Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương xã Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, thành lập mô hình HTX quản lý chợ được coi là giải pháp hiệu quả.
Chợ Bình Dương hiện là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa, nông cụ phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân. Chợ họp theo phiên, tuần có hai phiên chính, ngày thường vẫn họp nhưng lượng người ít hơn.
Hiệu quả từ đầu tư
Đảm nhận vai trò quản lý chợ từ năm 2014, HTX Dịch vụ thương mại chợ Bình Dương đã tiến hành xây dựng, mở rộng chợ Bình Dương, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Trên tổng diện tích 6.512 m2, HTX xây dựng 4 dãy nhà chính lợp tôn 480 m2; 5 dãy nhà mái lợp fibro xi măng có diện tích 1.200 m2; nhà mái vòm và khu nhà vệ sinh công cộng 386 m2.
Ngoài ra, HTX còn đầu tư xây dựng diện tích 1.500 m2 và 900 m2 làm bãi trông giữ phương tiện. Một số hạng mục công trình phụ trợ cũng được HTX đầu tư như: Nhà điều hành, bể nước sinh hoạt, bể thu gom và xử lý chất thải... với tổng kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Tuyên - tiểu thương tại chợ Bình Dương, chia sẻ không chỉ buôn bán tại chợ, chị còn được sử dụng các dịch vụ khác nên việc buôn bán thuận tiện hơn. Thay vào đó, chị cũng như các tiểu thương khác chỉ phải nộp phí vệ sinh, phí điện nước, phí thuê ki ốt theo tháng.
Đối với vấn đề rác thải, cuối buổi chợ, tổ vệ sinh của HTX thu gom, sau đó có xe của công ty môi trường đến đưa đi xử lý. HTX cũng tích cực tuyên truyền cho cả tiểu thương và người đi chợ hàng ngày để họ nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung.
Ông Lâm Tiến Ngọc - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Dương, cho biết: Khoảng 10 năm trước đây, chợ Bình Dương được UBND xã quản lý nhưng xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến môi trường cũng như hoạt động kinh doanh của người dân. Chợ chỉ tận dụng đất đai của một số hộ trong khu vực làm nơi tập kết, không được đầu tư các công trình thu gom xử lý chất thải.
Hậu quả là những hôm trời mưa, chợ bị ngập lụt trong chất thải, rác thải. Hàng chục giếng nước của các hộ xung quanh cũng bị ô nhiễm không thể sử dụng được. Hơn nữa, việc thu phí, lệ phí chợ cũng rất khó khăn, gây thất thu ngân sách.
Khắc phục tình trạng trên, UBND xã đã thành lập HTX và giao trực tiếp quản lý chợ. Sự ra đời và hoạt động của HTX đã tạo môi trường trao đổi hàng hóa văn minh.
Chợ Bình Dương ngày một sầm uất hơn |
Thúc đẩy kinh tế địa phương
Song hành với việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, HTX không ngừng nâng cao trình độ năng lực quản lý bằng việc tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn đào tạo do các sở, ngành tỉnh tổ chức.
Hiện HTX có 10 thành viên đảm nhiệm tất cả các khâu từ quản lý, thu vé chợ, vệ sinh môi trường... Điều này giảm bớt phát sinh chi phí, đem lại hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.
Hiện nay, chợ Bình Dương tạo vị trí buôn bán ổn định, sạch sẽ cho 90 hộ kinh doanh cố định và 200 hộ kinh doanh không cố định, 60 hộ kinh doanh theo phiên. Ban đầu, hầu hết những người dân đã quen với việc buôn bán hàng hóa dọc hai bên Quốc lộ 18A nên không muốn đăng ký vào chợ vì sợ mất khoản tiền thuê ki ốt hàng tháng.
Tuy nhiên, với quyết tâm của chính quyền xã cũng như công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức, hiện chợ ngày một sầm uất hơn, người mua kẻ bán đông hơn trước. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường, buôn bán nhếch nhác như trước đây cũng không còn xảy ra.
Như Yến