![]() |
Hiện nay diện tích cây ăn trái được triển khai từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Thuận Châu đang được mở rộng |
Huyện Thuận Châu (Sơn La) có 6 dân tộc anh em sinh sống, trình độ sản xuất của người dân trên địa bàn chưa đồng đều, vì thế có những dân tộc đời sống còn khó khăn. Để rút ngắn khoảng cách, các chính sách tôn giáo dân tộc của Đảng và Nhà nước được thực hiện trên địa bàn đã được thực hiện hiệu quả, trong đó có việc triển khai hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây là điều kiện tiên quyết và quan trọng để giúp bà con nâng cao mức sống.
Chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng
Đến bản Tra, xã Bó Mười - một trong những bản có nhiều hộ chuyển đổi diện tích cây lương thực ngắn ngày sang trồng cây ăn quả. Ông Quàng Văn Tại, Trưởng bản, cho biết, trước đây, 223 hộ trong bản chủ yếu trồng ngô, sắn. Trải qua thời gian dài canh tác, đất bạc màu, năng suất thấp, giá bán lại bấp bênh nên thu nhập của bà con thấp, nhiều hộ thuộc diện nghèo.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhờ thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng và được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả nên nhiều hộ dân trong bản đã trồng được giống xoài Đài Loan. Hiện, cả bản có 30 ha xoài Đài Loan đã bắt đầu cho thu hoạch, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Anh Lò Văn Phú, là hộ có thu nhập khá trong bản cho biết, từ năm 2016, gia đình vay vốn ngân hàng để chuyển đổi từ ngô, sắn sang trồng 400 gốc xoài giống Đài Loan. Năm 2020 thu được hơn 2 tấn quả, với giá bán bình quân khoảng 20.000 – 22.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, gia đình anh đang chăn nuôi 15 con trâu, bò. Thu nhập từ trồng cây ăn trái và chăn nuôi được trên 100 triệu đồng/năm.
Hay như tại bản Huổi Lương, xã É Tòng có 47 hộ, 285 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông. Trước đây, cuộc sống của người dân trong bản gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao. Xã, bản đã đưa ra các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ cho người dân. Cuộc sống của người dân bản Huổi Lương được nâng lên còn nhờ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chính sách an sinh xã hội. Bà con được hỗ trợ xây dựng các mô hình nuôi dê, nuôi gà, lợn để tăng thêm thu nhập...
Anh Vàng A Mua, bí thư Chi bộ bản Huổi Lương cho biết, nhiều điển hình làm kinh tế giỏi xuất hiện, như anh Lầu A Nếnh, mạnh dạn áp dụng các mô hình phát triển chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả, trồng 1ha sa nhân dưới các tán rừng. Hiện mỗi năm gia đình anh Nếnh thu nhập gần 200 triệu đồng.
Hiện nay, một số hộ dân trong bản đã được chi bộ bản hướng dẫn thực hiện mô hình nuôi lợn sinh sản, trồng cây ăn quả trên đất dốc đã thu được kết quả. Ngoài ra, nhân dân trong bản còn khoanh nuôi, bảo vệ gần 10 ha rừng các loại; trồng 3 ha cây sa nhân dưới tán rừng tăng thêm thu nhập, tích cực xây dựng nông thôn mới.
Ông Lò Văn Xôm, bản Thẳm, xã Tông Lạnh cũng có thu nhập hơn 650 triệu đồng/năm từ mô hình kinh tế tổng hợp và được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2012-2018. Ông là điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, khi gia đình đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn, dê giống và tích cực tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi do xã, huyện tổ chức. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn giúp nhiều hộ gia đình khác cách chăn nuôi theo kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giảm nghèo bền vững
Gương điển hình như ông Lò Văn Xôm, bí thư chi bộ Vàng A Mua không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp bà con trong thôn bản làm giàu. Và với việc nêu cao vai trò gương mẫu của công dân, của đảng viên đã lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm, tạo ra phong trào làm kinh tế, khiến bà con phấn khởi hơn.
Chia sẻ về hướng đi trong việc thay đổi cây trồng kém hiệu quả của xã Bó Mười, ông Lường Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền vận động người dân mở rộng diện tích cây ăn quả, xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cải tạo vườn tạp. Khuyến khích các hộ dân sản xuất sản phẩm nông sản sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP và tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế.
![]() |
Chính quyền huyện đã vận động bà con đồng bào dân tộc mạnh dạn thay đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao. |
Theo báo cáo của huyện Thuận Châu, hiện toàn huyện có 4.205 ha cây ăn quả, đã thực hiện 8 chuỗi liên kết cây ăn quả (xoài, nhãn, bơ, cam, thanh long, chanh leo). Trong đó có chuỗi xoài, thanh long đã được xuất khẩu. Đối với sản phẩm xoài toàn huyện có 1.484 ha, trong đó 665 ha đã cho thu hoạch, dự kiến sản lượng đạt 1.500 tấn. Diện tích trong chuỗi liên kết là 305 ha dự kiến sản lượng 1.200 tấn được thực hiện ở 5 xã Liệp Tè, Mường Khiêng, Bó Mười, Chiềng Ngàm, Mường Bám.
Đối với cây thanh long toàn huyện có 55 ha, diện tích trong chuỗi liên kết 44 ha được thực hiện tại các xã Mường É, Phổng Lái, Chiềng Pha, Phổng Lăng. Năm 2021 huyện phấn đấu xuất khẩu 1.000 tấn hoa quả, giá trị trên 12 tỷ đồng.
Báo cáo huyện Thuận Châu cũng cho biết, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng phát huy lợi thế của địa phương, bước đầu đem lại thu nhập ổn định, đời sống của bà con từng bước được cải thiện. Như vậy, điều này có thể thấy công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Thuận Châu đang ngày càng bền vững hơn.
Bài cuối: Liên kết nâng cao giá trị nông sản
Hải Sơn