Tân Châu là huyện biên giới của tỉnh Tây Ninh, hiện có 11 dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 5,76% dân số toàn huyện, trong đó có 2 dân tộc thiểu số đông dân nhất là Khmer và Chăm.
Tạo “cần câu” cho bà con Khmer
Thời gian qua, để từng bước giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo, huyện đã có nhiều cách làm, chương trình hỗ trợ các mô giảm nghèo khá hiệu quả. Nhất là việc hỗ trợ phát triển sinh kế nhằm tạo ra “cần câu” để bà con tự lực vươn lên.
Hiệu quả của các mô hình chăn nuôi bò giúp bà con thiểu số ở huyện Tân Châu thoát nghèo. |
Như ở tận miền biên giới xa xôi thuộc ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, anh Thạch Thành Lợi, 36 tuổi, người dân tộc Khmer đã vươn lên thoát nghèo nhờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Những năm trước đây, gia đình anh Lợi thuộc diện hộ nghèo. Vợ chồng anh không có ruộng vườn, nghề nghiệp ổn định, nên chỉ biết “nai lưng” ra làm thuê, làm mướn cho bà con trong xóm, kiếm tiền nuôi hai đứa con.
Sau đó, anh được chính quyền xã Tân Đông giúp đỡ bằng cách cho vay không lãi suất 30 triệu đồng để mua 3 con bò cái đem về nhà nuôi. Sau một thời gian chăm sóc, những con bò của anh đã lớn và lần lượt sinh được 4 con bê con.
Anh tiếp tục nuôi lớn và bán hết cả đàn. Số tiền thu được từ đàn bò, anh dùng trả vốn vay và thuê 4 ha đất trồng mì. Vụ mì vừa qua trúng mùa, được giá nên anh kiếm được một số tiền kha khá.
Ba năm trước, huyện Tân Châu được tỉnh Tây Ninh và Trung ương hỗ trợ dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản giai đoạn 2018-2020”, thực hiện ở 3 ấp đồng bào dân tộc Khmer của xã Tân Đông (Tầm Phô, Kà Ốt và Suối Dầm).
Theo đó, tổng số hộ được hỗ trợ là 30 hộ, thời gian thực hiện 24 tháng, tổng số vốn thực hiện 900 triệu đồng. Nhờ vào mô hình này đã giúp cho bà con Khmer ở xã Tân Đông có được “cần câu” với nghề chăn nuôi bò sinh sản, từ đó cải thiện đời sống, hoàn trả đủ vốn vay, vươn lên thoát nghèo.
Ở ấp Suối Dầm của xã Tân Đông có hơn 120 hộ là người dân tộc Khmer trước đây hầu hết là hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều năm trước, các hộ này đã được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để trồng cao su.
Nhờ vào việc phát triển cây cao su đã giúp tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở ấp Suối Dầm được đánh giá hiện không cao so với nhiều địa phương khác ở vùng sâu biên giới, đồng thời số hộ khá giàu sẽ tăng lên khi vườn cao su của họ được khai thác hiệu quả, mang lại nguồn thu đáng kể.
Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
Còn ở xã Tân Hội thuộc huyện Tân Châu có gia đình bà Hoàng Thị Cường, dân tộc Tày, trước đây có hoàn cảnh khá khó khăn. 3 năm trước, gia đình bà được hỗ trợ vay 15 triệu đồng để đầu tư nuôi bò vỗ béo.
Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở Tân Châu thoát nghèo nhờ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi. |
Nhận được tiền vay, gia đình bà Cường làm chuồng và mua 2 con bò, sau 4 tháng nuôi gia đình bán được trên 20 triệu đồng. Sau khi trả vốn vay ngân hàng, gia đình lãi 5 triệu đồng. Đến năm 2019, gia đình bà được ngân hàng chính sách xã hội giải quyết cho vay thêm 50 triệu, mua 3 con bò, trong đó có một con bò cái sinh sản.
Tiền lãi từ việc nuôi bò, gia đình bà đã sửa chữa nhà ở, xây hàng rào… đến nay gia đình vẫn còn được 4 con bò, trong đó có một bò cái sinh sản và 2 con bò nuôi vỗ béo để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình.
Với quyết tâm kéo giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Tân Châu đã nhân rộng dự án hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo ấp Chăm, xã Suối Dây và xã Tân Thành.
Theo đó, mỗi địa phương trên có 5 hộ đồng bào Chăm tham gia với số vốn 200 triệu đồng (mỗi hộ được vay 20 triệu đồng không tính lãi). Đến nay, trâu, bò phát triển tốt, các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Với những cách làm linh động, sáng tạo, các mô hình, dự án của Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Tân Châu đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Kết quả bước đầu từ những nỗ lực đó, đã góp phần cùng với hệ thống chính trị địa phương kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào thiểu số, giúp địa phương giữ vững tiêu chí giảm nghèo bền vững.
Nhờ phát triển sinh kế nên đời sống vật chất tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số ở Tân Châu được cải thiện, đến nay tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm chỉ còn 136 hộ, chiếm 12,48% trên tổng số hộ nghèo toàn huyện.
Để đồng bào thiểu số có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, hằng năm, chính quyền huyện Tân Châu và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai cho đồng bào được vay các nguồn vốn với lãi suất thấp.
Đến nay, đa số các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đều được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Nhờ đó đã góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, tiến tới thoát nghèo.
Thanh Loan
Bài 2: Sức bật từ xây dựng nông thôn mới