![]() |
Huyện Mèo Vạc đã lựa chọn lợn đen Lũng Pù là vật nuôi chủ đạo trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. |
Với đặc thù là huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, địa hình phức tạp, đất canh tác ít, để nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho đồng bào người Mông, huyện Mèo Vạc đã lấy chăn nuôi làm hướng đi chủ lực. Trong đó, việc phát triển chăn nuôi lợn đen Lũng Pù bản địa, một sản vật của địa phương đang được tỉnh xác định là hướng đi bền vững.
Xác định hướng đi
Mèo Vạc là một huyện vùng núi cao với 16 xã có đông người Mông sinh sống, nơi địa đầu sơn cước, giáp biên giới Việt – Trung với núi đá tai mèo, giao thông khó khăn hiểm trở… Đất canh tác, trồng trọt, chăn nuôi ít, lại khô cằn, thế nên việc thực hiện các chính sách của Đảng và Chính phủ cho đồng bào dân tộc miền núi cũng gặp không ít khó khăn, cản trở.
Với tư tưởng “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, lãnh đạo huyện Mèo Vạc đã cùng các ban ngành trong huyện và bà con đồng bào dân tộc trên địa bàn đã đồng lòng, quyết tâm đưa Nghị quyết 30a của Chính phủ trở thành hành động thiết thực. Chính vì vậy, khi triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (từ 2016 – 2020), huyện đã phát huy lợi thế vùng cao, khắc phục khó khăn. Điều này đã tạo nên diện mạo mới trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo bền vững và hiệu quả.
Với lợi thế vùng núi cao, việc chăn nuôi các con giống, vật nuôi dưới xuôi sẽ không phù hợp nên huyện đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như: Phát triển chăn nuôi bò (chủ yếu là giống bò vàng địa phương), mật ong Bạc hà, đặc biệt nuôi lợn đen bản địa Lũng Pù…theo hướng hàng hóa, đi đôi với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện các mô hình liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, huyện Mèo Vạc cũng đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác dạy nghề trên lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho lao động nông thôn trên các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi...
Quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đã xuất hiện nhiều thôn bản điển hình hiệu quả phát triển kinh tế gia đình từ các mô hình chăn nuôi của huyện. Đơn cử như thôn Lũng Lừ A, xã Lũng Pù có 74/74 hộ nuôi lợn đen Lũng Pù, hộ ít nuôi khoảng 2 con, hộ nhiều nuôi từ 30 đến 50 con. Trong đó, gia đình anh Sùng Mí Nà, thôn Lũng Lừ A, đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 45 con lợn đen Lũng Pù, đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Pù cho hay, với trên 2.000 con, hiện nay lợn đen trở thành vật nuôi chủ lực của xã Lũng Pù, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Xã Lũng Pù nuôi hơn 2.000 con lợn đen bản địa, nhiều hộ gia đình ở các thôn bản trong xã đang tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt và từng bước mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện và ngày càng có nhiều hộ thoát nghèo bền vững.
Vật nuôi chủ lực
Theo lãnh đạo huyện Mèo Vạc, sở dĩ huyện khuyến khích nuôi lợn đen Lũng Pù do đây là giống vật nuôi quý, có khả năng thích nghi với vùng núi cao, kháng bệnh cao, chất lượng thịt ngon, giá trị kinh tế cao gấp từ 1,5 – 2 lần so với các giống lợn lai, lợn ngoại trên địa bàn.
“Giống lợn này đã được Viện Chăn nuôi và Dự án BIODIVA khẳng định, cần được nghiên cứu bảo tồn và khai thác có hiệu quả cho cộng đồng”, đại diện lãnh đạo huyện cho biết.
Hiện nay, toàn huyện có trên 11.000 hộ nuôi lợn đen Lũng Pù với hơn 33.000 con. Mặc dù số lợn có chiều hướng tăng nhưng số lượng đàn lợn thuần chủng bị suy giảm qua từng năm. Do đó, việc bảo tồn giống lợn đen bản địa của địa phương cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm.
Từ thực tế cho thấy, nuôi lợn bản địa đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, đồng thời là giải pháp hiệu quả trong việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế cho rất nhiều hộ gia đình ở nông thôn.
![]() |
Nhiều gia đình cũng đã chọn lợn đen Lũng Pù làm vật nuôi góp phần xóa đói giảm nghèo. |
Để thực hiện thành công Đề án, theo lãnh đạo huyện Mèo Vạc, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy của các cấp, các ngành, các cấp chính quyền và đông đảo quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, huyện đã ban hành kịp thời các kế hoạch nhằm xác định mục tiêu và giải pháp cụ thể trong quá trình triển khai.
Theo ông Hồng Mí Sinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc, giống lợn đen Lũng Pù có nguồn gốc từ xã Lũng Pù, được thuần hóa, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương.
Hiện nay, sản phẩm thịt lợn đen Lũng Pù không chỉ người dân trong huyện tin dùng mà nhiều nơi khác cũng biết đến và ưa chuộng. Với giá bán 60.000đ/1kg lợn hơi và 80.000/1kg lợn giống, từ chăn nuôi lợn đen, nhiều hộ dân trong xã Lũng Pù đã có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả.
Phương Trang
Bài 2: HTX Tuấn Dũng thành công từ nuôi giống lợn Lũng Pù