Câu chuyện sau khi đóng điện, hưởng giá bán ưu đãi trong 20 năm, nhiều dự án điện tái tạo được rao bán đã diễn ra sôi động từ năm 2020, song những ngày gần đây một lần nữa được hâm nóng khi CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) - vốn được xem là doanh nghiệp (DN) đi đầu trong phát triển năng lượng tạo ở Việt Nam, đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Hitachi Sustainable Enrfy (Hitachi SE). Thông qua việc ký kết này, Hitachi SE đã sở hữu 35,1% cổ phần nhà máy điện gió Trung Nam.
Rầm rộ rao bán
Được biết, dự án Nhà máy điện gió Trung Nam có tổng vốn đầu tư tương đương 4.000 tỷ đồng, công suất 151,95MW, thời gian khai thác 2.785 giờ/năm, sản lượng dự kiến 432.000.000 kWh/năm.
Thời gian qua, nhiều dự án điện mặt trời, điện gió của DN tư nhân trong nước đã bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. |
Đáng chú ý, trước đó, trong tháng 4, Trung Nam cũng đã bán 49% cổ phần tại dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc (Ninh Thuận) cho CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu. Dự án được chuyển nhượng có vốn đầu tư tới 5.000 tỷ đồng, với công suất 204 MW vừa được vận hành hơn một năm trước và được hưởng giá bán điện 9,35 cent/kWh trong 20 năm theo chính sách ưu đãi.
Câu chuyện liên doanh, chuyển nhượng cổ phần của DN Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực năng lượng tái tạo diễn ra sôi động trong năm 2020. Những thương vụ gây chú ý phải kể tới như 2 nhà máy điện mặt trời TTC 1 và TTC 2 tại Tây Ninh do Tập đoàn Thành Thành Công và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) hợp tác đầu tư, vận hành từ giữa năm 2019. Khi đó, tập đoàn Thái Lan sở hữu 49% vốn nhưng sau đó đã tăng mức nắm giữ lên 90%. Ngoài các dự án điện mặt trời tại Tây Ninh, tập đoàn Thái Lan còn nắm trong tay các dự án điện gió tại Bến Tre với tỷ lệ sở hữu 95%.
Một công ty năng lượng khác của Thái Lan là Super Ebnrdy Corporation cũng đã thông qua hình thức mua cổ phần loạt dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, An Giang... Ngoài Thái Lan, nhiều nhà đầu tư đến từ Singapore, Trung Quốc, Philippines... cũng sở hữu hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam thông qua hình thức mua cổ phần, liên doanh.
Chia sẻ với VnBusiness, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, vấn đề này có hai mặt. Mặt thứ nhất là việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần ở lĩnh vực năng lượng tái tạo một phần nào đó sẽ giúp ngành điện thu hút dòng vốn ngoại để phát triển trong thời gian tới. Từ trước đến nay, ngành điện vẫn mong muốn điều này. Đồng thời, việc mua bán và sáp nhập cũng là câu chuyện kinh doanh thường tình của DN, nhất là trong bối cảnh DN Việt cần thêm vốn để mở rộng kinh doanh, phát triển hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, với ngành điện, ông Thịnh nhìn nhận, việc bán lại cổ phần dự án điện mặt trời, điện gió cho nhà đầu tư nước ngoài cần phải thận trọng, suy nghĩ kỹ để nhà đầu tư nước ngoài không thể nắm quyền chi phối dự án, đảm bảo an ninh năng lượng, vì điện là ngành rất quan trọng trong phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo cuộc sống cho người dân trên cả nước.
Có chuyện đầu tư chui, núp bóng?
Đặc biệt, điều ông Thịnh lo ngại nhất là tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng. Theo đó, thời gian qua, để khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo, Chính phủ đã có rất nhiều cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư tư nhân. Song thực tế, nhiều khi DN tư nhân chỉ xin giấy phép, nhận ưu đãi, sau đó bán cho nước ngoài để kiếm lời thì rất đáng lo.
"Câu chuyện bán cổ phần chỉ là hợp thức hoá, nếu vậy thì rất nguy hiểm bởi thậm chí DN nước ngoài có thể không chỉ nắm dưới 49% mà còn nắm nhiều hơn, cuối cùng là nắm quyền chi phối DN. Điều này cực kỳ nguy hiểm cho môi trường đầu tư, kinh doanh của DN Việt Nam, nghiêm trọng hơn là đe dọa an ninh năng lượng quốc gia", ông Thịnh nói.
Theo đó, PSG.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để ngăn chặn đầu tư chui, đầu tư núp bóng thì cơ quan quản lý cần hành động mạnh mẽ ngay từ khâu lập dự án, xây dựng dự án, đặc biệt nhà đầu tư cần phải giải trình nguồn vốn lấy ở đâu? Đồng thời, việc phê duyệt dự án cũng cần xem xét đầy đủ thông tin chủ đầu tư để đảm bảo thu hút nguồn lực một cách hợp lý. Nhà đầu tư phải thực thi đúng quy định luật pháp, tránh "tiếp tay" cho đầu tư chui, đầu tư núp bóng.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc chuyển nhượng các dự án năng lượng tái tạo không chỉ là câu chuyện kinh tế mà là vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, vì rất nhiều dự án nằm ở các vị trí, khu vực có vị trí nhạy cảm. "Mua bán dự án có liên quan an ninh năng lượng quốc gia không? Rủi ro về an ninh năng lượng quốc gia như thế nào, tính toán được không? Tôi cho rằng vấn đề đang rất nghiêm trọng vì những vùng này có tọa độ chiến lược, sát biển...", ông Thiên lưu ý.
Trong khi đó, về phía Bộ Công Thương, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) một lần nữa cho rằng, việc chuyển nhượng dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường, được quy định trong Luật Đầu tư và được Sở hoặc Bộ KH&ĐT thụ lý tùy theo quy mô dự án. Việc các nhà đầu tư ngoại thông qua DN trong nước để tham gia các dự án là tín hiệu tốt trong việc thu hút đầu tư của ngành điện, bởi DN ngoại thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy.
"Thời gian qua, chúng tôi có nhận được công văn xin ý kiến của địa phương có dự án chuyển nhượng về vấn đề an ninh quốc phòng, tuy nhiên do không phải chức năng quản lý của Cục nên chúng tôi không thể góp ý. Ngoài Bộ Công Thương, công văn xin góp ý trên cũng được gửi tới nhiều bộ, ngành khác", ông Dũng cho biết.
Bà Phạm Chi Lan Chuyên gia kinh tế Việc một số dự án điện mặt trời do tư nhân đầu tư đang có hoạt động mua bán, chuyển nhượng cho chủ đầu tư khác là vấn đề đáng quan ngại. Việc này có thể tiềm ẩn những lo ngại về an ninh, quốc phòng khi những dự án điện năng lượng tái tạo thường nằm ở những vị trí nhạy cảm. Nhà nước cần có sự kiểm soát chặt chẽ đối với những dự án năng lượng tái tạo có quy mô tương đối lớn, nhất là ở những khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Ông Nguyễn Tâm Tiến Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam Phải nói "bán lúa non, lúa chín hay nấu gạo thành cơm rồi bán" trong các nhà hàng cũng là một nghệ thuật. Một số DN khi xin dự án rồi, có bán ngay cho nước ngoài thì họ cũng không mua. Các nhà đầu tư nước ngoài, thường khi dự án đã có được các chứng nhận đầu tư rồi mới mua, đơn giản vì họ không muốn chấp nhận rủi ro gì. Còn Trung Nam thì chỉ đơn giản là xây dựng ra thành phẩm, "nuôi con cho lớn rồi mới gả". TS. Nguyễn Thành Sơn Nguyên Trưởng ban Chiến lược, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Để chặn tình trạng sang nhượng dự án không kiểm soát được, có thể áp dụng đấu thầu dự án ngay từ khi cấp phép. Đồng thời, cân nhắc kỹ giá mua điện tái tạo cũng như thời gian ưu đãi để ngăn chặn tình trạng DN chạy đua với giá trong khi mục tiêu chính của Nhà nước là phát triển năng lượng tái tạo lại không đạt được. |
Lê Thúy