Phú Vinh là một trong những xã miền núi của huyện Định Quán với 72% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là người Hoa. Những năm gần đây, diện mạo nông thôn của xã thay đổi từng ngày, từ cơ sở hạ tầng đến chất lượng cuộc sống người dân.
Trù phú miền quê Phú Vinh
Đáng chú ý, chính quyền xã Phú Vinh thường xuyên khuyến khích và tạo điều kiện về mọi mặt để đồng bào dân tộc Hoa an tâm đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, khuyến khích vận động bà con tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Với sự góp sức của đồng bào dân tộc Hoa đã giúp xã Phú Vinh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. |
Theo lãnh đạo UBND xã Phú Vinh, một số trưởng ấp trong xã là người dân tộc Hoa luôn gương mẫu trong các hoạt động kinh tế xã hội, từ đó vận động người Hoa làm theo…, nhờ vậy Phú Vinh đã đạt được chuẩn nông thôn mới nâng cao cách đây 2 năm.
Thời gian qua, nhiều nông dân (trong đó có đồng bào dân tộc Hoa) ở Phú Vinh đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh đối với một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Xoài xanh Đài Loan trên 110ha, cây trái có múi trên 127ha (bưởi, quýt, cam), cà phê trên 166ha, cây điều trên 1.071ha.
Bên cạnh đó, trong xã còn có HTX nông nghiệp Phú Vinh đang hoạt động khá ổn định, giúp nâng cao đời sống cho các lao động ở địa phương. Nhiều diện tích các loại cây trồng cằn cỗi, vườn tạp trong xã đã được bà con người Hoa thay thế dần bằng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như mô hình nuôi gà trống thiến dưới tán cây bưởi, tán cây tiêu; mô hình chuyển đổi cây trồng từ cây điều, tiêu, cà phê năng suất thấp sang cây bưởi, mít; phát triển nhà nuôi chim yến…
Từ những yếu tố này mà số hộ nghèo ở Phú Vinh đã được xóa hết vào cuối năm vừa qua. Đời sống người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khoảng 65 triệu đồng/năm…
Không những vậy, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân ở Phú Vinh trên 1ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản (theo giá thực tế) đạt trên 150 triệu đồng; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đạt trên 80%.
Ngoài Phú Vinh, ở huyện miền núi Định Quán còn có một số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao như Phú Túc, Phú Cường, với sự đóng góp quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Chuyên canh cây trồng, cùng làm hợp tác
Như ở xã Phú Túc - nơi có hơn 1.370 đồng bào dân tộc Mường đang sinh sống đã nỗ lực phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương.
Trong xã có ấp Bình Hoà tập trung 4 dân tộc gồm người Kinh, Hoa, Mường, Chơro. Cuộc sống trước đây của bà con dân tộc thiểu số trong ấp có những khó khăn nhất định, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao và đời sống văn hoá mới.
Định hình các vùng chuyên canh cây trồng và phát triển kinh tế hợp tác giúp bà con dân tộc thiểu số góp phần vào tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Định Quán. |
Tuy nhiên, nhờ vào quyết tâm của chính quyền địa phương và sự chuyển biến tích cực của đồng bào dân tộc thiểu số, Bình Hòa là một trong những ấp đầu tiên của xã Phú Túc đã đạt được danh hiệu ấp văn hóa và nhiều năm liền giữ vững danh hiệu này.
Để sớm thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu, chính quyền xã Phú Túc đã vận động bà con dân tộc thiểu số người Mường, Hoa, Chơro áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.
Trước đây, hầu hết diện tích đất trồng các loại cây ở ấp Bình Hoà cho năng suất thấp. Chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân trồng những giống điều, xoài, tiêu… cho năng suất cao. Ngoài ra, một số hộ người Hoa, Mường còn mở các trang trại chăn nuôi heo, gà theo hướng tập trung...
Từ khi chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đời sống bà con dân tộc thiểu số ở ấp Bình Hoà ngày càng được nâng cao rõ rệt. Đến nay, số hộ khá, giàu chiếm hơn 90% trong toàn ấp.
Nhờ vậy, ấp Bình Hòa góp phần giúp cho xã Phú Túc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao từ cách đây 3 năm và đang phấn đấu về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022.
Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Định Quán chủ yếu làm nông nghiệp nên huyện rất quan tâm đến các chính sách nông nghiệp cho bà con, nhất là định hình các vùng chuyên canh cây trồng và phát triển kinh tế hợp tác. Đó cũng là cách để bà con dân tộc thiểu số góp phần vào việc phát triển nông thôn mới ở các xã trong huyện.
Bước đầu, huyện đã hoàn thành được vùng chuyên canh cây trồng chủ lực là quýt ở các xã: Thanh Sơn, Phú Tân, La Ngà; vùng trồng xoài ở các xã: Phú Ngọc, Ngọc Định; vùng trồng điều ở các xã: Túc Trưng, Phú Cường, Phú Vinh; vùng trồng mía ở các xã: Phú Ngọc, Gia Canh và trồng cây cao su ở Túc Trưng, Phú Túc…
Ở Định Quán, việc phát triển kinh tế hợp tác với sự tham gia của bà con dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và ổn định đầu ra cho nông sản tại địa phương. Một số HTX hoạt động hiệu quả điển hình như: HTX Phú Lâm, HTX chế biến xoài xuất khẩu La Ngà, HTX thương mại dịch vụ Phú Lợi…
Thanh Loan