Trong huyện Sông Hinh có ông Ma Tlé, dân tộc Êđê, ở buôn Gao, xã Ea Lâm, là tấm gương sáng về làm kinh tế giỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số, được chính quyền địa phương tặng bằng khen về thành tích lao động sản xuất giỏi.
Những tấm gương sáng
Hiện nay, gia đình ông Tlé đang canh tác 4 ha đất trồng sắn mì, trừ các chi phí, thu được 60- 80 triệu đồng/năm nên có điều kiện chu cấp cho 4 đứa con ăn học đến nơi, đến chốn.
Bên cạnh đó, gia đình ông còn nuôi 4 con heo nái, mỗi nái một năm sinh 2 lứa, mỗi lứa sinh từ 7-10 con, mỗi năm thu nhập từ đàn heo 40 - 60 triệu đồng.
Huyện Sông Hinh có những tấm gương sáng về làm kinh tế giỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số. |
Dành dụm được ít tiền mua bò để chăn nuôi, dần lớn lên theo hàng năm, đàn bò của ông ngày càng phát triển, hiện nay đã có 15 con, với 5 con bò cái sinh sản, bình quân thu nhập từ tiền bán bò là 60 triệu đồng/năm.
Là người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở xã Ea lâm, ông Ma Tlé luôn động viên, chỉ dẫn người thân trong gia đình, bà con trong buôn, trong xã tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, gia đình ông còn giúp các hộ khó khăn trong buôn Gao bằng nhiều hình thức như cho mượn tiền không lấy lãi để phát triển kinh tế, hướng dẫn cách làm ăn cụ thể để các hộ vươn lên thoát nghèo.
Còn ở thôn 3, xã Sông Hinh, nhiều người biết chị Ksor Hờ Thiết, người dân tộc Ba Na là một điển hình làm kinh tế giỏi. Trước đây, gia đình chị rất nghèo, hai vợ chồng bảo nhau chăm chỉ làm ăn, khai hoang đất rẫy, đất rừng, trồng bắp, trồng sắn… rồi tích góp tiền mua thêm đất trồng trọt. Đến nay, tổng diện tích đất sản xuất của gia đình chị đã có gần 10 ha.
Hai vợ chồng chị còn dành dụm mua được chiếc xe công nông để tiếp tục “đẻ” ra tiền. Hàng năm, vợ chồng chị Ksor Hờ Thiết canh tác 1 vụ lúa, 1 vụ ngô trên diện tích 2 ha ruộng bán ngập, trồng rau chăn nuôi heo, trồng cỏ voi để nuôi trâu, bò.
Qua việc sản xuất của gia đình, vợ chồng chị đã tạo công ăn việc làm cho 70 lao động thời vụ tại địa phương. Một năm trừ chi phí, gia đình Ksor Hờ Thiết thu nhập khoảng 150 triệu đồng, là số tiền lớn với bà con dân tộc thiểu số nơi đây.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, bản thân chị Ksor Hờ Thiết còn luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, cho chị em trong thôn mượn đất canh tác.
Hiện nay, những địa phương trong huyện Sông Hinh có hộ sản xuất kinh doanh giỏi đạt tỷ lệ cao và có nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác có hiệu quả như: thị trấn Hai Riêng, Sơn Giang, Ea Bar, Ea Ly, Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, thôn Chư Sai - xã Ea Trol, thôn Bình Yên - xã Sông Hinh.
Vươn lên với kinh tế hợp tác
Để giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, huyện Sông Hinh cũng đang tập trung chuyển đổi một số cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đầu tư nguồn giống, đưa máy móc, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo nên những cánh đồng lớn…
HTX Ea Bar Emi Farm ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) đang tiên phong trong việc đưa sản xuất sạch tới bà con dân tộc thiểu số trong thôn, trong xã. |
Ngoài việc giúp nhau làm kinh tế giỏi, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sông Hinh còn tham gia các mô hình kinh tế trang trại, tổ hợp tác, HTX trong sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 114 trang trại phát triển ổn định, có 5 HTX và 6 tổ hợp tác, góp phần quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội. Các mô hình này còn giúp bà con dân tộc thiểu số có công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống và làm giàu chính đáng.
Đặc biệt, thông qua các mô hình kinh tế hợp tác giúp nâng cao hiệu quả chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống mới, trồng mới các loại cây, con giống có giá trị kinh tế cho bà con.
Trong huyện hiện có HTX Ea Bar Emi Farm ở xã Ea Bar đang tiên phong trong việc đưa sản xuất sạch tới bà con dân tộc thiểu số trong thôn, trong xã.
Thời gian gần đây, HTX sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây thay vì phân hóa học như trước đây. Nhờ đó, đất ít bạc màu, cây phát triển tốt, sức khỏe người trồng cũng được bảo vệ và hơn hết là môi trường sinh thái không bị ô nhiễm.
HTX cũng đang xây dựng thương hiệu độc quyền sachi rang sấy sạch và được CTCP Sacha Inchi Việt Nam (Sachi Vina) bao tiêu xuất khẩu do đáp ứng nhu cầu khắt khe về chất lượng.
Việc HTX Ea Bar Emi Farm tiên phong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, chế biến hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho bà con dân tộc thiểu số trong huyện.
Đầu tiên là cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số có thể trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu theo quy hoạch sản xuất của địa phương. Đặc biệt, HTX Ea Bar Emi Farm hiện không chỉ có sản phẩm sachi, mà nhiều rau củ quả của bà con trong xã Ea Bar đều áp dụng quy trình sản xuất sạch nên bán được giá cao.
“Từ đây, xã Ea Bar hứa hẹn là vùng nguyên liệu trái cây sạch, trở thành thương hiệu làng nghề của địa phương theo quy hoạch vùng của huyện”, Giám đốc HTX Ea Bar Emi Farm Trần Ngọc Phú cho biết.
Thanh Loan