Những HTX chăn nuôi gà thịt và đẻ trứng tại Thanh Sơn có không ít. Tuy nhiên, để giải quyết được cả bài toán kinh tế và môi trường trong sản xuất, mô hình chăn nuôi gà của HTX An Phú là nổi bật hơn cả.
Xử lý chất thải, khống chế mùi hôi
Chăn nuôi gà ri lai với quy mô trên 12 vạn con/ lứa theo phương thức nuôi bán thả vườn, hàng năm, hàng nghìn con gà của HTX được phân phối đi khắp các tỉnh thành phía Bắc.
Song, những ai có dịp ghé thăm mô hình sản xuất của HTX đều cảm thấy tò mò. Nuôi gà nhiều, thậm chí những trang trại gà của các thành viên còn nằm san sát nhau, nhưng chẳng ai ngửi thấy mùi hôi thối từ các chuồng gà bay ra. Thậm chí, có vào tận chuồng gà cũng không hề ngửi thấy mùi khó chịu đặc trưng.
Ông Phạm Quốc Tuân - Giám đốc HTX, cho biết nuôi gà thịt theo hướng sạch lúc đầu tuy có khó khăn, vì các thành viên chưa thích ứng với quy trình chăn nuôi mới. Nhưng giờ đây, nuôi gà cho thu nhập ổn định lại nhàn hơn ra đồng cày cấy, nên ai cũng tâm huyết.
Ông Tuân cho biết lứa đầu tiên, HTX chưa chú trọng đến xử lý phân gà, nên khu vực chăn nuôi có mùi hôi thối, nhất là vào những ngày thời tiết ẩm thấp, mưa gió, mùi hôi bốc ra từ những chuồng gà, khiến ai nấy đều cảm thấy khó chịu. Song, những năm gần đây, vấn đề trên không còn nữa.
Khi bắt đầu nuôi bất kỳ một lứa gà nào, các thành viên dùng men vi sinh trộn lẫn cát, trấu rắc xuống nền chuồng gà. Một lứa, HTX gà rắc khoảng hai lần. Phương pháp này giúp chuồng gà luôn khô ráo, không có mùi khó chịu nên môi trường xung quanh vẫn luôn sạch sẽ và trong lành.
“Trước đây, nuôi được lứa gà, thành viên phải mất vài lần dọn chuồng để bảo đảm vệ sinh, gà không mắc bệnh và chết. Giờ dùng men vi sinh, đến khi xuất bán, thành viên mới phải vào dọn chuồng một lần để nuôi lứa gà mới”, Giám đốc Phạm Quốc Tuân cho biết.
Bên cạnh việc xử lý phân gà, HTX cũng tuân thủ nghiêm các quy trình vệ sinh nhằm phòng bệnh cho đàn gà. Tại khu nuôi gà, các thành viên đều phân chia theo từng khu, như: Khu chuồng úm gà con, khu chuồng nuôi gà thịt, khu cách ly gà bệnh, xử lý gà chết, khu xử lý nước uống cho gà, khu xử lý đệm lót sinh học và ủ phân vi sinh…
Chăn nuôi gà sạch, quy mô lớn, giúp người dân Địch Quả có nguồn thu nhập ổn định |
Ngăn ngừa mầm bệnh
Không chỉ quy trình chăn nuôi cầu kỳ mà quy trình phòng bệnh cũng được HTX thực hiện nghiêm túc. Những dụng cụ trong chuồng trại nuôi gà như cuốc, xẻng, xe rùa, thau, chổi… đều được các thành viên tẩy uế sau mỗi lần sử dụng, bảo đảm hợp vệ sinh.
Ngay cửa chuồng, các thành viên đều đặt một khay chứa vôi bột để tất cả những ai vào chuồng gà đều phải giẫm chân (cả giày dép đang mang) lên đó để tiệt trùng. Những khay vôi này được HTX thêm mỗi ngày và sau một tuần, vôi cũ sẽ được thay bằng vôi mới.
Để ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập, HTX quy định chỉ những người có nhiệm vụ như quét dọn, cho gà ăn uống… mới được phép ra vào, còn những người khác thì hạn chế tối đa. Ngoài ra, chim, chuột, rắn… hay bất cứ loại sinh vật nào có thể phát tán bệnh tật đều bị ngăn bởi những tấm lưới. Xung quanh khu vực chuồng trại cũng thường được các thành viên phủ một lớp vôi.
Theo các thành viên, nuôi gà sạch tuy chi phí và cách chăm sóc tỷ mỷ hơn cách nuôi thông thường, nhưng bù lại, sản phẩm đầu ra của HTX hoàn toàn sạch, không có bất cứ chất hóa học gì từ đầu vào đến khi xuất chuồng.
Với thị trường đầu ra ổn định, nhất là liên kết được với thị trường Hà Nội, tổng doanh thu hàng năm của HTX đạt trên 28 tỷ đồng, bảo đảm phát triển ổn định từ chăn nuôi gà thịt.
“HTX An Phú là một trong những HTX của địa phương động hiệu quả theo Luật HTX 2012. Thành công của HTX góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, đồng thời mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương”, ông Trần Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Địch Quả, nhận xét.
Như Yến