Năm 2016, với quyết tâm biến bất lợi thành thế mạnh, xã Dồm Cang đã tận dụng địa thế với hơn 70% là đồi núi để phát triển mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung. Để nâng cao hiệu quả, xã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân xây dựng trang trại, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như khoai, sắn, ngô, lạc…
Đồng thời, xã cũng hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn, đồng thời, tích cực ứng dụng các tiến bộ KH-KT vào chăn nuôi; chủ động phòng chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc.
Hiệu quả vượt trội
Với các giải pháp đồng bộ, sau gần 5 năm thực hiện mô hình, toàn xã Dồm Cang hiện có hơn 1.400 con trâu, bò, các biện pháp chăn nuôi an toàn, giảm thiểu dịch bệnh ngày càng được quan tâm. Kể từ năm 2017, bình quân mỗi năm, xã tổ chức tiêm phòng trên 6.000 liều vắc xin phòng bệnh cho đàn trâu, bò.
Nhờ chăn nuôi khoa học, các vùng chăn nuôi gia súc tập trung, quy mô trên địa bàn xã Dồm Cang dần được hình thành và cho thấy hiệu quả tích cực. Nhiều hộ ở các bản Dồm, Cang, Men, Huổi Dồm... hiện đã chủ động được nguồn giống, nguồn thức ăn tại chỗ.
Anh Lò Văn Thời (bản Huổi Dồm), một điển hình chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn, chia sẻ: “Nhà tôi nuôi bò từ năm 2015, xuất phát điểm với 3 con bò, đến nay, đàn bò đã tăng lên gần 20 con. Để chủ động nguồn thức ăn, tôi tận dụng 3.000 m2 đất đồi để trồng cỏ và sắn”.
Không chỉ chăn nuôi theo hộ, để mở rộng quy mô sản xuất, các hộ trong vùng còn liên kết thành lập HTX chăn nuôi đại gia súc, các thành viên HTX cùng góp vốn để xây dựng chuồng trại kiên cố, tuân thủ các kỹ thuật chăn nuôi an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Anh Lò Văn Tươi - Giám đốc HTX Vinh Phát (bản Men), cho biết HTX vừa đầu tư 70 triệu đồng làm chuồng trại. Hiện tại, HTX đang có 4 thành viên nuôi 10 con bò, từng thành viên góp tiền, góp bò. Tới đây, HTX mong được các cấp, các ngành chức năng hỗ trợ vốn và kỹ thuật để HTX nhân rộng đàn bò.
HTX nông nghiệp Anh Phương (bản Pặt) cũng đang cho thấy những thành công ban đầu, góp phần tạo chuyển biến trong ý thức chăn nuôi an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của người dân địa phương.
Mô hình chăn nuôi đại gia súc đang góp phần thúc đẩy NTM ở Dồm Cang |
Nướt rút về đích NTM
Phong trào phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung đang đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, đồng thời trở thành nhân tố chính trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Dồm Cang.
Tính đến đầu tháng 9/2019, xã Dồm Cang đã hoàn thành 14/19 tiêu chí, với 44/49 chỉ tiêu, trong đó, có nhiều tiêu chí quan trọng như điện, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở… Còn 4 tiêu chí chưa đạt là giao thông, thu nhập, hộ nghèo, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.
Để hoàn thành mục tiêu cán đích NTM vào cuối năm 2019, Ban chỉ đạo NTM xã đang gửi đơn kiến nghị các cấp, các ngành sớm điều chỉnh đồ án quy hoạch để xã có cơ sở để đánh giá các tiêu chí chính xác hơn; hỗ trợ các nguồn lực để xã có thể hoàn thành các tuyến đường giao thông nông thôn…
Trong đợt kiểm tra tiến độ xây dựng NTM hồi đầu tháng 9/2019, ông Lò Minh Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, nhấn mạnh: “Với mục tiêu chính là nâng cao đời sống của người dân, xã Dồm Cang cần tiếp tục giữ vững các tiêu chí đã đạt được, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, áp dụng các mô hình hiệu quả nâng cao thu nhập cho nhân dân”.
Ngoài ra, xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cải thiện cảnh quan, đảm bảo tiêu chí môi trường; tăng cường giám sát, duy trì, bảo đảm an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.
Đối với các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện Sốp Cộp cần lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cho xã hoàn thiện tiêu chí về giao thông; kịp thời hướng dẫn trong việc rà soát, đánh giá, thẩm định cụ thể các chỉ tiêu, tiêu chí để xã Dồm Cang có thể cán đích NTM vào tháng 12/2019.
Nhật Minh