Anh Danh Đến, một nông dân Khmer ở ấp 8, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) hiện có 7.000m2 ruộng lúa, thả nuôi trên 10.000 con ba ba/vụ. Nhờ được các hộ đi trước hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật nuôi ba ba, nên anh đã thắng lớn ngay từ vụ đầu tiên.
Liên kết hợp tác đầu vào đầu ra
Hiện tại, trong ao và ruộng nhà anh Đến có trên 10.000 con ba ba thịt. Với giá thành nuôi từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, anh thu lãi trên 300 triệu đồng sau 14 tháng nuôi.
Hoặc như anh Danh Luân, từ một hộ nghèo trong xã, nhờ được chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi ba ba thương phẩm mà gia đình anh đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, trở thành điển hình nông dân Khmer sản xuất giỏi.
Ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) có 33 hộ nuôi ba ba thương phẩm, chủ yếu là người dân Khmer, với quy mô nuôi 1.000 - 10.000 con/hộ. |
Anh Luân cho biết ba ba rất dễ nuôi, nhưng cũng rất khó nuôi, quan trọng nhất là nguồn nước phải sạch sẽ. Nuôi ba ba không cần đầu tư nhiều vốn, mỗi ngày chỉ cần bắt ốc ngoài đồng về cho ăn là được. Nghề nuôi ba ba ở đây không phải là mới, nhưng phải nuôi như thế nào để không bị hao hụt và đạt năng suất cao thì lại là một vấn đề
Từ vài hộ nuôi đơn lẻ thì hiện nay ở xã Vị Thủy có 33 hộ nuôi ba ba thương phẩm, chủ yếu là người dân Khmer, với quy mô nuôi 1.000 - 10.000 con/hộ.
Ngoài nuôi ao truyền thống, nhiều hộ Khmer còn kết hợp giữa nuôi ao và nuôi ruộng. Trong xã có Tổ hợp tác nuôi ba ba thương phẩm tham gia “liên kết hợp tác từ đầu vào cho đến đầu ra” giúp mang lại thu nhập tốt cho các hộ nuôi.
Khoảng 3 năm trở lại đây, ba ba có giá tương đối ổn định. Đặc biệt tại xã Vị Thuỷ có 1 trang trại nuôi ba ba cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra nên thu nhập của người dân Khmer từng bước nâng lên.
Còn ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) có anh Danh Hồng Xuân được nhiều người biết đến là một nông dân Khmer năng động, phát triển kinh tế hộ gia đình với mô hình nuôi ba ba mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau khi tìm hiểu nhiều mô hình chăn nuôi từ cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông thành phố Vị Thanh thì cách đây 3 năm anh quyết định thực hiện mô hình nuôi ba ba.
Đầu tiên, anh Xuân sử dụng quỹ đất vườn nhà để xây chuồng, mua con giống với số lượng khởi điểm 500 con với diện tích 500m2. Giống ba ba được anh lựa chọn nuôi là giống ba ba hoa hay còn gọi là ba ba trơn.
"Loại ba ba này có chất lượng thịt thơm ngon và dự kiến sẽ thích hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Trong quá trình nuôi, giống ba ba sinh trưởng và phát triển rất tốt", anh Xuân nói.
Nghề nuôi cho lợi nhuận cao
Nguồn thức ăn được anh Xuân tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp mà gia đình “tự cung, tự cấp” như: rau, củ, các loại cá, ốc nhỏ mà gia đình đánh bắt được. Thời gian nuôi cho đến khi xuất bán nhanh.
Đối với nuôi ba ba làm con giống, theo anh Xuân thì sau 7 tháng là có thể bán được trọng lượng trung bình 800gr – 1kg/con. Một con ba ba giống có thể sinh sản từ 50 đến 60 trứng/năm.
Nghề nuôi ba ba đang mang lại thu nhập ổn định cho bà con Khmer ở Hậu Giang. |
Lúc đầu do điều kiện kinh tế khó khăn vì gia đình thuộc hộ khó khăn trong xã, thiếu vốn đầu tư, nên anh Xuân cho biết chỉ mua 500 con ba ba để nuôi. Qua quá trình nuôi thấy phát triển tốt, có lợi nhuận nên anh đầu tư mua thêm con giống. Từ đó đến nay, tổng đàn cứ thế tăng lên theo hàng năm với khoảng hơn 1.200 con, sinh trưởng và phát triển tốt
Với hiệu quả đạt được, mô hình nuôi ba ba của anh Xuân đang được nhân rộng và phát triển trên địa bàn xã Hoả Lựu. Ngoài cung cấp ba ba thịt, ba ba giống, anh cho biết luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc nuôi ba ba đối với tất cả mọi người khi có nhu cầu, nhất là đối với các thanh niên trong xã có mục đích khởi nghiệp.
Theo ghi nhận thời gian qua do giá ba ba luôn ở mức cao, đem lại lợi nhuận ổn định cho người nuôi nên nhiều hộ nông dân Khmer ở Hậu Giang đã chuyển sang nuôi ba ba thương phẩm. Nhờ không ngại khó đi học hỏi mô hình ở nhiều nơi đã giúp việc nuôi ba ba của họ đạt hiệu quả cao, thu nhập tăng lên rõ rệt.
Với thời gian nuôi từ 12 tháng là có thể xuất bán, lại ít rủi ro, ít dịch bệnh và có lãi khá nên nhiều hộ nông dân Khmer ở Hậu Giang đã tận dụng ao vườn sẵn có, cải tạo thành hầm nuôi ba ba để phát triển kinh tế hộ.
Theo định hướng ở tỉnh Hậu Giang, tới đây sẽ thành lập các tổ hợp tác nuôi ba ba nhằm tạo sự liên kết và khép kín từ khâu nuôi đến khi xuất bán để tăng thu nhập cho nông hộ.
Đồng thời, tỉnh Hậu Giang cũng đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh nhằm hạn chế rủi ro. Đối tượng mà ngành hướng đến là các hộ nghèo để hướng dẫn họ tận dụng diện tích ao vườn sẵn có cải tạo thành hầm nuôi ba ba để phát triển kinh tế hộ.
Thanh Loan