Chỉ có như vậy mới từng bước ổn định thu nhập, nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội và giảm dần khoảng cách giữa vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Sớm khắc phục những hạn chế
Thực tế cho thấy, những năm qua, quy mô nền kinh tế của các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc đã có sự thay đổi đáng kể và từng bước thu hút được các doanh nghiệp đến đầu tư.
Mặc dù vậy, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần phải khắc phục. Đó là, cứ bình quân 315 người dân khu vực này mới có 1 doanh nghiệp, trung bình chưa bằng 1/3 của cả nước. Quy mô, chất lượng doanh nghiệp đa phần là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cũng không mấy lạc quan, chỉ xếp vào nhóm khá và trung bình.
“Nguyên nhân là do sự phát triển chưa đồng bộ, thiếu bền vững, hiệu quả khai thác chưa cao, cạnh tranh vùng chậm được cải thiện, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu, kết nối giao thông thiếu đồng bộ là những hạn chế cần sớm được khắc phục”, ông Lộc phân tích.
Bộ mặt nông thôn các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc từng ngày được thay đổi nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng và Nhà nước. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng rất lớn để quyết định tính thành công. Không chỉ hạn chế về thu hút doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có năng lực đến đầu tư, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, mà khu vực này có tiềm năng lớn về du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa bản địa, Trekking, homestay… nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để.
Do vậy, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc cần phải chủ động, sáng tạo tìm ra sản phẩm đặc thù của địa phương và phải biết liên kết với các địa phương khác trong vùng, các công ty du lịch, lữ hành phải liên kết, bắt tay nhau để khai thác các tour, tuyến với lịch trình phù hợp, đi vào thực chất, có hiệu quả.
“Phải xây dựng định hướng chung, tránh chồng chéo giữa các địa phương, phát triển sản phẩm nghỉ dưỡng để thu hút lượng khách đến nhiều hơn, nghỉ nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn. Điều quan trọng hơn nữa là phải liên kết trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch mà không bị dàn trải, lãng phí. Liên kết quảng bá du lịch, marketing thông qua mạng xã hội, công nghệ 4.0 để giảm chi phí”, bà Hương nói.
Vào cuộc đồng bộ
Trong khi đó, đánh giá về thế mạnh của địa phương, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, Lào Cai có vị trí địa kinh tế, địa chính trị, đóng vai trò trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Lào Cai cũng có nhiều tiền năng như: hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng, liên quốc tế là đường cao tốc, đường sắt, đường thủy; cửa khẩu Lào Cai là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Chính phủ đầu tư; khu du lịch quốc gia Sapa; có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn như apatit, sắt, đồng…
Điều quan trọng là Lào Cai luôn đứng đầu trong top cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh và được thể hiện rõ qua các chỉ số PCI, ICT Index, PAPI, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.
“Thuận lợi về nhiều mặt nên những năm qua, tốc độ tăng trưởng GRDP của Lào Cai luôn duy trì trên 10% và vươn lên ngang bằng với GRDP chung của cả nước là 76,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm từ 3-4%”, ông Trường cho biết.
Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ Nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các ngành chức năng cũng như bản thân người dân thì Trung du và miền núi phía Bắc mới có cơ hội vươn lên cùng các địa phương khác. |
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tác động của đầu tư công tới vùng Trung du và miền núi phía Bắc rất lớn. Riêng giai đoạn 2016-2020, đầu tư công khu vực này chiếm tới 24% của cả nước. Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước.
Nhờ vậy mà các tỉnh khu vực này có nhiều điều kiện phát triển và có tác động tích cực do đầu tư công mang lại. Điển hình như các dự án về giao thông, thủy lợi, nông nghiệp, giáo dục.
“Để có thể tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư công, thời gian tới, các địa phương phải tập trung vào rà soát, lựa chọn dự án ưu tiên, dự án trọng điểm để phát triển các ngành, các lĩnh vực khác nhau, qua đó mở đường cho thu hút đầu tư tư nhân. Cần có thể chế liên kết vùng, nội vùng và trong khu vực với nhau và phải có chiến lược, kế hoạch để có phương án tốt nhất”, bà Minh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), năm 2008, Đảng đã ban hành Nghị quyết về tam nông (Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn).
Trong nội dung của Nghị quyết cũng đặc biệt nêu tầm quan trọng của sự vào cuộc của 5 nhà là Nhà nước - Nhà quản lý - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp để sản xuất, thu mua, chế biến, nâng cao giá trị nông sản của người dân.
“Muốn làm được điều này thì phải gắn với liên kết vùng, phải lựa chọn được những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Trong bối cảnh hiện nay phải chú trọng đến các nhóm hàng đặc sản và các nhóm hàng OCOP gắn với truy xuất nguồn gốc thông qua công nghệ Blokchain”, ông Toản nói.
Giao thông thuận tiện giúp cho nông sản và các sản phẩm từ đồi rừng ngày càng tìm kiếm được thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị. |
Điển hình như tại xã miền núi Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên trong việc hỗ trợ phát triển cây ăn quả - được xác định là cây mũi nhọn của địa phương. Đến thời điểm hiện nay, xã Tràng Xá có khoảng 260ha, trong đó diện tích bưởi là 185ha. Trong năm 2020, UBND xã đã phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên triển khai trồng mới 25ha na dai tại 6 xóm: Lò Gạch, Đồng Ẻn, Đồng Bài, Đồng Tác, Hợp Nhất, Làng Đèn. Trong đó, hỗ trợ 5 tấn phân bón cho các hộ trồng na ở các xóm Đồng Mỏ, Làng Tràng, Cầu Nhọ.
Đồng thời, triển khai chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với tổng kinh phí thực hiện dự án là 316,750 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng và nhân dân đóng góp 16,750 triệu đồng.
Những dự án này đã góp phần cùng với các chương trình khác như chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần tích cực hỗ trợ đồng bào các dân tộc xã Tràng Xá giảm nghèo nhanh và bền vững. Theo đó, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm 3,78% trên tổng số hộ (giảm 83/81 hộ, đạt 102,47% kế hoạch UBND huyện giao).
Hệ thống giao thông phát triển tạo điều kiện cho các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc đẩy nhanh tiêu chí giảm nghèo. |
Theo ông Lê Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), các tỉnh miền núi phía Bắc có nguồn tài nguyên khoáng sản hết sức phong phú. Do vậy, cần phải có hướng khai thác, gắn với chế biến sâu để nâng cao giá trị. Các doanh nghiệp phải có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ trong cùng mặt hàng, cùng sản phẩm và cần có quy chế phối hợp nhất định cùng ngành nghề, cùng sản phẩm để tập trung chế biến sâu sao cho hiệu quả.
“Ngoài ra, cần phải đầu tư hạ tầng giao thông để giảm cước phí vận chuyển, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, tạo việc làm cho người dân”, ông Thành nói.
Cùng vào cuộc với các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, vấn đề quan trọng nhất là vốn và chính sách về vốn. Ông Nguyễn Khoa Đức Anh, Phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp - Vietinbank cho biết, Trung du và miền núi phía Bắc là khu vực cần được đầu tư lớn.
Xác định rõ vấn đề này, Vietinbank đã đầu tư 26 chi nhánh, 180 phòng giao dịch ở 14 tỉnh với số tiền cho vay hàng năm khoảng 110 nghìn tỷ đồng.
“Vietinbank đã triển khai thời gian làm việc 24/24h với giao dịch số hóa, online để giảm chi phí giao dịch cũng như tạo thuận tiện, thân thiện cho khách hàng giao dịch mọi lúc, mọi nơi. Vietinbank cũng triển khai các chương trình tín dụng, chính sách tín dụng ưu đãi, giải ngân nhanh chóng”, ông Đức Anh nói.
Phạm Duy