Tà Xùa, Bắc Yên, tỉnh Sơn La nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, được thiên nhiên ưu đãi cho thời tiết 1 ngày 4 mùa, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển cây chè shan tuyết cổ thụ, rừng táo mèo (tên khoa học sơn tra), các loại hình du lịch sinh thái và là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Nơi đáng đến một lần trong đời
Từ thị trấn Bắc Yên lên đến đỉnh núi Tà Xùa, nơi có các bản làng người Mông sinh sống, khoảng gần 10 km. Đường lên Tà Xùa vài năm trở lại đây đẹp hơn trước nhiều. Con đường mặc dù uốn lượn ngoằn ngoèo, núi cao, vực thẳm, nhiều khúc cua tay áo. Song du khách vẫn thấy hứng khởi say mê bởi cảnh đẹp hùng vĩ hai bên đường, được ngắm toàn cảnh thị trấn Bắc Yên nằm dưới chân núi tưởng gần mà xa.
Xã Tà Xùa cách đây mấy năm thuộc xã nghèo nhất huyện Bắc Yên, đường sá đi lại khó khăn, nên cũng dễ hiểu, chỉ 10 năm trước đây, các bản làng người Mông này còn chìm trong đói nghèo, số ít người dân biết tiếng Kinh. Đồng bào Mông chủ yếu làm nương rẫy, trồng lúa, trồng ngô… nhưng quanh năm không đủ ăn.
Đường lên Tà Xùa những năm gần đây được tỉnh, Huyện đầu tư sửa chữa đã giúp đường đến với xã người Mông trở nên gần gũi hơn đối với du khách. |
Nhưng nhìn ở góc độ du lịch thì Tà Xùa lại có rất nhiều tiềm năng. Khách du lịch đã đặt chân đến Tà Xùa không thể bỏ qua đồi sống lưng khủng long, mỏm cá heo, rừng táo mèo cổ, cây táo mèo cô đơn… "Sống lưng khủng long" cách trung tâm Tà Xùa khoảng 12 km, nằm ở độ cao khoảng 1.400 m so với mực nước biển, là điểm đón bình minh thú vị. Vừa trải nghiệm săn mây, du khách còn được ngắm những thửa ruộng bậc thang đang mùa đổ nước, được trải nghiệm cuộc sống và thưởng thức các món ăn đặc trưng như canh tầm bóp, nộm hoa chuối da bò, măng chua ngâm ớt, gà đen, cá nướng... của người Mông nơi đây.
Nhiều du khách khi đến nơi đây đều có chung nhận xét, Tà Xùa như một kho báu được thiên nhiên ban tặng, đặc biệt là tiềm năng khai thác rừng chè cổ, là một trong những rừng chè lớn và nhiều tuổi nhất trong cả nước. Đến Tà Xùa, du khách sẽ được trải nghiệm hái chè, sao chè và thưởng thức những chén trà shan tuyết cổ thụ với các chàng trai, cô gái người Mông. Ngoài ra, Tà Xùa còn nổi tiếng là “Thiên đường mây”, thời gian thích hợp để đến Tà Xùa khám phá thiên đường mây từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.
Mùa Thị Tồng (bên phải), cô gái người Mông 28 tuổi là hướng dẫn viên nhiệt tình cho đoàn công tác, chị cũng là một trong những thành viên tích cực của Công ty trà và đặc sản Tây Bắc hướng dẫn đồng bào người Mông thu hái, chăm sóc chè. |
Trong chuyến công tác lần này, đoàn chúng tôi được nghỉ tại Trà Mây Hostel Tà Xùa ngay tại trung tâm xã, Tồng giới thiệu, đây là một trong những homestay có nhiều chỗ nghỉ nhất tại Tà Xùa. Điều thú vị là homestay này được hình thành bởi tâm huyết của vị chủ nhà, cũng chính là bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty trà và đặc sản Tây Bắc. Đây không chỉ là chỗ dừng chân của du khách săn mây, săn vẻ đẹp hoang sơ của Tà Xùa, mà du khách còn được cùng những cô gái người Mông bản địa hái chè, sao chè, thưởng thức đặc sản trà shan tuyết Tà Xùa mang thương hiệu Shanam.
“Đánh thức” kho báu
Đón chúng tôi là cô gái người Mông - Mùa Thị Tồng, nhân viên của Công ty trà và đặc sản Tây Bắc. Tồng cho biết, hầu hết người dân trong xã đều làm nương rẫy, nhưng từ khi Công ty đến Tà Xùa khảo sát vùng nguyên liệu sản xuất trà shan tuyết và đặt nhà máy tại đây, cuộc sống của người dân đã thay đổi từng ngày.
Chiều hôm ấy, đoàn của chúng tôi đi thăm rừng sơn tra (táo mèo) và rừng chè cổ thụ tại bản Bẹ, một bản xa và có nhiều cây chè cổ thụ nhất xã. Bà Nguyễn Thị Thắm cho biết, đây là nguồn nguyên liệu chính để Công ty sản xuất ra thứ trà shan tuyết đặc sản ở vùng này.
Nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên Tà Xùa khảo sát về vùng nguyên liệu chè shan tuyết cổ thụ, bà Thắm cho rằng thật cơ duyên, khi đúng thời điểm lãnh đạo huyện Bắc Yên (Sơn La) cũng đang có kế hoạch “phục tráng rừng trà shan tuyết cổ thụ”.
Theo những người già ở Tà Xùa, rừng chè cổ được mọc bên khe núi sẽ cho chất lượng trà tốt nhất. |
Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho hay, cả huyện Bắc Yên chỉ vùng Tà Xùa có chè cổ thụ. Năm 2015, Công ty trà và đặc sản Tây Bắc đã làm việc với huyện và đặt vấn đề phát triển vùng chè đặc sản Bắc Yên. Điều đáng mừng, trước đó năm 2014, huyện Bắc Yên cũng đã lập quy hoạch vùng chè. Do vậy, huyện đã đồng ý cho tiếp cận vùng quy hoạch đó để xây dựng vùng nguyên liệu và tham gia ngay từ khâu giống mở rộng diện tích cây trồng, kỹ thuật, sản xuất, tiêu thụ chè…
Theo bà Nguyễn Thị Thắm, khó nhất là làm việc với bà con vì họ quen với phong tục, tập quán, lối sống trước đây. Thế nên, việc hướng dẫn được đồng bào người Mông phải thật đơn giản, dễ hiểu, dạy bà con hái đúng phẩm cấp, tìm cách thu hái để sản phẩm khác biệt nhất trên thị trường. Để có thể bảo tồn được rừng chè cổ, ngay từ khi được tiếp cận với kế hoạch “phục tráng rừng trà shan tuyết cổ thụ”, những người đứng đầu doanh nghiệp là bà Nguyễn Thị Thắm và ông Phạm Vũ Khánh đã phải “dày công” giao cho nhân viên công ty là người Mông để tập huấn cho bà con người Mông, cách chăm sóc, thu hái và bán cho công ty.
Về du lịch, dù được thiên nhiên ưu đãi, có tiềm năng và thế mạnh, nhưng do đường xá đi lại chưa thuận lợi, cơ sở hạ tầng và giao thông còn nhiều khó khăn, nên Tà Xùa vẫn khá hoang sơ. Tuy nhiên, so với năm 2015, khi nổi lên là điểm săn mây yêu thích của người ưa du lịch mạo hiểm, hôm nay Tà Xùa đã tấp nập và sầm uất hơn, song hoạt động du lịch vẫn còn sơ khai, tự phát, cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch còn hạn chế.
Ông Lê Văn Kỳ chia sẻ với chúng tôi một cách đầy tâm huyết và kỳ vọng vào kế hoạch huyện sẽ hỗ trợ Công ty trà và đặc sản Tây Bắc mở rộng sản xuất, trải thảm cho doanh nghiệp và khuyến khích đồng bào người Mông phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp với tham quan rừng chè cổ, rừng táo mèo, săn mây… "Chỉ một vài năm nữa thôi, chính du lịch, rừng chè cổ sẽ mang lại cho đồng bào người Mông nơi đây một cuộc sống sung túc hơn", ông Kỳ nói.
Phạm Minh
Bài 2: Làm du lịch ở 'thiên đường mây'