Sau khi đặt chân đến Tà Xùa, đoàn công tác được Mùa Thị Tồng, cô gái người Mông 28 tuổi đã dẫn đoàn công tác nghỉ tại Trà Mây Hostel Tà Xùa. Tồng giới thiệu, đây là một trong những homestay có nhiều phòng nghỉ nhất tại Tà Xùa. Đây không chỉ là chỗ dừng chân của du khách săn mây, săn vẻ đẹp hoang sơ của Tà Xùa, mà còn thưởng thức đặc sản trà shan tuyết Tà Xùa mang thương hiệu Shanam.
Hạ tầng du lịch vẫn nghèo nàn
Ngày hôm sau, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty trà và đặc sản Tây Bắc đã đích thân dẫn đoàn công tác của chúng tôi khám phá vẻ đẹp của Tà Xùa. Kinh nghiệm ở đây đã khá lâu, bà Thắm đã "kéo" mọi người đi từ 4 giờ sáng để kịp "săn mây'.
"Săn mây", một trong những sở thích của du khách mỗi khi đến với Tà Xùa. |
Chiều hôm ấy, đoàn của chúng tôi tiếp tục đi thăm rừng táo mèo. Rừng táo đang độ thu hoạch. Táo được chính một số bà con người Mông có điều kiện kinh tế khá hơn thu mua để chuyển đi khắp mọi miền của Tổ quốc.
Ông Mùa A Sáng, sinh năm 1972 cho biết, giá thu mua từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, còn bán buôn từ 4.000-5.000 đồng/kg. Khách du lịch đến đây mua lẻ, chọn lọc giá 6.000 đồng/kg. Hàng năm nhà ông thu mua hàng trăm tấn táo mèo chuyển xuống dưới xuôi. Bà con người Mông ở đây trong lúc nông nhàn thường tranh thủ đi thu hoạch táo mèo, ít nhiều cũng được từ vài 3 triệu đến hàng chục triệu đồng/vụ.
Sau khi rời rừng táo mèo, chúng tôi được bà Thắm dẫn đi thăm rừng chè tại bản Bẹ. Đây là một bản có nhiều cây chè cổ thụ nhất xã và đường lên các đồi chè cũng cheo leo, vất vả hơn ở các bản khác. Hàng trăm cây chè cổ thụ mọc theo khe suối từ dưới lên trên, tạo nên một khung cảnh vô cùng đẹp mắt. Cây cổ nhất được 300 năm tuổi, còn lại các cây tầm 70-80 tuổi chen nhau mọc trong khe đá.
Tiềm năng là thế, nhưng ở Tà Xùa chỉ có loại hình homestay lưu trú duy nhất, cơ sở vật chất vẫn còn nghèo nàn. Đây là điểm yếu khiến Tà Xùa chưa thể phát triển và chưa bắt kịp được với các khu vực có thắng cảnh khác.
Tà Xùa chỉ có loại hình homestay lưu trú duy nhất, cơ sở vật chất vẫn còn nghèo nàn. |
Trà Mây Hostel Tà Xùa lại có một đặc điểm riêng, đó là khách du lịch vừa có thể dừng chân để săn mây, vừa được thưởng thức đặc sản trà shan tuyết mang thương hiệu Shanam, được thu hái và sản xuất ngay chính mảnh đất này.Trò chuyện với Mùa A Xính, chàng trai người Mông sinh năm 1997, vừa tốt nghiệp Cao đẳng xây dựng, lập nghiệp ngay trên chính quê hương mình. Mùa A Xính cho biết, sau khi ra trường, sẵn kiến thức về xây dựng, anh thấy quê hương mình có tiềm năng về du lịch, nên đã mạnh dạn đầu tư homestay với 4 phòng ngủ nhỏ và 1 phòng cộng đồng. Anh cho biết, giá phòng riêng 250.000 đồng/phòng, còn phòng cộng đồng 50.000 đồng/người.
Quy mô nhất phải kể đến Tà Xùa Hill. Quản lý Giàng Thị Dợ chia sẻ, khu homestay này bao gồm 9 phòng ngủ nhỏ, 2 phòng lớn, giá 400-500.000 đồng/phòng, nhà sàn chung 80.000 đồng/người. Hàng năm, khách đến khá đông, nhưng năm nay dịch Covid-19 nên Tà Xùa Hill cũng rơi vào cảnh đìu hiu, ế ẩm.
Ngoài ra, còn có một số homestay như Tà Xùa Hobbit Homestay, Homestay Cộng đồng Mông Tà Xùa, Táo Homestay, May Home Tà Xùa… quy mô hộ gia đình nhỏ.
Hướng tới HTX du lịch cộng đồng
Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên (Sơn La) tâm sự, Tà Xùa có thế mạnh là vùng nguyên liệu chè cổ, tầm từ 80-300 năm tuổi. Chính cây chè cổ đã làm thay đổi đời sống người dân.
Làm du lịch nhưng vẫn giữ bản sắc văn hoá người Mông, đây mới là điểm thu hút du khách đến một lần Tà Xùa rồi muốn quay trở lại. |
Mặc dù có tiềm năng du lịch nhưng nơi lưu trú còn hoang sơ. Năm 2019 Tà Xùa đón khoảng gần 100.000 lượt khách, nhưng sang năm 2020 do ảnh hưởng từ Covid-19 nên chỉ đón được khoảng gần 40.000 lượt khách.
Ông Kỳ chia sẻ, định hướng của huyện sẽ phát triển du lịch cộng đồng sinh thái kết hợp sản xuất nông nghiệp cao, nông nghiệp sạch và xanh. Các con đường vào rừng chè cổ ở Tà Xùa sẽ được đổ bê tông, nhằm tạo điều kiện cho khách du lịch tham quan và đồng bào người Mông trực tiếp khai thác.
Kết thúc năm 2020, theo Nghị quyết số 77 của UBND tỉnh Sơn La, Tà Xùa đã hoàn thành các con đường liên thôn, liên xã. Phấn đấu năm 2021 xây dựng Tà Xùa thành xã Nông thôn mới.
“Qua quá trình xây dựng du lịch cộng đồng, khi đến độ phát triển nhất định mới thành lập HTX du lịch cộng đồng”, ông Lê Văn Kỳ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc phát triển HTX du lịch cộng đồng tại Tà Xùa còn nhiều khó khăn vì chủ yếu là người dưới xuôi lên làm du lịch, còn người bản địa thì ít. Kế hoạch của huyện sẽ phát triển du lịch cộng đồng từng giai đoạn - đến 1 giai đoạn phát triển nhất định cần hợp tác lại với nhau. Thông điệp mà vị Chủ tịch huyện muốn chuyển tải là làm du lịch nhưng vẫn giữ bản sắc văn hoá người Mông, đây mới là điểm thu hút du khách đến một lần Tà Xùa rồi muốn quay trở lại.
Phạm Minh
Bài 3: Ấm no từ trà shan tuyết