Vài năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Mẽng, người dân tộc Cơ Ho ở xã La Ngâu (huyện Tánh Linh) là điển hình của những hộ đồng bào thiểu số trong xã đã thoát nghèo nhờ quá trình triển khai phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Thuận.
Tín hiệu tích cực
Từ chỗ luôn bị đói khi giáp hạt do không biết canh tác, chăn nuôi, đồng thời thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, đến nay gia đình ông Mẽng đã có "của ăn của để" nhờ vào 3 ha đất được Nhà nước cấp để trồng cao su, điều và được hỗ trợ vốn chăn nuôi bò.
Mô hình trồng thâm canh cây điều giống mới cho bà con dân tộc thiểu số tại xã La Ngâu. |
Ban đầu, với vốn vay 10 triệu đồng để mua 2 con bò giống, sau khi nuôi 2 năm thì bò đẻ 2 con, ông Mẽng để lại tiếp tục gây giống. Cứ thế đàn bò của gia đình ông đã tăng lên gần chục con, ông bán trả được nợ ngân hàng và đầu tư vào trồng cao su.
Đến nay diện tích điều và cao su đã cho thu hoạch, cuộc sống gia đình ông Mẽng không thiếu thốn, nhà được xây dựng khang trang, con cái học hành thành đạt.
Để phát triển sinh kế nhằm giúp các gia đình dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo và trở nên khấm khá như gia đình ông Mẽng là cả nỗ lực lớn của chính quyền địa phương.
Nhất là khi La Ngâu là xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số nhất của huyện Tánh Linh. Trong xã hiện có 3 bản, 1 thôn với 649 hộ dân, gần 3.000 nhân khẩu, trong đó có trên 80% là người Cơ Ho, ngoài ra còn có người Raglai, Nùng, Tày…
Vốn là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Tánh Linh nên việc giải bài toán thoát nghèo như thế nào cho người dân (nhất là đồng bào thiểu số) là cả thách thức lớn, chẳng hạn như việc chọn cây giống cây trồng gì để có gia tăng năng suất, sản lượng cho bà con thiểu số.
Thời gian gần đây xã La Ngâu đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận để chuyển giao cho bà con thiểu số trồng cây điều giống mới AB29 và AB0508 cho năng suất cao với diện tích 10ha.
Ông Nguyễn Tám, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, cho biết: "Mô hình trồng thâm canh cây điều giống mới tại xã La Ngâu, chúng tôi triển khai theo liên kết chuỗi mang lại hiệu quả khá tích cực. Hiện cây điều trong giai đoạn năm thứ 3, sinh trưởng phát triển tốt và bắt đầu cho trái bói".
Theo đó, nếu gặp điều kiện thuận lợi thì 2 giống điều mới AB29 và AB0508 trồng theo phương thức hỗn giao ở La Ngâu sẽ cho năng suất trái bói trên 5 tạ/ha. Và, khi bước vào năm thứ 4, thứ 5, năng suất điều có thể đạt từ 25-30 tạ/ha. Tín hiệu khả quan này được kỳ vọng sẽ mang lại cuộc sống ổn định cho bà con dân tộc thiểu số trong xã.
Vươn lên ổn định sản xuất
Lâu nay việc trồng cây bắp lai luộc được bà con dân tộc thiểu số ở xã La Ngâu ưa chuộng nhất. Trong vụ Đông Xuân năm 2021, toàn xã có 17 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận đầu tư ứng trước sản xuất trên 10 ha bắp lai.
Được hỗ trợ đầu tư trồng bắp lai giúp bà con dân tộc thiểu số ở La Ngâu thoát nghèo. |
Các hộ nhận đầu tư ứng trước đã được Trung tâm Dịch vụ miền núi cung ứng đủ giống, vật tư phục vụ sản xuất. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, nắng nhiều, đủ nước tưới nên cây bắp phát triển tốt, cho năng suất khá cao.
Ông Tạ Quang Bảo, cán bộ phụ trách địa bàn của Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận, cho biết, với giá bắp lai thu mua bình quân 5.000 đồng/kg, năng suất bắp tại La Ngâu đạt 10 tấn/ha; các hộ nhận đầu tư sau khi trả nợ nhà nước còn có lãi từ 35 triệu đến 40 triệu đồng.
Dự kiến sắp tới, Trung tâm Dịch vụ miền núi sẽ tiếp tục phối hợp với UBND xã La Ngâu mở rộng diện tích đầu tư bắp lai tại địa bàn. Nếu như mọi năm, khi giá bắp tươi thấp từ 3.000 đồng đến 3.500 đồng/kg, thì năm nay, giá bắp thương phẩm tương đối cao từ 5.000 đồng đến 5.100 đồng/kg; các hộ đồng bào đều bán bắp hạt.
Để giúp cho bà con dân tộc thiểu số xã La Ngâu ổn định sản xuất, vươn lên thoát khỏi đói nghèo thì việc chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con là một trong những giải pháp hữu hiệu.
Như gia đình anh Mang Khánh, người dân tộc thiểu số tại bản 3 xã La Ngâu, có 5 sào đất. Thời gian gần đây, anh Khánh được một doanh nghiệp ở Đồng Nai chuyển giao kỹ thuật trồng khổ qua lấy hạt trên 1,5 sào đất. Theo đó, anh được công ty ứng trước giống, phân thuốc và lưới để làm giàn.
Với giá thu mua cao thì nguồn thu từ trồng khổ qua lấy hạt của gia đình anh được cho là khá khả quan. Cũng như anh Khánh, trên địa bàn xã còn có khoảng 10 hộ đồng bào thiểu số được doanh nghiệp hợp đồng trồng gần 1 ha khổ qua lấy hạt. Hy vọng đây sẽ là mô hình mới nếu được nhân rộng cũng sẽ là cơ hội để bà con phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Ngoài việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt để phát triển sinh kế cho bà con thiểu số thì điều băn khoăn của xã La Ngâu hiện tại là tình trạng thiếu đất sản xuất. Nhất là khi toàn xã La Ngâu hiện có 177 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 27,3%, trong đó có đến 170 hộ không có đất sản xuất.
Tình trạng hàng trăm hộ dân thiếu đất sản xuất khiến công tác giảm nghèo của xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, xã La Ngâu mong muốn các cấp, các ngành sớm xem xét giải quyết tình trạng thiếu đất nhằm giúp các hộ nghèo là đồng bào thiểu số phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thanh Loan
Bài 2: Ổn định cuộc sống nhờ được ‘cầm tay chỉ việc’