Xã Tân Thượng nằm ở phía Bắc huyện Di Linh có đồng bào thiểu số chiếm 78% dân số toàn xã, trong đó có nhiều bà con dân tộc Cơ Ho. Như chia sẻ của ông K’Đức, cán bộ khuyến nông, với người Cơ Ho trong xã ngày trước chỉ cần đủ ăn là mừng lắm rồi.
Nhiều thay đổi tích cực
Còn ngày nay, mọi chuyện đã khác khi xã Tân Thượng có nhiều thay đổi tích cực. Theo ông K’Đức, không những đủ ăn, người Cơ Ho còn vươn lên làm giàu. Có nhiều gia đình thu trên 20 tấn cà phê/năm. Điển hình như gia đình ông K’Jổi, ông K’Đếp, cùng ngụ thôn 3.
Nhiều hộ người Cơ Ho ở xã Tân Thượng (huyện Di Linh) vươn lên làm giàu nhờ chọn lựa cây giống cà phê có năng suất cao. |
Theo ông K’Brồi, Chủ tịch UBND xã Tân Thượng, những năm qua, bà con dân tộc thiểu số trong đã chủ động hơn trong việc chọn lựa cây giống cà phê có năng suất cao, từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững.
Đồng thời, nông dân còn được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, kiểm soát dịch bệnh gây hại. Nhờ đó, năng suất và chất lượng cà phê tăng, kéo theo thu nhập của người trồng tăng đáng kể.
“Trong tổng số diện tích hơn 3.232 ha cà phê của xã, đến nay, Tân Thượng đã tái canh được hơn 1.463 ha. Trước tái canh, năng suất cà phê nơi đây chỉ đạt 2 tấn/ha, sau khi tái canh, năng suất cà phê tăng lên 3 - 5 tấn/ha”, ông K’Brồi nói.
Hoặc như ở xã Đinh Lạc (huyện Di Linh), với đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 22%, nhờ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Thời gian, chính quyền xã đã khuyến khích bà con dần chuyển đổi diện tích lúa một vụ sang trồng bắp có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập gấp từ 3 - 5 lần trên một đơn vị diện tích so với trồng lúa.
Là nông dân người dân tộc thiểu số đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thôn Kaokuil, xã Đinh Lạc, anh Kren cho biết, gia đình anh từ cách đây 5 năm đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa một vụ sang trồng ngô (bắp) và trồng lúa với sự quan tâm, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông trong cách chăm sóc, bảo vệ đất để năng suất cây trồng cao hơn.
Theo anh Kren, cây ngô dễ chăm bón hơn cây lúa, thời gian sinh trưởng ngắn và sản lượng cao và ổn định hơn cây lúa.
“Mỗi vụ ngô, tôi thu được hơn 60 tấn, trừ chi phí mỗi một vụ thu về hơn 30 triệu tiền lãi”, anh Kren nói.
Còn ở thôn Duệ, xã Đinh Lạc, Trưởng thôn K'Brép cho biết, đến nay nhiều hộ bà con dân tộc thiểu trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích cây cà phê sang trồng mắc ca, sầu riêng. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư nuôi dê, nuôi bò, đa dạng các loại cây trồng…, đời sống vật chất của bà con thay đổi tích cực, đến nay trong thôn chỉ còn 5 hộ nghèo.
Số hộ nghèo giảm mạnh
Đánh giá về hiệu quả từ việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số trong 5 năm trở lại đây, ông Trần Nhật Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh chia sẻ: "Chúng ta có thể nhận thấy rõ nhất từ việc đưa giống cây trồng mới có chất lượng tốt, năng suất cao vào sản xuất. Các nguồn vốn đều đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo sát sao từ việc lựa chọn danh mục, nội dung quy hoạch sản xuất".
Nhiều hộ dân tộc thiểu số ở huyện Di Linh mạnh dạn thực hiện mô hình xen canh với cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Với mong muốn không chỉ đủ ăn mà còn phải vươn lên làm giàu thông qua sản xuất nông nghiệp bền vững theo mô hình đa cây, đa con, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở một số xã trên địa bàn huyện Di Linh đã mạnh dạn thực hiện mô hình xen canh, như trồng xen cây bơ, sầu riêng, hồ tiêu… với cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đơn cử như trong huyện có 5 mô hình trồng xen cây bơ trong vườn cà phê theo quy trình mới, 2 mô hình tái canh cà phê kết hợp trồng xen cây ăn quả theo quy trình mới, 11 mô hình trồng dâu nuôi tằm sử dụng khung sàn lưới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ những mô hình này, bà con có thêm thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/năm. Các mô hình sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê được bà con thiểu số ở các xã Đinh Trang Hòa, Liên Đầm, Tân Lâm… trồng nhiều nhất và đến nay đã cho thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.
Như gia đình ông K’Brèo, dân tộc Cơ Ho ở thôn 3, xã Đinh Trang Hòa chọn sầu riêng trồng xen cà phê để làm cây trồng chủ lực phát triển kinh tế của gia đình.
Qua đó, mỗi năm ông K’Brèo thu được 3 tấn cà phê nhân, 10 tấn sầu riêng. Đặc biệt có năm vườn sầu riêng của gia đình ông cho thu lên đến 17 tấn quả. 5 năm trở lại đây, giá cả sầu riêng trên thị trường ổn định ở mức tương đối cao nên mỗi năm bình quân thu nhập của gia đình ông trên dưới 400 triệu đồng, là gia đình người dân tộc thiểu số giàu có ở địa phương.
Nhờ những hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp đã tạo nên sự chuyển biến tích cực về thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con dân tộc thiểu số ở Di Linh. Nếu như 5 năm trước vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện có 2.463 hộ nghèo (chiếm 18,06% trong tổng số hộ nghèo của huyện) thì hiện chỉ còn khoảng 500 hộ, chiếm 4%.
Thanh Loan
Bài cuối: Năng động và hiệu quả với kinh tế hợp tác