Ông Trung hào hứng chia sẻ, từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết các tuyến đường liên xã đều được bê tông, nhựa hóa, hai bên lề đường được trồng hoa, lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa vô cùng thuận tiện, ai nấy đều vui mừng.
Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân
Để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn 2025 – 2030, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Nho Quan đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tham gia tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Với quan điểm người dân thật sự hiểu, thấy được xây dựng nông thôn mới là làm cho chính mình và mình được thụ hưởng, các địa phương đã tạo mọi điều kiện để người dân tham gia trực tiếp xây dựng một số công trình, phần việc. Khi đó, vai trò chủ thể của người dân được phát huy, cùng chung sức, đồng lòng đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Diện mạo kinh tế xã hội huyện Nho Quan ngày càng khởi sắc. |
Nhờ làm tốt việc “khoan thư sức dân”, chỉ sau hơn 10 năm triển khai, Nho Quan đã xuất sắc về đích huyện nông thôn mới và đang tiến rất nhanh đến các mục tiêu nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Điểm nổi bật là huyện đã xác định rõ vai trò chủ thể của nhân dân và khơi gợi tinh thần hướng về cội nguồn của con em xa quê. Minh chứng, trong tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới trên 6 nghìn tỷ đồng, nguồn lực từ nhân dân tham gia chiếm trên 15%.
Nhân dân các xã đã hiến, góp trên 54 ha đất thổ cư, đất 313 (đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng lâu dài), tự nguyện phá dỡ hàng nghìn công trình, tường rào; đóng góp công sức, tiền của để xây dựng, mở rộng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, xóm, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn môi trường; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể.
Bên cạnh đó, Nho Quan cũng hỗ trợ kinh phí từ 30-60 triệu đồng/xã mua xi măng cho các xã, thị trấn để hoàn thành xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang đường giao thông; hỗ trợ 30-40 triệu đồng/công trình để xây mới, nâng cấp nhà văn hóa thôn; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp 50-150 triệu đồng/mô hình…
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp
Nhìn vào những thành công hiện tại, ít ai tưởng tượng được Nho Quan từng có xuất phát điểm thấp với đặc thù của một huyện miền núi, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nên năm 2011, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện mới đạt 14,86 triệu đồng/người/năm.
Để cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nho Quan đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Qua đó, năm 2020, mức thu nhập bình quân toàn huyện Nho Quan đạt 51,59 triệu đồng/người/năm; năm 2021 đạt 52,50 triệu đồng/người/năm và đến nay là xấp xỉ 60 triệu đồng/người/năm. Đối với tỷ lệ hộ nghèo, năm 2011, toàn huyện Nho Quan có tới 11,69%, đến nay giảm còn chưa đầy 1%.
Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là nền tảng trong xây dựng nông thôn mới ở Nho Quan. |
Đáng chú ý, trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở Nho Quan, khu vực kinh tế hợp tác, HTX có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ ở riêng tiêu chí tổ chức sản xuất mà còn ở các tiêu chí quan trọng khác như giảm nghèo, môi trường, an ninh trật tự xã hội...
Thống kê cho thấy, trên địa bàn huyện đã hình thành được hàng chục HTX, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả với đầu ra ổn định như Tổ hợp tác chăn nuôi Gà thịt tại xã Đồng Phong, HTX Măng tây xã Văn Phong, HTX Dược liệu xã Cúc Phương, HTX Công, Nông nghiệp sạch Ninh Bình…
Trước yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn và hội nhập kinh tế, các HTX đã từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hướng đến sản xuất an toàn bằng việc sử dụng các loại phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc tự nhiên, để nâng cao giá trị sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Đơn cử, sau quá trình canh tác thử nghiệm nhiều loại cây trồng khác nhau, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với cây ớt, HTX Công, Nông nghiệp sạch Ninh Bình (xã Đồng Phng) đã nhân rộng diện tích trồng cây ớt xanh, ớt chỉ thiên lên hơn 12ha với quy trình canh tác khép kín. Hiện nay, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với mức thu nhập khá ổn định.
Tiếp tục tiến tới các mục tiêu cao hơn
Theo UBND huyện Nho Quan, trong thời gian tới, các HTX trên địa bàn huyện Nho Quan sẽ tiếp tục được hỗ trợ để phát huy vai trò liên kết để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân.
Với những thành công đang có, để đẩy nhanh tốc độ về đích nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện Nho Quan dự kiến đẩy mạnh khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là lợi thế nằm ở vị trí trung chuyển của hệ thống tự nhiên phía Tây Nam Đồng bằng sông Hồng.
Huyện tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Đồng thời, huyện xác định động lực phát triển là công nghiệp sạch, nông nghiệp có năng suất và giá trị kinh tế cao; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch văn hóa, tâm linh gắn vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương; từng bước xây dựng Nho Quan trở thành trung tâm du lịch của tỉnh, điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế.
Song song với đó, các cấp, các ngành của huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để huy động sức mạnh của toàn dân tham gia củng cố, duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt, lấy chất lượng, hiệu quả làm tiêu chí hàng đầu. Đồng thời, quan tâm nâng cao các tiêu chí để xây dựng huyện Nho Quan thành huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong thời gian tới.
Mỹ Chí