Ngày 28/5, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ xuất khẩu sản phẩm xoài, nhãn Sơn La năm 2021. Đây được xem là dịp để các bộ, ngành, thương nhân, các chuyên gia, HTX cùng trao đổi, chia sẻ các giải pháp tổ chức sản xuất, thông tin thị trường trong nước và xuất khẩu trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Lo tắc đầu ra
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, năm nay, thời tiết thuận lợi, với diện tích trồng xoài vào khoảng 19.026 ha sẽ cho sản lượng thu hoạch 65.223 tấn với thời gian thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8. Đối với trái nhãn, hiện diện tích trồng 19.224 ha, sản lượng ước đạt 98.500 tấn, thời điểm thu hoạch sẽ diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9.
Với sản lượng hơn 65.000 tấn, sản phẩm xoài Sơn La đang cần thêm nhiều thị trường tiêu thụ. |
Mọi năm, sản phẩm xoài, nhãn của Sơn La đã vào được chuỗi phân phối của các siêu thị lớn như: VinMart, Big C, Lotte... và được tiêu thụ tại các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa… Đặc biệt, xoài, nhãn đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc… Tuy nhiên, năm nay, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dự kiến việc tiêu thụ sẽ gặp nhiều khó khăn.
"Phía địa phương xác định ngoài thị trường xuất khẩu cần phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tiêu thụ tại thị trường trong nước. Hiện Sơn La cũng đã xây dựng các kế hoạch, triển khai các giải pháp cụ thể như: tăng cường phòng chống dịch, khử trùng đối với các xe vận chuyển nông sản ra vào tỉnh. Về phương tiện vận chuyển, các lái xe vận chuyển của Sơn La sẽ được lập danh sách, tiêm phòng vắc xin và cấp chứng nhận vận chuyển nông sản. Người dân trong vùng trồng, các đơn vị thu mua cũng đảm bảo công tác phòng chống dịch….", đại diện UBND tỉnh Sơn La cho biết.
Đại diện tỉnh Sơn La cũng đề nghị các bộ, ngành tạo điều kiện hỗ trợ các HTX của tỉnh Sơn La kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, nhất là sản phẩm xoài, nhãn của tỉnh thông qua các kênh tiêu thụ truyền thống; hỗ trợ các HTX nông nghiệp của tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử.
Không chỉ nông sản tươi, mà nông sản khô cũng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Bà Lương Thị Thanh, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thanh (Mộc Châu, Sơn La), cho biết mỗi ngày HTX mua từ 3 - 4 tấn mận, xoài để chế biến thành các sản phẩm sấy dẻo. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm hoa quả sấy chậm hơn những năm trước. "Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục hỗ trợ HTX trong việc quảng bá tiêu thụ các sản phẩm sau chế biến", bà Thanh chia sẻ.
Lấy thành công từ quả vải thiều tại thị trường Nhật, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng trái vải Bắc Giang lên kệ siêu thị Nhật Bản bán với giá 500.000 đồng/kg, do vậy cần triển khai tốt khâu tổ chức sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn thị trường nhập khẩu và đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Đây là giải pháp phát triển thị trường bền vững cho nông sản Việt, không chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh COVID-19.
Đào tạo nông dân livestream bán hàng
Về bán hàng qua sàn thương mại điện tử, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử là hết sức quan trọng. Bộ Công Thương đã đẩy mạnh kênh này để hỗ trợ các địa phương với sự tham gia của nhiều sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên đối với Sơn La, ông Phú nhận định, hình thức bán hàng trực tuyến qua livestream được đánh giá là phù hợp và hiệu quả hơn thương mại điện tử. “Bán hàng trên kênh thương mại điện tử sẽ liên quan đến các vấn đề bao gói, bảo quản, làm thương hiệu sau thu hoạch, trong khi đó, chủ yếu các trang trại, HTX còn yếu khâu này. Hình thức bán hàng trực tuyến qua livestream sẽ phù hợp với điều kiện của người nông dân”, ông Phú nói.
Để hỗ trợ nông dân, HTX, thời gian tới Cục Xúc tiến thương mại cho biết sẽ phối hợp với các sở ngành của Sơn La để đào tạo bán hàng qua kênh livestream.
Trong khi đó, theo ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Big C khu vực miền Bắc, việc tiêu thụ xoài, nhãn Sơn La sẽ tốt hơn nếu có những chương trình xúc tiến và quảng bá. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các chương trình không tổ chức được. Về phía Big C và GO!, đơn vị này sẽ yêu cầu đội ngũ thu mua làm việc với nhà cung cấp về quy cách đóng gói để thuận lợi hơn trong việc bán hàng trực tuyến và duy trì tăng trưởng doanh thu của Sơn La tại siêu thị Big C, GO! trong thời gian tới.
Về phía địa phương, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP.Hà Nội khẳng định sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để sản phẩm xoài, nhãn và nông sản Sơn La được tiêu thụ trên địa bàn TP.Hà Nội.
Tuy nhiên, dù công tác xúc tiến thị trường có làm bài bản đến mấy, song yếu tố quyết định đầu ra vẫn nằm ở chất lượng sản phẩm. Bà Lan chia sẻ: "Hiện nay, trên thị trường có hiện tượng lấy thương hiệu xoài Sơn La, xoài Yên Châu nhưng giá bán thì mỗi nơi một kiểu. Có người đang bán với giá 20.000 – 30.000 đồng/kg, còn trên một số kênh bán hàng online không chính thống bán với giá chỉ 7.000 – 10.000 đồng/kg, như vậy sẽ có sự chênh lệch giá. Do đó, rất dễ dẫn tới hiểu lầm cho người tiêu dùng, giảm giá trị sản phẩm".
Cùng với việc hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ xoài, nhãn tươi, giải pháp chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, cấp đông và cất trữ ngay tại vùng trồng, sau đó cung cấp nguyên liệu ổn định cho các đơn vị sản xuất cũng được các doanh nghiệp, bộ, ngành đề xuất. Đây là giải pháp áp lực tiêu thụ sản phẩm tươi ở cùng một thời điểm, nâng cao giá trị cho nông sản Việt.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Lê Thúy