Chị Hoàng Thị Hà là một điển hình của phụ nữ người dân tộc Cơ Ho, ở xã Măng Tố (huyện Tánh Linh) trong việc vượt khó để tham gia các khóa học về kỹ năng đan lát, tiếp cận với cách làm hiện đại, rồi khởi nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con dân tộc thiểu số trong xã.
Thay đổi cách nghĩ, cách làm
Trước đây, với sự ủng hộ của Hội Phụ nữ xã Măng Tố, chị Hà được vay vốn từ chương trình sản xuất vùng khó khăn và bắt đầu khởi nghiệp với nghề đan lát.
Nghề đan lát truyền thống giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ Cơ Ho ở xã Măng Tố. |
Ban đầu, do vốn ít, người làm cũng ít, chị Hà chỉ dám đầu tư nhỏ. Sau đó, khi các đơn hàng cứ liên tục chảy về khiến chị phải nghĩ ngay tới việc mở rộng quy mô sản xuất.
Vì thế, chị Hà đã đến vận động, truyền đạt lại kiến thức cho chị em phụ nữ Cơ Ho trong xã, nói với họ hãy thay đổi cách nghĩ, cách làm để cùng nhau làm ăn, ổn định cuộc sống. Nhất là có thể nhận gia công thêm trong thời gian nhàn rỗi sau khi xong việc nương rẫy, đồng áng.
Mới đầu, chỉ chục hộ rồi cứ nhân lên dần, đến nay, cơ sở gia công mỹ nghệ mây, lục bình của chị Hà thường xuyên có 30 nhân công làm việc. Vào lúc cao điểm, con số này tăng lên gấp đôi với hầu hết là phụ nữ Cơ Ho.
Nhiều phụ nữ Cơ Ho đã gắn bó với cơ sở của chị Hà trong 4 - 5 năm nay, cho biết cuộc sống của họ đã sung túc hơn, xây được nhà cửa khang trang nhờ có thu nhập ổn định.
Lãnh đạo xã Măng Tố đánh giá chị Hà có đóng góp lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm cho phụ nữ Cơ Ho, tạo thu nhập ổn định cho họ. Điều này giúp cho việc phát triển sinh kế cho đồng bào thiểu số trong xã ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh việc tạo công việc từ nhân tố tích cực như chị Hà, trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Khuyến nông của tỉnh đã phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc ở huyện Tánh Linh nhằm nâng cao sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống.
Với phương pháp “cầm tay chỉ việc”, áp dụng phương pháp tập huấn FFS (vừa lý thuyết vừa thực hành), các cán bộ khuyến nông đã khắc phục những hạn chế trong truyền tải kiến thức, chuyển giao kỹ thuật theo kiểu truyền thống trước đây cho bà con thiểu số.
Chẳng hạn như mô hình chuyển giao kỹ thuật trồng thâm canh cây điều giống mới theo liên kết chuỗi tại xã La Ngâu (huyện Tánh Linh) đã đem lại hiệu quả, mang lại hiệu ứng tích cực thúc đẩy sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Qua đó cải thiện cuộc sống cho bà con thiểu số trong xã.
Mở hướng mới cho nghề nông
Hoặc như ở thị trấn Lạc Tánh (huyện Tánh Linh), là thị trấn có đến 11 dân tộc thiểu số đang sinh sống, trong 3 năm trở lại đây Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tánh Linh đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa”.
Tập huấn về trồng trọt theo phương thức “cầm tay chỉ việc” đã giúp bà con thiểu số ở Tánh Linh thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong nghề nông. |
Dự án có quy mô 50ha với 70 hộ tham gia ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác, thực hiện cơ giới hóa sản xuất bằng máy để giảm công lao động, cung cấp thị trường lúa thương phẩm chất lượng cao.
Tham gia vào dự án này, các hộ đồng bào thiểu số ở thị trấn Lạc Tánh được hỗ trợ về giống, nông dân tham gia còn được tập huấn về kỹ thuật canh tác như: 3 giảm, 3 tăng trong sản xuất lúa (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm và tăng năng suất, tăng chất lượng gạo, tăng hiệu quả kinh tế), cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách và tập huấn về cơ giới hóa.
Việc thực hiện mô hình trồng lúa này đã đem lại kết quả rất thiết thực, giảm chi phí sản xuất cho nông dân, được bà con dân tộc thiểu số ở Lạc Tánh đồng thuận thực hiện.
Hay như hồi năm 2020, Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, thâm canh cây điều và kỹ thuật nuôi trâu, bò cái sinh sản cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tánh Linh tham gia mô hình giảm nghèo, đặc biệt là các xã, thị trấn Suối Kiết, Lạc Tánh, Măng Tố và La Ngâu.
Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm Dịch vụ miền núi đã phối hợp cùng Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Tánh Linh, UBND các xã tổ chức các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi trâu, bò cái sinh sản và kỹ thuật trồng, thâm canh cây điều cho các hộ đồng bào được tham gia Dự án.
Tại các buổi tập huấn, các hộ đồng bào thiểu số được nghe các kỹ sư chăn nuôi và kỹ sư nông nghiệp truyền đạt các kiến thức cơ bản nhất về các trình kỹ thuật nuôi trâu, bò cái sinh sản và kỹ thuật trồng, thâm canh cây điều.
Với các buổi tập huấn như vậy đã giúp cho bà con dân tộc thiểu số ở Tánh Linh thực hiện hiệu quả hơn khi tham gia mô hình, từ việc làm chuồng trại, hố phân để đảm bảo vệ sinh cũng như tiến hành trồng cỏ để tự chủ nguồn thức ăn, đảm bảo cho sự phát triển của trâu, bò.
Ngoài ra, nhờ tập huấn đã giúp bà con thiểu số chủ động được về lao động, có đất sản xuất, chủ động làm rào chắn diện tích vườn điều tránh trâu, bò… phá hoại bảo đảm cho sự sinh trưởng, phát triển của cây, con giống.
Thanh Loan
Bài cuối: Liên kết sản xuất theo chuỗi