCOP 2 sao, sản phẩm Cực tây Hà Nhì trà được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Đánh giá cao vai trò của kinh tế hợp tác, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé khẳng định, giai đoạn 2021-2025, huyện tiếp tục khuyến khích thành lập các HTX và tổ hợp tác để mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm mang tính hàng hoá. Nhằm phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, huyện chú trọng gặp gỡ, đối thoại về chính sách xây dựng, phát triển HTX gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh phát triển HTX
Tỉnh Điện Biên hiện có gần 320 HTX với trên 9.800 thành viên, tổng số vốn điều lệ 886 tỷ đồng. Trong đó, các HTX hoạt động trong các lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản chiếm tỷ lệ lớn. Tổng số lao động thường xuyên trong các HTX là 9.500 người, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động đạt 56 triệu đồng/năm.
Hiện nay, nhiều HTX của Điện Biên đã ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều HTX chủ động liên kết với nông dân sản xuất, tạo sản phẩm và tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Thào A Giàng, Giám đốc HTX Dứa Mường Nhà cho biết: HTX hợp tác với khoảng 300 hộ dân ở 6 bản trồng dứa mật, trong đó trồng nhiều nhất tại bản Pu Lau với hơn 30ha. HTX tiến hành bao tiêu sản phẩm dứa Pu Lau cho dân bản. Từ việc chuyển đổi cơ cấu làm nương không hiệu quả sang trồng dứa đã mang lại thu nhập cao cho người dân, giúp xoá đói, giảm nghèo cho người dân Mường Nhà.
Ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Điện Biên, cho biết: Những năm qua, để thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về phát triển hợp tác xã; hỗ trợ, tạo điều kiện giúp thành viên, người dân vay vốn phát triển mô hình kinh tế tập thể… Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, đã có gần 30 HTX mới được thành lập.
Các HTX đã từng bước được củng cố về tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Quan trọng hơn, thông qua các mô hình, hoạt động của hợp tác xã đã giúp người dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất, mạnh dạn áp dụng tiến bộ, kỹ thuật mới vào sản xuất, tăng thu nhập bền vững.. góp phần thực hiện các mục tiêu của tỉnh về phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo bền vững.
Ông Dương cho biết trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh, sẽ phối hợp xây dựng Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, triển khai Đề án xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị theo Nghị quyết của Ban chấp hành Liên minh HTX Việt Nam; tư vấn, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác tiếp cận, áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Hoàng Hà