Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi hàng chục con bò sinh sản, anh Cao Nhâm, sinh năm 1985, là người dân tộc Raglai trú tại xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh) hiện đang có thu nhập khá tốt.
Từng bước thay đổi tư duy chăn nuôi
Ước tính, riêng tiền bán bò giống mỗi năm anh thu về hàng chục triệu đồng. Nói về những khó khăn khi nuôi bò, anh Nhâm cho biết, bản thân anh thích làm một nông dân đa năng nên quyết nuôi bằng được bò. Thời gian đầu, anh chăm chỉ vào internet để xem cách chăn nuôi khoa học của những người thành công trước đó.
Huyện Khánh Vĩnh đang nâng cao nhận thức cho đồng bào Raglai về phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung. |
Khi bắt tay vào làm, do chưa quen việc nên làm đâu hỏng đó, nhưng anh vẫn không từ bỏ. Giờ đây, so với các hộ dân khác, những con bò của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt hơn rất nhiều vì được nuôi trong chuồng có mái che và phên vách che chắn.
Ngoài ra, anh Nhâm còn dành gần 1ha đất để chuyên trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn nâng cao dinh dưỡng cho đàn bò trước và sau khi sinh.
Hiện nay, cùng với anh Nhâm, hoạt động chăn nuôi trong cộng đồng người Raglai ở xã Khánh Thành nói riêng và huyện Khánh Vĩnh nói chung đang được định hướng phát triển theo hướng tập trung nhằm tạo sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trước đây phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh còn nhiều hạn chế, như: Quy mô nhỏ, tự phát, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao. Còn những năm gần đây, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã tích cực tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân Raglai về phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, hàng hóa để từng bước thay đổi tư duy chăn nuôi.
Trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh hiện có 15 trang trại chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, nhiều gia trại cũng được hình thành đặc biệt việc chăn nuôi bò với quy mô trên 30 con/cơ sở.
Trong 5 năm trở lại đây, đàn gia súc của huyện đã tăng từ 25.000 con lên hơn 30.500 con, tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã như: Khánh Nam, Khánh Trung, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Thành.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Hội Nông dân xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh) đã ra mắt tổ hội nghề nghiệp “Chăn nuôi bò” nhằm giúp cho người dân và bà con người Raglai đang chăn nuôi bò trên địa bàn xã có điều kiện sinh hoạt chung với nhau, cùng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm.
Thông qua tổ hội này giúp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sinh sản và vỗ béo bò từ đó cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế của hội viên. Qua đó, xây dựng tổ hội ngày càng vững mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Phát huy thế mạnh vùng đồi núi
Xã Khánh Hiệp được định hướng là khu vực chăn nuôi bò tập trung và vùng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi bò, nhằm tạo việc làm cũng như sinh kế mới cho người dân trong xã, nhất là đồng bào Raglai.
Huyện Khánh Vĩnh phát huy thế mạnh các xã có nhiều diện tích đồi núi (nơi tập trung đông đảo đồng bào Raglai) để tạo nguồn thức ăn thô xanh chủ động cho đàn gia súc. |
Trên địa bàn xã, hiện có trang trại nuôi bò sinh sản, bò thịt công nghệ cao Thông Thuận do CTCP Nông nghiệp sạch Khánh Hòa đầu tư xây dựng từ năm 2018 ở thôn Hòn Lay, diện tích rộng hơn 162ha (trong đó hơn 157ha đã được trồng cỏ voi và bắp dùng làm thức ăn cho bò).
Mô hình hoạt động của trang trại là dùng bò sinh sản cho ra đời những con bò giống. Bò cái được giữ lại để phát triển thành bò mẹ, còn những con bò đực được nuôi theo chuỗi bò thịt.
Trang trại tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động, hầu hết là đồng bào thiểu số Raglai tại địa phương với thu nhập bình quân mỗi tháng 5 - 6 triệu đồng/người.
Lãnh đạo của phía doanh nghiệp cho biết mục tiêu chính là tạo việc làm cho đồng bào thiểu số Raglai và nâng cao mức sống cho lao động địa phương thông qua hoạt động chăn nuôi tập trung.
Hơn nữa, việc phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại sẽ giúp chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở xã Khánh Hiệp nói riêng và huyện Khánh Vĩnh nói chung.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, từ năm 2017 đến nay, toàn huyện Khánh Vĩnh đã có sự dịch chuyển lớn từ hình thức chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hình thức bán công nghiệp, công nghiệp. Địa phương cũng xác định vật nuôi chủ lực là bò, lợn và gia cầm.
Huyện Khánh Vĩnh cũng sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, chú trọng cải tạo con giống, tăng tỷ trọng đàn bò lai nhằm tăng hiệu quả kinh tế, tạo bước đột phá về chất lượng.
Bên cạnh đó, huyện còn phát huy thế mạnh các xã có nhiều diện tích đồi núi, nơi tập trung đông đảo đồng bào Raglai, để tổ chức trồng cỏ ở những nơi có điều kiện nước tưới, tạo nguồn thức ăn thô xanh chủ động cho đàn gia súc. Ngoài ra, huyện Khánh Vĩnh khuyến khích bà con tận dụng vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng để phát triển đa dạng các vật nuôi: Dê, nhím, ong mật..
Thanh Loan
Bài 3: Vươn lên cùng kinh tế tập thể ở Sơn Bình