Anh Y Zum, người dân tộc Ê Đê, là một nông dân chăn nuôi bò ở thôn Dành B, xã Ea Bia (huyện Sông Hinh), cho biết nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện học lớp phòng trị bệnh cho đàn trâu bò mà anh đã nắm bắt được kiến thức chăm sóc, phòng trị bệnh cho vật nuôi.
Hiệu quả dạy nghề chăn nuôi
Trước đây, khi bò bị bệnh, anh Y Zum chỉ biết ra hiệu thuốc để mua thuốc, còn bây giờ, anh biết phát hiện, chữa trị các loại bệnh thường gặp ở trâu bò như tụ huyết trùng, tiêu chảy...
Nhờ biết cách chăm sóc mà đàn bò của anh ngày một phát triển béo tốt; khi xảy ra dịch bệnh, anh biết mua loại thuốc phù hợp về điều trị.
Các lớp đào tạo mô hình nuôi bò bán công nghiệp đã giúp cải thiện đời sống bà con dân tộc thiểu số ở Sông Hinh. |
Anh Y Zum còn trồng cỏ đảm bảo thức ăn đủ dinh dưỡng cho bò và cho thêm thức ăn phụ như bột mì, bột gạo. Bên cạnh các nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp như lúa, sắn, gia đình anh hiện có 5 con bò phát triển tốt, là “của để dành” để gia đình tích lũy.
Để "nâng chất" đàn bò cho bà con nông dân, Phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh hàng năm phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức từ 15 - 20 lớp đào tạo các mô hình nuôi bò bán công nghiệp, cách phòng trị bệnh, cách thức thu gom, xử lý, ủ chua rơm rạ, lá sắn, mía… để trữ thức ăn cho bò.
Bên cạnh đó, huyện triển khai nhiều lớp hướng dẫn cho bà con cách trồng cỏ chăn nuôi bò và giới thiệu nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả nhờ chủ động được nguồn cỏ trồng. Nhờ vậy mà nhiều hộ đồng bào thiểu số đã thay đổi thói quen chăn nuôi, biết trồng cỏ để nuôi bò.
Ông Oi Nhiêm, người dân tộc thiểu số ở xã Ea Bia, cho hay nhờ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn mà gia đình ông có nhiều kiến thức hơn trong chăm sóc đàn bò.
“Như việc trồng cỏ để nuôi bò. Đàn bò nhà tôi có gần 20 con, nếu chỉ phụ thuộc vào cỏ tự nhiên thì không đủ cho bò ăn. Sau khi được cán bộ nông nghiệp chỉ dẫn, vài năm nay, gia đình tôi chuyển một phần đất rẫy sang trồng cỏ để lấy thức ăn cho bò và đàn bò phát triển khá tốt nhờ chăm sóc đúng cách”, ông Oi Nhiêm nói.
Hoặc như ở xã Ea Lâm, gần đây Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sông Hinh cũng phối hợp với xã tổ chức lớp dạy nghề chăn nuôi và phòng trị bệnh cho bò cho 31 học viên là người dân tộc thiểu số.
Trong lớp dạy nghề kéo dài hơn 1 tháng này, thời gian thực hành chiếm 75%, mục tiêu nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng về chọn giống bò nuôi phù hợp, xử lý chuồng trại hợp vệ sinh; chuẩn bị thức ăn dự trữ mùa mưa; phòng và phát hiện, chữa trị các loại bệnh thông thường như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, sán lá gan…
Tiếp thu nhiều kiến thức mới
Ngoài nghề chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sông Hinh đã tổ chức 14 lớp nghề nông nghiệp ở các xã, thị trấn với sự tham gia của đông đảo của bà con dân tộc thiểu số.
Bà con dân tộc thiểu số ở huyện Sông Hinh được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca. |
Theo ông Lê Ngọc Thiện, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sông Hinh, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động học nghề cho bà con dân tộc thiểu số theo từng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới
Nhiều năm nay, huyện Sông Hinh cũng tổ chức các đợt tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả cho nhiều hộ dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang trồng và chăm sóc một số cây ăn quả ở địa phương, nhất là những hộ dân tham gia dự án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện.
Mục tiêu của các đợt tập huấn này là cung cấp thông tin và hướng dẫn cụ thể các biện pháp kỹ thuật về trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả mới cho các hộ dân có điều kiện phát triển sản xuất cây ăn quả..
Sau khi được tập huấn, bà con dân tộc thiểu số trong huyện tham gia rất phấn khởi vì được tiếp cận với nhiều kiến thức mới về kỹ thuật trồng chăm sóc cây ăn quả giống mới, được tham gia trao đổi trực tiếp về kỹ thuật, kỹ năng kinh nghiệm trồng chăm sóc cây ăn quả.
Trên địa bàn huyện Sông Hinh hiện có trên 30.000 ha đất nông nghiệp nhưng bà con nông dân và đồng bào thiểu số đang trồng cây hoa màu hàng năm cho thu nhập không cao. Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ mở các đợt tập huấn cho bà con chuyển sang trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao hơn.
Đơn cử như cây mắc ca được cho là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, được kỳ vọng là loài cây làm giàu của bà con dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh. Tuy nhiên, kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca khá phức tạp, phần lớn các giống mắc ca đang trồng là giống thực sinh năng suất cũng như chất lượng chưa tương xứng với tiềm năng khí hậu, thổ nhưỡng.
Vì vậy, để nâng cao kiến thức kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca cho nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số, hồi năm ngoái, huyện Sông Hinh đã phối hợp cùng Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã tổ chức các buổi tập huấn đầu vườn kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca.
Thanh Loan
Bài cuối: Giúp nhau làm kinh tế giỏi