Ở ấp 9, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) có ông Thạch Xa Kha là nông dân có kinh tế gia đình khá giả nhất trong số 64 hộ Khmer tại ấp này. Với 3 vụ lúa vào mỗi năm, gia đình ông thu về lợi nhuận gần trăm triệu đồng. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi heo để tăng thêm thu nhập.
San sẻ “bí quyết” làm nông
Là người có uy tín trong ấp, ông Xa Kha thường xuyên đến thăm hỏi cuộc sống, chuyện làm ăn của các hộ gia đình Khmer ở địa phương, ai có khó khăn gì thì ông sẵn lòng giúp đỡ, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm canh tác lúa và chăn nuôi để họ biết cách phát triển kinh tế gia đình.
Giúp nhau làm kinh tế đã và đang giúp cho bà con Khmer ở Hậu Giang vượt khó vươn lên thoát nghèo. |
Ông Xa Kha còn được biết đến với vai trò Tổ trưởng Tổ hợp tác bơm nước trong đồng bào dân tộc Khmer của ấp. Tổ này được thành lập cách đây 3 năm với 10 thành viên, trong đó có 8 thành viên thuộc diện hộ nghèo.
Biết ông rất bận rộn với việc làm ăn của gia đình, nhưng mọi người vẫn chọn ông làm “chỉ huy” vì họ nghĩ sự nhạy bén trong chuyện làm ăn của ông sẽ giúp cho tổ này hoạt động hiệu quả. Và dưới sự dẫn dắt của ông Xa Kha, Tổ hợp tác bơm nước đã mang về lợi nhuận gần chục triệu đồng cho các thành viên/năm.
Còn ở ấp Long An A, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có ông Thạch Sơn, dân tộc Khmer, không chỉ làm giàu trên mảnh đất của mình, mà còn giúp nhiều hộ Khmer ở địa phương vươn lên khấm khá.
Cách đây khoảng 5 năm, ông nuôi thử nghiệm cá tai tượng và cá sặc rằn trên diện tích khoảng 200m2 mặt nước. Từ đó, ông dần mở rộng diện tích, đến nay được 6 ao, với khoảng 5.000m2 mặt nước, mang lại nguồn thu khá lớn cho gia đình.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn giúp khoảng 10 hộ dân lân cận trong việc nuôi cá và thoát nghèo, khấm khá. Qua nhiều năm nuôi cá, theo kinh nghiệm của ông Sơn, nuôi cá ít tốn công chăm sóc, đặc biệt phù hợp với tuổi xế chiều như ông. Để có cá giống, ông tự nuôi cá bố mẹ rồi ép.
Thêm nữa, nhằm đỡ tốn chi phí và gia tăng lợi nhuận, ông còn chỉ dẫn người nuôi cá tận dụng những phế, phụ phẩm của gia đình và hàng xóm như: Cơm, cháo, bún…, đồng thời trồng và mua thêm rau muống, rau lang cho cá ăn.
Hay như ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) có anh thanh niên Khmer tên là Danh Hoàng sau thời gian làm công nhân xa nhà, trở về đã xây dựng được mô hình kinh tế nông nghiệp khá hiệu quả.
Cách nay 4 năm, sau thất bại của mô hình trồng cam xoàn, anh Danh Hoàng được địa phương tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư chuồng trại và nuôi 2 con bò. Đến nay, đàn bò của gia đình anh phát triển được 8 con. Vừa rồi, anh bán 4 bò thịt, cho nguồn thu 150 triệu đồng, 4 bò còn lại anh tiếp tục nuôi sinh sản.
Nêu cao tinh thần đoàn kết
Từ hiểu biết của bản thân trong chăn nuôi, trồng trọt, anh Hoàng thường xuyên chia sẻ cho các nông dân trong ấp, xã. Anh còn chủ động cung cấp nguồn cây giống hẹ với giá thấp hơn giá thị trường và tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng cho những ai có nhu cầu.
Nhờ đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về trồng trọt đã giúp bà con Khmer ở Hậu Giang “gặt quả ngọt”. |
Giúp nhau làm kinh tế đã và đang giúp cho bà con Khmer ở Hậu Giang vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Nhất là họ đã chia sẻ lẫn nhau về các kiến thức, kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi để mang lại hiệu quả cao hơn so với trước đây.
Như tại xã Xà Phiên, nơi có nhiều đồng bào Khmer nhiều nhất của huyện Long Mỹ (Hậu Giang). 4 năm trước chính quyền xã phối hợp Ban Dân vận Huyện ủy và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Long Mỹ xây dựng mô hình Tổ đoàn kết ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer ở ấp 5. Tổ có 24 thành viên đều làm nghề nông. Mục đích chủ yếu của tổ là giúp các thành viên có mô hình hay, hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình.
Theo Tổ trưởng Lưu Hoàng Minh, các thành viên trong tổ thường chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng hiệu quả, hỗ trợ phương tiện máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp cho các hộ nghèo là người Khmer trong xã vươn lên.
Ðến nay, tổ này không còn hộ nghèo, cận nghèo; số hộ khá, giàu tăng lên đáng kể, tình cảm giữa các thành viên ngày càng gắn bó. Mô hình tổ đoàn kết của ấp 5 được nhân rộng ra nhiều ấp trong các xã ở huyện Long Mỹ giúp cho bà con Khmer nâng cao đời sống.
Hay như ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), đồng bào Khmer sống đan xen với người Kinh ở hầu hết các ấp, các xã. Khi chính quyền địa phương có chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi được các hộ dân chia sẻ kinh nghiệm của nhau thực hiện rất hiệu quả.
Đơn cử như chị Nguyễn Thị Phượng ở ấp Tân Quới Kinh, xã Tân Bình (huyện Phụng Hiệp) thời gian đã chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm bào ngư khá hiệu quả của gia đình mình với chị Thạch Kim Cương, một phụ nữ Khmer ở cùng ấp.
Còn chị Cương vốn đang thành công từ việc trồng dưa hấu nên chị lại hướng dẫn chị Phượng kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa. Nhờ chia sẻ “có qua có lại” như vậy nên việc trồng nấm và trồng dưa của cả hai đều rất tốt, giúp thu nhập của gia đình hai chị tăng lên đáng kể.
Thanh Loan
Kỳ cuối: Làm giàu không khó nhờ nuôi ba ba