Vào cuối tháng 3/2025 vừa qua, chính quyền huyện Tây Giang đã cấp 397 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (sổ đỏ) cho 209 hộ là người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Avương với tổng diện tích 326,1ha. Từ cơ sở pháp lý này sẽ giúp việc hợp tác, liên kết sản xuất giữa đồng bào thiểu số ở đây với HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp…được thuận lợi hơn.
"Rừng còn, Tây Giang phát triển"
Là một người dân tộc Cơ Tu ở thôn Bhlố, xã Avương, ông Alăng Bưu đã bày tỏ sự phấn khởi khi được tạo điều kiện công nhận quyền sử dụng đất. Có như vậy, khi cần vốn để phát triển sản xuất và cải thiện sinh kế trên mảnh đất lâm nghiệp này thì có thể dùng tài sản đã có sổ đỏ để vay vốn ngân hàng một cách thuận lợi hơn.
![]() |
Người dân ở xã Avương vừa nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (sổ đỏ), tạo cơ sở pháp lý này để hợp tác, liên kết với HTX, tổ hợp tác được thuận lợi hơn. |
Còn theo ông Zơrâm Nướch, Phó Chủ tịch UBND xã Avương, từ chủ trương của tỉnh Quảng Nam và huyện Tây Giang, cùng ngành nông nghiệp trong huyện, đơn vị tư vấn và công tác tuyên truyền tại xã đã giúp thành công trong việc cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp cho bà con trong xã.
“Qua đó tạo thuận lợi trong việc hợp tác, liên kết giữa bà con dân thiểu số với HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, hỗ trợ tín dụng…đáp ứng nhu cầu thông tin, dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về đất đai thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, ông Nướch nói.
Tương tự như vậy, bà con dân tộc thiểu số ở xã Dang (huyện Tây Giang) cũng vừa nhận 731 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 255 hộ tổng diện tích 644ha.
Như vậy có thể thấy chỉ sau thời gian triển khai, đã có hơn 1.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (sổ đỏ) đã được cấp cho người dân hai xã Avương và Dang của huyện Tây Giang. Đó cũng là một cách trao “cần câu” để cho đồng bào thiểu số nơi đây vừa vươn lên thoát nghèo và yên tâm bảo vệ rừng.
Lâu nay Tây Giang có phương châm rất hay là “rừng còn, Tây Giang phát triển”. Do vậy, việc làm thế nào để bà con dân tộc thiểu số ý thức giữ rừng và làm giàu dưới tán rừng là rất quan trọng.
Điều ấn tượng ở huyện vùng núi này là độ che phủ rừng đến 73%. Ngoài những nét văn hóa độc đáo, bà con dân tộc thiểu số nơi đây (gồm các dân tộc Cơ Tu, Mường, Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Tày, Tà Ôi, Thái, Cor, Hrê, Thổ, Bru-Vân Kiều…) không chỉ giữ rừng mà còn gìn giữ, phát triển kinh tế dưới tán rừng, nhất là các loại thảo dược quý. Hiện nay có có gần 860 ha diện tích rừng ở Tây Giang đang được trồng các loại cây dược liệu, sẽ là bài toán kinh tế chính để đồng bào thiểu số phát triển, làm giàu.
HTX chung tay góp sức
Trong việc cải thiện kinh tế dưới tán rừng của đồng bào thiểu số ở Tây Giang không thể không nhắc đến vai trò chung tay góp sức của các HTX. Đơn cử như HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch Tây Giang (ở thôn Ating, xã Gari) có 23 thành viên hoạt động, mở hướng đi mới giúp tiêu thụ hiệu quả các loại thảo dược, sản vật dưới tán rừng của đồng bào thiểu số tại địa phương.
![]() |
Đồng bào thiểu số ở Tây Giang thu hoạch đảng sâm dưới tán rừng. |
Giám đốc HTX này là chị Coor Thị Nghệ, một phụ nữ dân tộc Cơ Tu. Cách đây 3 năm, nhận thấy nông sản của bà con dân tộc Cơ Tu sản xuất ra như: đẳng sâm, cam, chuối, tiêu, dứa và các loại rau xanh…không có người thu mua, hoặc bán với giá rẻ do tư thương ép giá, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị mạnh dạn đứng ra thành lập HTX. Nhờ đó đã mở hướng đi mới cho đồng bào ở các xã miền núi Tây Giang có cơ hội sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế dưới tán rừng, giúp giảm nghèo bền vững.
Thời gian đầu, hành trình của HTX này đưa sản vật của núi rừng xuống phố là cả một câu chuyện chông gai. Mặc dù vậy, với sự kiên trì, chị Coor Thị Nghệ vẫn bền bỉ tham gia vào các hội chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm núi rừng “xanh, sạch và thuần tự nhiên”. Bằng nỗ lực của mình, chị đã từng bước đưa “giấc mơ xuống phố” nông sản người dân Cơ Tu ở Tây Giang đầy triển vọng.
Sau thời gian hoạt động, mỗi năm doanh thu của HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch đạt hàng trăm triệu đồng. Qua đó giúp mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con thiểu số khi cải thiện sinh kế dưới tán rừng.
Hoặc như HTX nông dược và du lịch Lộc Trời (ở xã Tr’Hy) cũng là điển hình về phát triển cây dược liệu dưới tán rừng (nhất là trồng cây ba kích, quế) và kết hợp du lịch sinh thái, qua đó tạo được sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số ở Tây Giang.
Hồi năm 2024 HTX này phát triển thêm 5ha ba kích dưới tán rừng, nâng tổng diện tích dược liệu của HTX lên 20ha. Đây là đơn vị chủ lực trong việc tạo chuỗi liên kết sản xuất cho hơn 20 hộ dân, đồng bào thiểu số.
Theo ông Bling Miêng, Giám đốc HTX nông dược và du lịch Lộc Trời, bà con trồng cây ba kích trong xã Tr’Hy có đời sống ngày càng cải thiện, không còn lo lắng đầu ra. Khi tham gia vào trong chuỗi liên kết của HTX, người dân còn chủ động thay thế diện tích trồng keo, sắn sang trồng quế kết hợp dược liệu. Thời gian tới HTX sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình trồng ba kích dưới tán rừng, vừa tạo sinh kế cho đồng bào thiểu số, vừa bảo vệ rừng.
Mang lại cơ hội đổi đời
Ông Cơlâu Rinh, Chủ tịch UBND Tr’Hy, cho biết nếu như năm 2023 trên địa bàn xã chỉ có 2 hộ đăng ký tham gia triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng, với tổng diện tích 2,5ha thì đến năm 2024, bằng nhiều nỗ lực vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, đã có 10 hộ đăng ký tham gia thực hiện, với tổng diện tích trồng 10ha. Các hộ này đã trồng trong phạm vi đất sản xuất của gia đình, chủ động đầu tư hệ thống tưới tiêu, tích cực chăm sóc loại cây chủ lực là ba kích bản địa.
![]() |
Hiện nay có có gần 860 ha diện tích rừng ở Tây Giang đang được trồng các loại cây dược liệu, sẽ là bài toán kinh tế chính để đồng bào thiểu số phát triển, làm giàu. |
Như chia sẻ của ông Cơlâu Rinh, ngoài khí hậu, đất đai thuận lợi thì người dân cần cù, siêng năng lao động, có khát vọng vươn lên, thoát nghèo là yếu tố quan trọng để phát triển hiệu quả các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng. Trong năm 2025 này đang có 10 hộ ở địa phương đăng ký phát triển dược liệu dưới tán rừng theo mục tiêu đặt năm 2025. Chính quyền địa phương đang tích cực hướng dẫn kỹ thuật để người dân nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trồng, chăm sóc các loại dược liệu.
Có thể thấy việc tạo sinh kế cho đồng bào thiểu số dựa vào rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng đã, đang và sẽ tiếp tục được Tây Giang triển khai mở rộng, trở thành một trong những chiến lược kinh tế hiệu quả mà chính quyền và bà con dân tộc thiểu số ở đây hướng đến.
Và nhiều sản vật dưới tán rừng đã trở thành sản phẩm OCOP của huyện Tây Giang, mang lại cơ hội đổi đời của người dân miền núi. Không chỉ vậy, lợi ích kinh tế dễ nhận thấy nhất những năm qua là ngoài các mô hình du lịch cộng đồng kết hợp hoạt động canh tác, sản xuất nông nghiệp dưới tán rừng.
Tin rằng với vai trò góp sức của các HTX thì việc trao “cần câu” cho đồng bào thiểu số để phát triển kinh tế dưới tán rừng sẽ ngày càng hiệu quả hơn nữa. Nhất là thông qua sự quan tâm, hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam sẽ giúp nhân rộng, thúc đẩy những mô hình hiệu quả theo chuỗi giá trị, tổ chức kết nối giao thương, trưng bày và giới thiệu sản phẩm dược liệu, sản vật dưới tán rừng, từ đó đưa đời sống của đồng bào thiểu số ở Tây Giang ngày càng nâng lên rõ rệt hơn nữa.
Thanh Loan