Trong cộng đồng người Hoa ở huyện Định Quán có anh Trần Bắc Xính (ấp 5, xã Phú Lợi) là nông dân giỏi nhiều năm liền với các loại cây trồng luôn cho thu hoạch năng suất cao như cây điều (2,8 tấn/ha), cà phê (2,5 tấn/ha), mít Thái (30 tấn/ha).
Sức lan tỏa từ những nông dân điển hình
Ngoài ra, gia đình anh Xính còn kinh doanh thêm các loại cây giống, cung cấp cây giống có chất lượng cao cho bà con quanh vùng. Từ các khoản thu nhập này, mỗi năm gia đình anh Xính có tổng thu nhập gần 650 triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả cao giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Định Quán vươn lên làm giàu. |
Trong các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội Nông dân huyện Định Quán phát động, anh Xính luôn là người đi đầu thực hiện. Đồng thời, anh còn tham gia giúp đỡ cho đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn, chỉ dẫn cho họ canh tác cây trồng đạt năng suất cao.
Hoặc như ông Chiếng Lỷ Cỏng, dân tộc Hoa ở ấp 4, xã Phú Hòa cũng đã vươn lên trở thành một trong những cá nhân sản xuất giỏi tiêu biểu của địa phương, nhờ các chương trình, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều năm trước, được hỗ trợ 10 triệu đồng vay vốn ban đầu và hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, đến nay ngoài vườn tiêu và điều, gia đình ông Cỏng còn có đàn dê với hơn 50 con, mỗi năm cho thu nhập trung bình gần 100 triệu đồng.
Hiện nay, với 3ha đất trồng cà phê, tiêu và chăn nuôi dê, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông Cỏng đạt trên 300 triệu đồng.
Hay như ông Vòng Cá Vĩnh, dân tộc Hoa ở ấp Suối Soong 1, xã Phú Vinh là một nông dân tạo được sự đột phá trong phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình nuôi gà trống thiến dưới tán cây bưởi.
Ông Vĩnh cho biết, khoảng 5 năm trước, gia đình ông được chính quyền địa phương hỗ trợ giống bưởi để chuyển đổi 2ha cây điều năng suất thấp.
Để tăng thu nhập, ông Vĩnh đã nuôi gà trống thiến trong vườn bưởi. Nhận thấy nuôi gà cho thu nhập khá, ông đã mạnh dạn đầu tư thêm gà giống, đến nay mỗi năm, gia đình ông xuất khoảng 7.000 con gà.
Với đặc điểm là huyện miền núi, tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển nông nghiệp vẫn là trọng tâm, nên thời gian qua, huyện Định Quán đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi phù hợp.
Đầu tư chế biến để nâng giá trị nông sản
Nhờ đó, năng suất và sản lượng các loại cây trồng, nhất là cây trồng chủ lực của huyện được nâng lên rõ rệt, giúp cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên làm giàu và ngày càng có thêm những nông dân sản xuất giỏi.
Phát triển chế biến nông sản ở Định Quán giúp bao tiêu sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số trong chuỗi với giá cao hơn thị trường. |
Điển hình như nông dân Vương Quang Hồng, dân tộc Hoa ở xã Phú Tân từ hộ nghèo vươn lên trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đạt mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Trước đây, anh Hồng trồng nhiều loại cây khác nhau như cà phê, tiêu… nhưng lợi nhuận kinh tế không ổn định, sau đó anh tự học hỏi và mạnh dạn chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Do thu nhập khá cao từ bưởi da xanh nên anh liên tục mở rộng quy mô diện tích canh tác, từ 1,7ha ban đầu lên 6ha.
Cùng với những tấm gương nông dân sản xuất giỏi, ở huyện Định Quán còn có những điển hình làm kinh tế giỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc phát triển doanh nghiệp sản xuất nông sản chế biến.
Trong đó phải kể đến ông Liu Tác Sáng, dân tộc Hoa ở xã Phú Túc, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hương chuyên sản xuất kinh doanh nông sản sấy khô.
Ông Sáng cho biết, để nâng cao giá trị kinh tế cho bà con trong vùng, Công ty Thuận Hương đã tổ chức liên kết với nông dân, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm nông sản của địa phương, đồng thời bao tiêu sản phẩm của bà con trong chuỗi với giá cao hơn thị trường.
Hơn 10 năm nay, thương hiệu và sản phẩm trái cây sấy khô của Công ty Thuận Hương đã được thị trường và khách hàng trong, ngoài tỉnh khá ưa thích, thu hút ngày càng nhiều lượng đơn đặt hàng.
Nhà xưởng của Công ty đã mở rộng diện tích lên trên 2.000 m2, trung bình mỗi năm tiêu thụ trên 1.000 tấn nông sản các loại. Đây cũng là đơn vị đầu tiên ở huyện Định Quán liên kết với bà con nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm.
“Công ty sẽ tiếp tục đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng thị trường hơn nữa để ngày càng phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương cũng như giúp đỡ được nhiều bà con dân tộc thiểu số”, ông Liu Tác Sáng cho hay.
Thanh Loan
Bài cuối: Chuyển mình cùng nông thôn mới nâng cao