Đặc biệt, với vai trò “bà đỡ” HTX nông lâm Chung Thành, thương hiệu gạo nếp Cay Nọi từng bước có chỗ đứng trên thị trường với giá bán ổn định, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân huyện vùng cao.
Người tiên phong trồng cây thoát nghèo
Là người con dân tộc Thái, lớn lên với mùi thơm của cơm nếp, với mong muốn những “hạt ngọc” của địa phương có chỗ đứng trên thị trường, chị Lương Thị Nồng cùng chồng là anh Lò Văn Liêm (dân tộc Thái) đã thành lập HTX Nông lâm Chung Thành và xây dựng thành công lúa nếp Cay Nọi, trở thành sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của huyện Mường Lát năm 2021.
Theo chị Nồng, nếp Cay Nọi có nhiều loại giống, nhưng nếp Cay Nọi vỏ đỏ sọc là giống ngon nhất, khi nấu chín cơm có hương thơm đặc biệt, vị ngọt, hạt cơm để cả ngày vẫn dẻo, thời gian ngâm gạo chỉ 1,5 giờ đồng hồ… “Nếp Cay Nọi quê tôi có từ xa xưa, được người dân lấy giống từ nước bạn Lào về trồng” – người phụ nữ trẻ chia sẻ.
![]() |
Cánh đồng lúa nếp Cay Nọi trên địa bàn huyện Mường Lát (Thanh Hóa). |
Nhớ lại những ngày đầu tạo dựng, do muốn tìm kiếm được giống nếp Cay Nọi ngon nhất, chuẩn vị nhất, chị Nồng phải đi rất nhiều nơi để mua các loại gạo nếp Cay Nọi về ăn thử, sau đó chọn lựa giống tốt nhất cho bà con trồng, mang thương hiệu vùng biên không thể ở đâu có được.
Trong quá trình tìm kiếm gạo chất lượng, không ít lần chị bị mẹ ngăn cản và nói: “Nhà gạo xếp cả dãy đấy rồi, còn đi khắp nơi mua gạo về ăn làm gì cho vất vả”. Tuy nhiên, với quyết tâm gây dựng sản phẩm bền vững, chị vẫn quyết tâm hành trình tìm những “hạt giống vàng”.
“Nếu không đi tìm kiếm, ăn thử và chọn lựa, làm sao có thể có được loại giống lúa ngon mang thương hiệu cho riêng mình, cho bà con dân bản” – tôi đã đáp lời mẹ như vậy.
Đặc biệt, mặc dù có giá trị cao nhưng nhiều năm qua, người nông dân sau khi thu hoạch lúa thường bị tư thương ép giá. Chính vì vậy, HTX nông lâm Chung Thành (Quang Chiểu, Mường Lát) đã được thành lập để làm cầu nối cho gạo Cay Nọi với thị trường. HTX liên kết với 31 hộ dân trên địa bàn xã Quang Chiểu, sản xuất gạo Cay Nọi theo chương trình OCOP.
Các hộ dân này sẽ được HTX hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và giúp tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. Đây chính là điều kiện để bà con yên tâm phát triển giống lúa gạo đặc sản này.
Được biết, thời điểm thành lập HTX, bản Pùng có 31 hộ gia đình trồng lúa nếp Cay Nọi, với tổng diện tích 20 ha, trong đó có 6 hộ gia đình thành viên tham gia HTX. Mỗi năm cho thu hoạch khoảng 100 tấn/vụ, tương đương với giá trị gạo thành phẩm là 700 – 800 triệu đồng/vụ.
Chị Vi Thị Chung (SN1994) ở bản Pùng, thành viên của HTX nông - lâm Chung Thành cho biết, chị Nồng là người phụ nữ có nghị lực và cả sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm. Khi được cô ấy vận động tham gia liên kết, tôi đã đồng ý cùng thực hiện.
“Trước đây, gia đình trồng lúa đơn thuần, ngô, sắn trên diện tích 8 sào, năng suất thấp, đời sống khó khăn. Khi tham gia HTX trồng nếp Cay Nọi, lúa cho năng suất cao, gạo ngon, được giá, tổng thu nhập 70 triệu đồng/năm, cuộc sống dần ổn định”, chị Chung cho hay.
Không ngừng lớn mạnh
Không dừng lại ở đó, để sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương luôn được ổn định đầu ra trên thị trường và trở thành thương hiệu của huyện Mường Lát, năm 2022, HTX Nông lâm Chung Thành đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Lát triển khai mô hình phát triển sản xuất sản phẩm OCOP lúa nếp Cay Nọi tại bản Pùng trên diện tích 50ha, với hơn 200 hộ dân bản địa tham gia.
Đây là mô hình đã tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện; đồng thời mở ra hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Mô hình cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản...
![]() |
Những nương nếp Cay Nọi giúp nhiều bà con tại huyện Mường Lát từng bước thoát nghèo. |
Nhờ chất lượng tốt và được hỗ trợ tìm đầu ra, nên gạo nếp Cay Nọi sản xuất ra đến đâu, được tiêu thụ hết đến đó, chủ yếu là các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các đầu mối lớn ở các vùng miền ngoài tỉnh như Hòa Bình, Ninh Bình,...
Cũng do tuân thủ các quy trình về kỹ thuật, nên năng suất lúa bình quân vụ mùa các năm 2022, 2023, 2024 vừa qua, bà con trồng lúa đều thu lợi nhuận từ 3 - 3,5 triệu đồng/sào/vụ, tương đương 70 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn hẳn các loại cây trồng bản địa.
Tính đến nay bà con trên toàn xã Quang Chiểu cùng liên kết gieo cấy 320ha nếp Cay Nọi, với hơn 1.000 hộ tham gia (tổng diện tích toàn xã 340ha, với 1.300 hộ), trong đó trồng nhiều nhất ở 2 xã Quang Chiểu, Mường Chanh và thị trấn Mường Lát.
Để sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Mường Lát tiếp tục được mở rộng, bảo đảm nguồn cung cho thị trường, chính quyền huyện đã và đang tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương hỗ trợ người dân xây dựng “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Cay Nọi an toàn” nhằm giúp sản phẩm gạo Cay Nọi có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng và giá bán ổn định hơn.
Đẩy lùi danh sách hộ nghèo
Tính đến nay, trong số các loại cây trồng của đồng bào Thái ở xã Quang Chiểu, lúa nếp Cay Nọi được xem là cây trồng chủ lực với 2/3 diện tích cây trồng toàn xã.
Chia sẻ về những thành quả bản thân và bà con dân bản tạo dựng trong thời gian qua, giám đốc HTX Nông lâm Chung Thành cho hay, từ khi gạo Cay Nọi trở thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa được thị trường ưa chuộng, đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân. Sản phẩm thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, thậm chí nhiều thương lái còn phải vào tận nơi đặt tiền trước mới mua được lúa về xay.
Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, để nâng tầm giá trị cho gạo Cay Nọi, HTX nông lâm Chung Thành dự tính, sẽ cùng bà con xây dựng “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Cay Nọi an toàn”. Đây sẽ là một bước tiến vượt bậc giúp sản phẩm gạo Cay Nọi Quang Chiểu có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng và giá bán ổn định, xóa bỏ dần tình trạng được mùa mất giá.
Nói thêm về chủ trương hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển các chuỗi liên kết, ông Nguyễn Đình Tuấn - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện Liên minh HTX Thanh Hóa đang tiếp tục rà soát, lựa chọn các dự án giảm nghèo phù hợp và các đơn vị liên kết thực hiện có năng lực, uy tín để thực hiện tại các huyện khó khăn của tỉnh.
Cùng với đó, thông qua các dự án sẽ lồng ghép các hoạt động đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để người nghèo có kiến thức chăm sóc mô hình phát huy hiệu quả. Từ đó, không chỉ trao “con cá” mà còn hỗ trợ người dân vùng khó khăn chiếc "cần câu” để người dân thoát nghèo bền vững hơn trong tương lai.
Được biết, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện ước đạt 28,9 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,85%.
Hồng Hương.