Hoà Hội là xã biên giới của huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh), có 817 hộ, trong đó có 28 hộ dân tộc Khmer với 117 nhân khẩu.
Điểm sáng xã biên giới
Thời gian qua, chính quyền xã Hòa Hiệp đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực chăm lo đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần cho đồng bào Khmer. Sự nỗ lực vươn lên của bà con dân tộc đã và đang làm cho diện mạo làng quê ở xã biên giới này “thay da đổi thịt” từng ngày.
Đời sống bà con Khmer ở xã biên giới Hoà Hội (huyện Châu Thành) ngày càng nâng lên nhờ phát triển chăn nuôi. |
Trong công tác chăm lo đời sống cho đồng bào Khmer, xã Hoà Hội thường xuyên đào tạo nghề ngắn hạn, tăng cường hỗ trợ lập dự án nguồn vốn vay, cây, con giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi.
Hội Liên hiệp phụ nữ xã còn chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học cho đồng bào dân tộc, khuyến khích, tạo điều kiện cho các em học các cấp cao hơn, từng bước nâng cao mặt bằng dân trí; nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của bà con, giải quyết tốt mâu thuẫn nội bộ, củng cố tình đoàn kết dân tộc Kinh – Khmer.
Bà Keo On, người có uy tín trong cộng động người Khmer ở xã Hoà Hội, cho biết bản thân tích cực vận động bà con thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của chính quyền.
“Mọi người ngày càng tin tưởng, có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống ở khu dân cư”, bà Keo On nói.
Từ việc chú trọng phát triển sinh kế cho đồng bào thiểu số cũng như phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội nên cách đây 2 năm, xã Hòa Hội đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là xã biên giới đầu tiên của huyện Châu Thành được công nhận xã nông thôn mới.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hòa Hội cho biết, xác định đồng bào dân tộc thiểu số là bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng dân cư của xã, đơn vị tích cực chăm lo đời sống, nắm rõ tâm tư nguyện vọng của bà con.
Hay như ở xã biên giới Tân Đông (huyện Tân Châu) được đánh giá là “thay da đổi thịt” như ngày nay thì không thể phủ nhận những đóng góp của cộng đồng người Khmer nơi đây.
Xã Tân Đông có 14km đường biên, giáp với tỉnh Tbong Khmum, vương quốc Campuchia. Xã còn có cửa khẩu quốc gia Kà Tum. Có thể nói đây là vị trí rất thuận lợi để định hướng phát triển nhiều mặt.
Thời gian qua đã có hàng trăm học sinh là con em bà con dân tộc Khmer của xã Tân Đông được học dạy song ngữ (Việt- Khmer) và được học lên cấp 3 của Trường Dân tộc Nội trú tỉnh. Nhiều con em của người Khmer tham gia sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể và chính quyền của xã.
Đổi mới diện mạo vùng biên
Kiến tạo nên bộ mặt mới này của các ấp người Khmer ở xã Tân Đông cần phải ghi nhận sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể.
Hầu hết đồng bào Khmer trong xã biên giới Tân Đông (huyện Tân Châu) tích cực lao động, nỗ lực vươn lên, góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới. |
Nhất là việc triển khai, thực hiện một số chương trình hỗ trợ, xây dựng nông thôn mới cho các xã biên giới, xã có đông đồng bào dân tộc như Tân Đông. Trong đó, không thể phủ nhận vai trò nêu gương, đi đầu của các đảng viên, già làng là người Khmer.
Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống dưới 1%. Hầu hết đồng bào Khmer trong xã tích cực lao động nỗ lực vươn lên. Chính nhờ vậy mà cuối năm 2020 xã Tân Đông đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Về lĩnh vực văn hoá, Tân Đông nổi bật nhất là các lễ hội tôn giáo và lễ hội dân gian của bà con dân tộc Khmer, mà trung tâm chính là ngôi chùa ở Kà Ốt.
Hàng năm, ngôi chùa là nơi diễn ra nhiều lễ hội văn hóa đậm màu sắc của bà con Khmer như: lễ tắm Phật, lễ Chol Chnam Thmay, Ok Om Bok, lễ dâng y Kathina, Sene Donta, lễ cầu siêu… rất đông vui, hoành tráng. Có thể nói làng Kà Ốt ở xã Tân Đông là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa Khmer đậm đặc nhất trong các làng Khmer Tây Ninh hiện nay.
Còn ở xã Tân Hà là xã vùng sâu, vùng xa, biên giới thuộc huyện Tân Châu, với 1.886 hộ dân sinh sống, trong đó có không ít hộ dân là đồng bào người Khmer. Đến nay, xã chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,05%; 30 hộ cận nghèo, chiếm 1,5% và 65 hộ có mức sống trung bình, chiếm 3,44%.
Một thống kê cho thấy, toàn xã có trên 95% dân số có mức sống khá, giàu. Là xã biên giới đầu tiên của huyện Tân Châu đạt chuẩn nông thôn mới, Tân Hà là một trong những điểm sáng của huyện và của tỉnh Tây Ninh về phát triển kinh tế, và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Có thể nói, từ sức bật của các xã vùng biên, nhất là trong việc chăm lo phát triển sinh kế cho lao động nông thôn và đồng bào thiểu số, việc xây dựng nông thôn mới đang trở thành một phong trào rộng khắp ở các huyện Tân Châu hay Châu Thành. Qua đó giúp diện mạo nông thôn ở vùng biên ngày càng đổi mới, đời sống của bà con dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên.
Thanh Loan
Bài cuối: Mở hướng đi mới, cùng nhau làm giàu