Ông K’ Bảy, người dân tộc Cơ Ho ở thôn 2, xã Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh) cho biết, gia đình ông có 3,5 ha cà phê. Khi chính quyền địa phương vận động trồng cây rau màu, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi 3 sào cà phê già cỗi để trồng cây cà chua.
Điểm sáng giảm nghèo ở Đinh Trang Thượng
Với việc trồng theo hình thức gối đầu 1,5 sào/vụ, trong vụ cà chua vừa qua, sau khi trừ chi phí, gia đình ông K’ Bảy đã thu lãi trên 50 triệu đồng.
Chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi để trồng cây cà chua giúp bà con thiểu số ở xã Đinh Trang Thượng nâng cao thu nhập. |
Còn theo chia sẻ hộ ông K’Té, người dân tộc Cơ Ho ở thôn 1, xã Đinh Trang Thượng, thấy các hộ trên địa bàn xã trồng cà chua mang lại hiệu quả, gia đình ông đã tìm hiểu, học tập và trồng theo.
“Đầu tiên, tôi trồng trên diện tích khoảng 1 sào với trên 3 ngàn cây cà chua giống, thu được khoảng 7 tấn quả, sau khi trừ chi phí thu lãi 45 triệu đồng. Với hiệu quả mang lại, gia đình tôi đã mở rộng thêm diện tích lên đến 2,2 sào, đồng thời tận dụng diện tích mặt nước để thả khoảng 6.500 con cá giống”, ông K’Té vui vẻ nói.
Là địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 83% dân số toàn xã, thời gian qua, chính quyền xã Đinh Trang Thượng đã vận động bà con tập trung chuyển đổi giống cây trồng và vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương để tăng thêm thu nhập, phát triển các mô hình trồng xen mang lại hiệu quả kinh tế cao, thực hiện chương trình tái canh cà phê.
Nhờ đó, số hộ khá và hộ giàu ở Đinh Trang Thượng ngày một tăng, số hộ nghèo giảm dần qua từng năm, mục tiêu hộ cận nghèo trong năm 2021 chỉ còn 1%.
Hiện nay, trong tổng số 2.517 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Đinh Trang Thượng đã có trên 75% diện tích được thực hiện tái canh, có khoảng 300 ha đã thực hiện các mô hình trồng xen canh cây sầu riêng, bơ, mắc ca và bưởi da xanh.
Đặc biệt, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đinh Trang Thượng gần đây đã phát triển hiệu quả nghề trồng dâu nuôi tằm. Tính đến nay đã có 30 hộ trong xã tham gia trồng khoảng 55 ha dâu để nuôi tằm.
Chính quyền xã đã chủ động tổ chức cho nhiều hộ dân tộc thiểu số tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng dâu nuôi tằm thành công trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật… Nhờ đó đã giúp bà con trong xã nắm bắt được cách thức, quy trình chăm sóc, phòng trừ bệnh trên cây dâu, con tằm.
Bên cạnh xã Đinh Trang Thiện, huyện Di Linh đã và đang chú trọng phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 10 mô hình trồng dâu nuôi tằm tại các xã như Gia Hiệp, Tam Bố, Tân Thượng…
Nhân rộng trồng dâu, nuôi tằm
Như tại thôn 3, xã Gia Hiệp có 33 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm. Theo đó, bà con đã được hỗ trợ trồng với quy mô 132 ngàn hom giống dâu S7-CB tương đương 32 ha với kinh phí đầu tư gần 53 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 60%, còn lại 40% do người dân góp vốn.
Mô hình trồng dâu, nuôi tằm đang được nhân rộng cho bà con dân tộc thiểu số ở huyện Di Linh. |
Bên cạnh đó, Nhà nước còn hỗ trợ 30 triệu đồng (theo hình thức hỗ trợ 50%) xây dựng 2 mô hình nuôi tằm: Làm nhà nuôi, hỗ trợ tằm giống, bộ khung sàn lưới, né tằm, khung đỡ né tằm…
Theo ông K’ Brah, Trưởng Thôn 3, xã Gia Hiệp, để giúp bà con thực hiện có hiệu quả mô hình trồng dâu, nuôi tằm, Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh đã mở 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng dâu, nuôi tằm.
Đồng thời, hàng tuần, bà con dân tộc thiểu số trong thôn còn được cán bộ nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn từ việc chăm sóc vườn dâu, phương pháp nuôi cho đến việc xây dựng nhà nuôi tằm. Ông K’ Brah cho biết, trồng dâu nuôi tằm đã giúp bà con thiểu số có thêm thu nhập, ổn định đời sống.
Còn ở xã Tam Bố, đến nay, người dân địa phương đã phát triển trên 30 ha dâu và đã có trên 60 hộ nuôi tằm, trong đó có 30 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Trồng dâu, nuôi tằm ở huyện Di Linh được đánh giá rất phù hợp với những hộ dân tộc thiểu số có điều kiện đất đai ít, thời gian nuôi ngắn để lấy ngắn nuôi dài và tận dụng những lúc nông nhàn của gia đình.
Nhờ chú trọng phát triển trồng dâu nuôi tằm nên huyện Di Linh đã có vùng trồng dâu khá quy mô với diện tích 552,6 ha, sản lượng lá dâu đạt khoảng 7.653 tấn/năm.
Thời gian qua, để tăng hiệu quả cho nghề trồng dâu nuôi tằm nói riêng và việc chuyển đổi vật nuôi, cây trồng nói chung cho bà con dân tộc thiểu số, huyện Di Linh đã mở hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao áp dụng khoa học - kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi, gắn với chương trình khuyến nông.
Nhờ đó, đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của bà con dân tộc thiểu số và định hướng trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Di Linh như: tái canh cây cà phê, cây ăn quả, kỹ thuật chăm sóc cây lúa nước, kỹ thuật ghép cải tạo cây bơ, cây dâu tằm, cây mắc ca…
Thanh Loan
Bài 2: Không chỉ đủ ăn mà còn vươn lên làm giàu