Niềm vui từ năng lượng tái tạo
Gia đình anh Chau Hên sinh sống tại vùng đất Tri Tôn tỉnh An Giang. Vùng đất Tri Tôn trước đây rất khó khăn. Từ khi nhà nước làm hệ thống thủy lợi, bơm nước từ sông lớn vào thì 1 năm, gia đình anh làm được 3 vụ lúa. Cuộc sống cũng đỡ khó khăn hơn nhưng vất vả, tiết kiệm lắm mới đủ ăn.
Đầu năm 2020, đại diện Ban quản lý Năng lượng xanh An Giang cùng các đơn vị phối hợp thực hiện là Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) và Công ty TNHH Ý thức Khí hậu đã đến trao đổi và mong muốn đầu tư kết hợp sản xuất nông nghiệp và năng lượng mặt trời trên diện tích đất nhà anh Chau Hên.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) chia sẻ. “Những mô hình này sẽ mang lại hiệu quả về sử dụng đất cao hơn là chỉ làm đơn thuần một loại hình sản xuất. Chính vì suy nghĩ như vậy, chúng tôi đã lựa chọn hợp tác với nông dân và với những nhà đầu tư có cùng quan tâm tới mục tiêu tạo ra tác động để mang lại sự công bằng cho việc phát triển năng lượng sạch”.
Sau khi được sự thống nhất giữa các bên, gia đình anh đã cải tạo chuyển đổi 800m2 diện tích đất trồng lúa, trong đó cho doanh nghiệp thuê đất trên diện tích 400m2 để thử nghiệm mô hình. Gia đình anh Chau Hên được trả tiền thuê đất 11 triệu đồng/năm. Dự án và doanh nghiệp đầu tư tiền làm nhà màng và lắp đặt pin sản xuất điện mặt trời. Anh được phép trồng cây rau màu trong nhà màng, nhưng phải tuân thủ quy trình kỹ thuật do Dự án hướng dẫn.
Toàn bộ rau màu thu hoạch, gia đình anh được bán và thu lợi nhuận. Hiện tại, gia đình anh Chau Hên đang trồng dưa lưới trong nhà màng. Ước tính mỗi lứa dưa trồng trong khoảng 2,5 tháng và cho thu nhập từ 8 triệu đến 10 triệu đồng. Nếu cộng thêm tiền doanh nghiệp thuê mặt bằng thì lợi nhuận từ 40 triệu đồng đến 45 triệu đồng trong 1 năm, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa.
Anh Chau Hên, ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang chia sẻ. “Làm cái này mình có 2 điều lợi. Thứ nhất, đó là năng lượng mặt trời. Thứ hai, ở dưới mình có thể trồng thêm rau màu để kiếm thêm thu nhập. Cũng có vài người đến hỏi thăm và cũng có người khen làm như vậy là rất tốt.”.
Mô hình hệ thống điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp tại hộ gia đình anh Chau Hên có công suất 45kWp. Hiện tại, nguồn điện từ mô hình đã được bán lại cho EVN từ tháng 12/2020. Trung bình mỗi ngày, hệ thống sản xuất được 103 kWh điện.
Từ tháng 1-3/2021, mô hình đã bán được hơn 4.471 kWh điện, tương đương hơn 22 triệu đồng. Theo thỏa thuận tại mô hình nhà anh Chau Hên, sau 20 năm, mô hình sẽ được giao lại cho hộ dân toàn quyền sở hữu. Mô hình được mong đợi sẽ mang lại nhiều lợi ích đa phương về tài chính cho các bên tham gia và kêu gọi thêm nhà đầu tư mở rộng.
Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang chia sẻ: “Mục tiêu của phát triển nông thôn mới là nâng cao chất lượng đời sống của người dân về tinh thần và vật chất. Chắc chắn là phải nâng cao về thu nhập của người dân. Muốn nâng cao thu nhập của người dân trên đất nông nghiệp thì chỉ có cách là chuyển đổi, thay thế cây lúa bằng cây ăn quả, bằng thủy sản theo đúng tinh thần nghị quyết. Bên cạnh đó, phải kết hợp nhiều công nghệ kỹ thuật. Đặc biệt lần này là ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời là nguồn tài nguyên tái tạo mà thiên nhiên đã ưu đãi cho An Giang.”.
Bên cạnh mô hình thử nghiệm kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời, dự án còn nâng cao khả năng tiếp cận điện của các hộ chưa có điện lưới. Góp phần thúc đẩy ứng dụng các giải pháp xanh cho cộng đồng, cơ chế hỗ trợ tài chính được áp dụng dựa vào kết quả.
Mỗi hộ gia đình phải tự chi đối ứng 50% chi phí lắp đặt pin mặt trời và được dự án hỗ trợ 50%. Ông Huỳnh Văn Boong sống một mình ở một góc sườn núi Dài, cao chót vót thuộc địa phận ấp Rò Leng, xã Châu Lăng. Trên núi không có điện lưới, tấm pin điện mặt trời tại nhà ông Boong có công suất 300 W cùng với bộ sạc điện có giá 3 triệu đồng. Ông được dự án hỗ trợ 50%, nên chỉ phải bỏ ra 1,5 triệu đồng.
Vẫn còn những khó khăn
Niềm vui đã đến, sinh kế của người dân đã được cải thiện từ năng lượng tái tạo như hộ gia đình nhà anh Chau Hên hay ông Huỳnh Văn Boong. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đó thì vẫn còn có những rào cản về năng lượng mặt trời ở phía trước.
Bà Ngụy Thị Khanh. Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) chia sẻ, năng lượng mặt trời thì hiện tại chỉ có 1 quyết định của Thủ Tướng về cơ chế sản xuất điện mặt trời trên mái. Cho nên phải tuân thủ theo quy định mái công trình. Còn đây là công trình nông nghiệp thì phải có nhà lưới. Chính vì vậy đã tạo ra khó khăn, chưa có những quy định của pháp luật về mô hình sản xuất kết hợp giữa nông nghiệp và điện mặt trời.
"Khi làm thủ tục triển khai ở địa phương, các cơ quan chính quyền địa phương rất ủng hộ mô hình nông nghiệp công nghệ. Thế nhưng lại gặp nhiều khó khăn về việc sẽ áp theo những quy định hiện hành nào”, bà Khanh nói.
Ông Koss Neefijes, Giám đốc Công ty TNHH Ý thức Khí hậu (CS) chia sẻ: “Đối với mô hình kết hợp năng lượng mặt trời với hoa màu, vấn đề cần quan tâm đó là nguồn nước cho tưới tiêu, do mỗi nơi lại có nguồn nước khác nhau. Như ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bị xâm nhập mặn và sụt lún nghiêm trọng là một ví dụ”.
Mặc dù vẫn còn những rào cản về chính sách năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo song các mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với năng lượng tái tạo như mô hình tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã cho thấy các doanh nghiệp nhỏ, HTX hay hộ nông dân, hộ dân tộc thiểu số cũng có thể tham gia để tạo ra lợi nhuận lớn hơn, công bằng và bền vững.
Từ đó vừa có thể cải thiện sinh kế bền vững, sản xuất điện sạch và góp phần vào việc phát triển nông thôn mới, đặc biệt là tại những vùng người dân tộc thiểu số đang gặp khó khăn.
Nguyễn Khuê