Anh Cao Văn Lếp, người dân tộc Raglai ở thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam (huyện Khánh Sơn) cho biết, trước đây, gia đình anh có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình đã trồng 200 cây bưởi da xanh, đến nay đã cho thu nhập ổn định và thoát nghèo.
Thoát nghèo nhờ chuyển sang trồng bưởi, sầu riêng
Cũng như anh Lếp, nhiều hộ đồng bào Raglai ở xã Khánh Nam nói riêng và huyện Khánh Sơn nói chung cũng được sự hỗ trợ để chuyển đổi cây trồng sang trồng bưởi giúp mang lại giá trị kinh tế cao.
Chuyển đổi sang trồng bưởi, nhiều bà con Raglai ở huyện Khánh Sơn đã thoát nghèo. |
Tính đến nay, trên toàn huyện đã có 330 ha bưởi da xanh với sản lượng 220 tấn. Bưởi da xanh ở Khánh Sơn có chất lượng đặc biệt ngọt, ruột đỏ, da xanh, bóng và vỏ mỏng. Cây trồng từ 5 năm trở lên cho năng suất bình quân khoảng 7 tấn/ha.
Còn ở thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn), anh Bo Bo Khá, người dân tộc Raglai, cho biết trước đây có cuộc sống rất khó khăn, cả nhà đi làm thuê mà không đủ gạo ăn. Sau đó, nhờ làm thuê cho những nhà vườn trồng sầu riêng, anh để ý cách thức chăm sóc cây rồi được Nhà nước hỗ trợ vay vốn trồng thử 40 cây sầu riêng.
Chịu khó chăm sóc, vườn sầu riêng của anh Khá phát triển rất tốt. Anh trả được nợ vay và đầu tư mở rộng diện tích. Đến nay, anh Khá có hơn 1,5 ha đất trồng sầu riêng.
Chỉ tính riêng vụ năm ngoái, anh Khá thu hoạch hơn 20 tấn sầu riêng, trừ chi phí, lãi hơn 800 triệu đồng. Anh cho biết, không mở rộng thêm diện tích sầu riêng nữa mà đang cùng bà con liên kết thực hiện bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm.
Thời gian gần đây, bà con đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn đã có sự thay đổi trong trồng trọt, thay vì trước đây vẫn lên nương “phát, đốt, chọc, tỉa” thì nay đã biết “làm cái khoa học”, tham gia giữ gìn thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Như ông Bo Bo Ngọc Huyễn là một điển hình. Từ một hộ đồng bào dân tộc Raglai ở thị trấn Tô Hạp, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống khấm khá hơn nhờ trồng sầu riêng.
Ông Huyễn cho biết, trên diện tích chừng 1ha đất, trước đây ông trồng đủ loại cây nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. Từ khi cây sầu riêng bén duyên với mảnh đất Khánh Sơn, ông đã mạnh dạn trồng mấy chục cây, trung bình mỗi vụ thu được 4 - 5 tấn quả, mỗi năm thu nhập hơn 230 triệu đồng.
Ông dự tính sẽ tiếp tục trồng thêm 100 cây sầu riêng nữa. Nhờ trồng sầu riêng mà gia đình ông đã xây được nhà, sắm được xe máy, tivi, tủ lạnh để cuộc sống tiện nghi hơn.
Hiện nay, dân số toàn huyện Khánh Sơn có khoảng trên 31 ngàn, trong đó đồng bào dân tộc Raglai chiếm trên 65-70% dân số. Cách đây 5 năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện khá cao, gần 3,6 ngàn hộ. Đến năm 2020 số hộ nghèo trên địa bàn huyện Khánh Sơn giảm còn 1.746 hộ.
Nức tiếng vùng đất trái cây ngon
Người dân trên địa bàn huyện Khánh Sơn nói chung chủ yếu làm nông nghiệp. Trước kia đồng bào Raglai với thói quen canh tác trồng những cây ngắn ngày như: Cây lúa, ngô, sắn… nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Đến nay toàn huyện Khánh Sơn có hơn 1.500 ha sầu riêng, sản lượng hàng năm khoảng 4.000 tấn. |
Tuy nhiên, những năm trở lại đây với nhiều chương trình chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng sự linh động của các cấp chính quyền sở tại nhằm tận dụng thế mạnh trồng cây ăn quả. Nhất là cây sầu riêng, cây bưởi da xanh... thời gian gần đây đã mở ra một hướng đi mới cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở huyện Khánh Sơn. Đến nay toàn huyện có hơn 1.500 ha sầu riêng, sản lượng hàng năm khoảng 4.000 tấn.
Hiện nay huyện Khánh Sơn đã xây dựng và triển khai đề án đất chuyên canh cây sầu riêng, hỗ trợ đồng bào thiểu số về giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc từ khâu đào hố, chuẩn bị đất, bón phân, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh.
Khánh Sơn cũng đang từng bước vươn mình trở thành vùng đất của các loại trái cây ngon, vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay, trung bình 1ha đất sản xuất mỗi năm mang lại thu nhập đến 80 triệu đồng cho người dân tộc Raglai.
Có những mô hình canh tác đạt hiệu quả kinh tế cao, lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi ha. Có thể nói, cây ăn quả đã tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Khánh Sơn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi trên địa bàn, nhất là với đồng bào dân tộc Raglai.
Khánh Sơn cũng đã trở thành vùng cây ăn quả lớn nhất Nam Trung Bộ, với tổng diện tích lên đến hơn 2.700ha. Ngoài diện tích lớn trồng sầu riêng, bưởi da xanh, huyện còn có gần 70ha chôm chôm và hơn 450ha các loại cây ăn quả khác như: Măng cụt, mít nghệ, cam, quýt đường, bơ booth…
Các loại trái cây của Khánh Sơn ngon nức tiếng, đặc biệt sầu riêng Khánh Sơn đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Mục tiêu đến năm 2025 của huyện sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao lên 3.493ha (tăng 789ha so với hiện nay).
Trong đó, sẽ có 2.030ha sầu riêng, 485ha bưởi da xanh, 123ha chôm chôm, 55ha măng cụt, 100ha các loại cây ăn quả khác như: Mít, quýt đường, bơ, vú sữa…. Riêng cây mía tím sẽ duy trì diện tích 240ha. Các loại cây trồng ăn quả trên địa bàn huyện sẽ phát triển theo hướng sản xuất sạch, chất lượng cao.
Thanh Loan
Bài 2: Khánh Vĩnh phát triển chăn nuôi tập trung