Với phương châm trao cho đồng bào “cần câu” chứ không trao “con cá”, nhờ đó các chủ trương, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai ở Sốp Cộp có hiệu quả rõ rệt. Từ đó, tạo bước “đột phá” cả về bề rộng, lẫn chiều sâu, bản làng được khởi sắc, cuộc sống của đồng bào được thay đổi từng ngày.
Chính sách thực hiện đồng bộ
Theo thông tin từ UBND huyện Sốp Cộp, tổng dân số toàn huyện có 45.066 người, trong đó người nghèo là 17.643 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98%.
Huyện Sốp Cộp nằm sát với biên giới Việt – Lào, bao quanh là đồi núi, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, giao thông chia cắt, đi lại khó khăn. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc còn ảnh hưởng theo phong tục tập quán cũ nên còn nhiều hủ tục lạc hậu. Thu nhập chính của người dân địa phương chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống bấp bênh phụ thuộc nhiều vào thời tiết khí hậu.
Trong những năm qua, nhờ thụ hưởng nhiều chính sách về giảm nghèo như Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... bộ mặt nông thôn nơi đây đã có nhiều khởi sắc.
Từ các chương trình chính sách về giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Sốp Cộp đã vận động bà con chuyển đổi từ cây trồng ít năng suất, chất lượng sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. |
Từ các chương trình này, hàng nghìn hộ dân ở huyện Sốp Cộp đã được hỗ trợ cây, con giống, chuyển đổi dần các hình thức chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ trước kia sang các mô hình hợp tác xã; đồng thời, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thông qua đây, đã xuất hiện các cá nhân điển hình và một số xã áp dụng hiệu quả chương trình.
Điển hình như Dồm Cang, một trong những xã làm tốt việc chuyển đổi diện tích đất trồng cây ngô, sắn và diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây cà phê.
Ông Lò Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Dồm Cang cho biết, từ năm 2020 đến nay, xã đã chuyển đổi hơn 200 ha trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cà phê, cây có múi, xoài, ổi, mận, dứa nguyên liệu và trồng rừng kinh tế. Hiện, xã có 254 ha cà phê, trong đó, diện tích cho thu hoạch 180ha, với năng suất 10 tấn/ha; 196 ha cây ăn quả, với sản lượng hơn 2.260 tấn và trồng 55 ha cỏ làm thức ăn cho gia súc...
Còn xã Nậm Lạnh, xã vùng III (vùng đặc biệt khó khăn), dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, xã đã tận dụng các nguồn vốn chương trình giảm nghèo thực hiện 3 giải pháp trọng tâm trong công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ cho đồng bào như: cải tạo, chuyển đổi vườn tạp thành các loại cây ăn quả có múi (cam, quýt); phát triển các mô hình chăn nuôi đại gia súc; nuôi bò sinh sản ở bản Pánh Han; đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Ngoài ra, còn xã Mường Và, Mường Lạn… mặc dù đất cằn sỏi đá, thời tiết khí hậu khắc nghiệt nhưng được sự hỗ trợ của chính quyền về cây giống, con giống và kỹ thuật nuôi trồng, đồng bào đã thay đổi được nhận thức, tập quán sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Người nghèo có “cần câu”
Có thể nói, làm được điều này, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, huyện Sốp Cộp đã chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện công tác rà soát, nắm chắc tình hình hộ nghèo, cận nghèo; tiến hành quy hoạch và phát triển nông nghiệp phù hợp với từng vùng theo hướng tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm thế mạnh.
Chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chương trình dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chương trình, chính sách an sinh xã hội. Đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân.
Xác định, để thành công, đồng bào phải thay đổi nhận thức, lãnh đạo huyện cùng lãnh đạo các xã đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hiểu rõ, làm đúng chính sách, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực vươn lên làm giàu, tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại.
Các chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào trên địa bàn đã phát huy được hiệu quả, hộ nghèo giảm còn hơn 24%. |
Nhờ vậy, sản lượng, năng suất năm sau luôn cao hơn năm trước. Ngay trong 6 tháng đầu năm 2021, huyện đã chuyển đổi gần 200 ha đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp và cây trồng lâu năm tại các xã Dồm Cang, Mường Lạn, Mường Và, Sốp Cộp, Nậm Lạnh... Hiện, toàn huyện trồng hơn 1.900 ha cây ăn quả, sản lượng đạt hơn 400 tấn. Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai vùng nguyên liệu dứa trên diện tích đất trồng kém hiệu quả với quy mô 70 ha; 458 ha cây cà phê, trong đó, diện tích cho thu hoạch là 296 ha, năng suất đạt 10 tấn/ha...
Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp cho biết, có được thành công bước đầu, Đảng uỷ, UBND huyện đã căn cứ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng xã, từng bản để xây dựng kế hoạch, định hướng cho bà con chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp.
Bên cạnh đó, các phòng chuyên môn của huyện hỗ trợ người dân về chuyển giao khoa học, kỹ thuật và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay. Đặc biệt, hướng dẫn người dân thâm canh, sản xuất theo chiều sâu, sản phẩm nông sản sạch, an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn huyện đã có 40 ha cây ăn quả áp dụng VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương.
Lãnh đạo UBND huyện Sốp Cộp cho biết thêm, các chương trình, dự án hỗ trợ người dân trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, kinh tế được đánh giá phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất của người dân đã được nâng lên hơn trước rất nhiều. Đến nay, hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn hơn 24%, tình hình an ninh chính trị được đảm bảo và giữ vững.
Bài 2: Dồm Cang không ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước
Phạm Minh