Tiên Lữ đang được mệnh danh là một trong những “thủ phủ” trồng cây ăn quả của tỉnh Hưng Yên, với gần 1.000 ha cây ăn quả, trong đó có trên 150 ha được cấp chứng chỉ VietGAP, hữu cơ, trồng tập trung ở các xã trọng điểm như Nhật Tân, Hưng Đạo, Thủ Sỹ... Bình quân mỗi năm, sản lượng quả trên địa bàn huyện đạt hàng nghìn tấn.
Làm giàu từ cây ăn quả
Để phát huy những thế mạnh về khí hậu và thổ nhưỡng, những năm qua, xã Thủ Sỹ đã đẩy mạnh phát triển vùng trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ cao trong quá trình chăm sóc.
Đặc biệt, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xã Thủ Sỹ đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Giá trị bình quân của các vùng trồng cây ăn quả ở Thủ Sỹ hiện đạt 150 – 300 triệu đồng/ha/năm.
Cây ăn quả đang trở thành cây làm giàu cho nông dân ở Tiên Lữ (Ảnh: BHY). |
Theo thống kê, tổng diện tích cây ăn quả của toàn xã hiện đạt hơn 102 ha, trong đó có hơn 33 ha cây ăn quả chủ lực được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, gồm các loại cam, nhãn, bưởi... Đáng chú ý, trong quá trình phát triển mô hình trồng cây ăn quả tại Thủ Sỹ, các HTX đang có dấu ấn vô cùng đậm nét. Điển hình như HTX nông nghiệp sạch Duy Nhất.
Giám đốc Đào Duy Nhất cho biết, HTX hiện đang có hơn 14 ha trồng cam, bưởi được áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc áp dụng sản xuất sạch giúp cho cây ít sâu bệnh hơn, mẫu mã quả đẹp, to hơn và bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhờ sản xuất khoa học, doanh thu trung bình của HTX Duy Nhất hiện đạt trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, HTX tiếp tục áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó góp phần tăng doanh thu, tăng thu nhập cho các thành viên.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả mô hình
Không chỉ ở Thủ Sỹ, mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP đang phát huy hiệu quả ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện Tiên Lữ. Điển hình như ở xã Nhật Tân hiện có hàng trăm ha nhãn, cây có múi… cho giá trị bình quân trên dưới 250 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Duy Quý ở xã Nhật Tân cho biết, trước đây, gia đình ông chỉ trồng nhãn theo kinh nghiệm, tự phát. Phải đến năm 2018, khi thực hiện mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, tình hình mới dần được cải thiện.
“Tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nhãn sạch của địa phương. Tại các lớp tập huấn, cán bộ nông nghiệp huyện không chỉ dạy kỹ thuật mà còn hướng dẫn chúng tôi sản xuất theo quy trình hữu cơ, VietGAP, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… nên sản phẩm làm ra được khách hàng tin tưởng đặt mua với số lượng lớn”, ông Quý chia sẻ.
Có thể thấy, mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP đã tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đa dạng, an toàn, có tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người sản xuất. Ngoài ra, xây dựng các vùng sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.
Cùng với cây ăn quả, Tiên Lữ dự kiến thúc đẩy thêm nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh: BHY). |
Thời gian tới, huyện Tiên Lữ dự kiến tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân duy trì và mở rộng vùng sản xuất cây ăn quả theo quy trình VietGAP, vận động người dân lựa chọn cây giống chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật.
Huyện cũng sẽ tiếp tục xây dựng, mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; thành lập và hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác tại các vùng sản xuất tập trung được lựa chọn, gắn với xây dựng thương hiệu; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng sản xuất cây ăn quả, bảo đảm tiêu chuẩn để áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức sản xuất quy mô lớn…
Không chỉ có cây ăn quả
Bên cạnh mô hình trồng cây ăn quả, ngành nông nghiệp huyện Tiên Lữ đang kết hợp nhiều mô hình sản xuất hiệu quả khác mang lại thu nhập cao cho người dân, từ đó đẩy nhanh tiến trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội.
Đơn cử như mô hình trồng rau màu VietGAP đang mang lại thu nhập cao cho hàng chục thành viên, người lao động của HTX nông nghiệp Anh Thảo ở thôn Tân Khai, xã Thiện Phiến. Hay như mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, an toàn sinh thái đang mang lại hiệu quả cao cho nông dân xã Lệ Xá…
Anh Đào Viết Duy, thành viên HTX nông nghiệp Anh Thảo cho biết, cách đây 5 năm, HTX đã đầu tư cải tạo đất, xây dựng khu nhà màng có diện tích 3.000m2 để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó 2.000m2 trồng dưa lưới, 400m2 trồng dưa chuột và 600m2 trồng rau các loại. Nhà lưới, nhà màng trồng rau quả giúp che mưa nắng, ngăn côn trùng xâm nhập.
Bên cạnh đó, HTX còn lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel giúp lượng nước và chất dinh dưỡng từ phân bón cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nước tưới. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên chất lượng sản phẩm đồng đều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ diện tích nhà màng này, mỗi năm HTX thu hoạch trên 10 tấn dưa lưới, 2 tấn dưa chuột, mang lại thu nhập gần 400 triệu đồng.
Có thể thấy, các mô hình điểm như trồng cây ăn quả, trồng rau màu VietGAP, chăn nuôi trang trại… trên địa bàn Tiên Lữ đang phát huy hiệu quả tốt. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả các mô hình, từ đó xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân, huyện dự kiến đẩy mạnh hỗ trợ, phát huy vai trò của các HTX, doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng.
Lệ Chi