Trên địa bàn xã Liêm Đàm có HTX cà phê Lâm Viên với 137 thành viên, trong đó có một nửa là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là mô hình liên kết sản xuất hiệu quả khi kết hợp hài hòa giữa lợi ích thành viên và hiệu quả kinh tế của HTX, với 215 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C - bộ quy tắc chung cho cộng đồng cà phê.
Tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất
Là thành viên của HTX, bà Ka Mhải, người dân tộc Cơ Ho ở xã Liên Đầm cho biết, tham gia làm ăn với HTX nhiều năm nay, bà rất yên tâm, không phải lo lắng gì.
“Phân bón thì HTX giao tận nhà. Cà phê nhân cũng vậy, HTX mua tại nhà. Mình chỉ việc trồng, chăm sóc và thu hái cà phê, mọi việc khác đã có người của HTX lo liệu”, bà Ka Mhải, chia sẻ.
Tham gia làm thành viên HTX cà phê Lâm Viên giúp bà con dân tộc thiểu số yên tâm về đầu ra nông sản. |
Cũng theo bà Ka Mhải, vào HTX cà phê Lâm Viên có cái lợi là mua phân bón chung nên không sợ mua phải phân giả, chất lượng luôn bảo đảm, giá các loại phân bón mua tại HTX lại thấp hơn giá thị trường. Không những vậy, giá cà phê bán cho HTX bao giờ cũng cao hơn thị trường. Chưa kể, tham gia HTX, người nông dân còn được hỗ trợ thêm về kỹ thuật canh tác và vốn sản xuất.
Còn theo một thành viên khác của HTX là ông K’Nổ: "Vào HTX là mua chung, bán chung, mua phân bón chung thì giá thấp, hàng thật. Còn bán cà phê chung thì giá cao, lợi nhuận của HTX thì mình cũng có phần trong đó, vậy là quá tốt chứ".
Bên cạnh HTX cà phê Lâm Viên, thời gian qua, huyện Di Linh đã đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác và thu hút thêm thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giúp cho họ tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp để vừa nâng cao chất lượng nông sản, vừa nâng cao được thu nhập.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các HTX, tổ hợp tác ở Di Linh chủ động, đổi mới hoạt động, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời bảo đảm tốt cho việc nâng cao đời sống bà con dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương hiệu quả hơn.
Như ở xã Bảo Thuận có “Tổ Phụ nữ hợp tác làm nấm” tại thôn Krọt Sớk đã hoạt động được 6 năm nay, với hầu hết thành viên đều là phụ nữ dân tộc thiểu số trong thôn. Mô hình tổ hợp tác này thuận lợi khi trong xã có nguồn rơm phong phú, nên việc tổ chức sản xuất nấm rơm được thuận lợi hơn, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên.
Thông qua tổ hợp tác, các thành viên là bà con thiểu số còn được tạo điều kiện tham gia tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm làm nấm, cũng như việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Góp phần tăng hiệu quả kinh tế
Tính đến tháng 8/2021, tổng số HTX trên địa bàn huyện Di Linh là 42 HTX Trong đó, 36 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, 5 HTX hoạt động trên lĩnh vực thương mại và 1 HTX hoạt động trên lĩnh vực vận tải. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đang có 19 tổ hợp tác nông nghiệp.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Di Linh giúp nhiều nông dân là người dân tộc thiểu số mua phân bón trả chậm lãi suất thấp. |
Các mô hình kinh tế hợp tác này đã góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp cho bà con dân tộc thiểu số ở huyện Di Linh khi tạo được sự ổn định về đầu ra, quản lý tốt việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Đặc biệt, tạo cho các thành viên HTX là dân tộc thiểu số phải có trách nhiệm tuân thủ những quy định kỹ thuật trong quá trình sản xuất, nhất là sản phẩm làm ra phải đảm bảo cả chất lượng lẫn số lượng. Còn phân bón thì được HTX giao tận nhà, trả chậm.
Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Di Linh ở thị trấn Di Linh (huyện Di Linh) trong nhiều năm qua đã ký hợp đồng với các công ty phân bón uy tín trong nước để triển khai bán phân bón trả chậm lãi suất thấp và bán hỗ trợ giá 5.000-10.000 đồng/50 kg cho hàng trăm hộ thành viên trong HTX và nông dân là dân tộc thiểu số trong các xã thuộc vùng sâu của huyện Di Linh.
Tính đến nay, HTX có 538 hộ thành viên, hoạt động chính bao gồm cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp, tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ tín dụng nội bộ cho hộ gia đình thành viên.
Ngoài ra, HTX còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện Di Linh phổ biến cho thành viên và đồng bào thiểu số về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê, phương pháp bón phân cân đối. Đồng thời, dự báo tình hình sâu bệnh trên cây trồng và cách phòng trừ hữu hiệu.
Hiện nay, cùng với đổi mới hoạt động và nâng cao giá trị sản phẩm, mô hình sản xuất thì HTX, tổ hợp tác ở huyện Di Linh còn giải quyết tốt việc làm cho trên 1.400 lao động địa phương.
Lao động khi làm việc tại các HTX, tổ hợp tác trong huyện có thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng. Trong đó nghề phi nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với nghề được đào tạo, nhất là lao động vùng dân tộc thiểu số ở huyện Di Linh được giải quyết tốt việc làm ổn định đã nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Thanh Loan