Gia đình chị Agiêng Thị Bing ở thôn Nal thuộc xã Lăng, huyện Tây Giang, là một điển hình giảm nghèo của người dân Cơ Tu trong xã. Lập gia đình với hai bàn tay trắng, nay gia đình chị đã làm được ngôi nhà gỗ 3 gian vững chãi, có ti vi, tủ lạnh, xe máy.
Vươn lên từ vùng nguyên liệu
Đó là nhờ gia đình chị được sự trợ giúp của chính quyền địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu với vườn cây keo lai có diện tích 5ha, vườn cây sâm ba kích 2,4ha và 2ha cao su đang ở tuổi thu hoạch. Gia đình cũng nuôi 7 con bò và 1 ao cá khoảng 3 nghìn con.
Phát triển vùng nguyên liệu với cây keo lai giúp giảm nghèo cho nhiều bà con người Cơ Tu ở huyện Tây Giang. |
Theo chị Bing, cây keo, sâm ba kích, cao su rất phù hợp với điều kiện tự nhiên ở xã Lăng nên dễ trồng và phát triển tốt. Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho bà con Cơ Tu khi chọn những cây trồng phù hợp, có giá trị cao để phát triển, qua đó giúp thu nhập của người dân được nâng lên
Bà Bling Thị Xất, Phó Chủ tịch UBND xã Lăng cho biết, thôn Nal có 162 hộ dân, trong đó đa số là đồng bào Cơ Tu, nhưng hầu hết đến nay đã thoát nghèo, có của ăn của để. Có được kết quả này là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương nhằm giúp cho bà con phát triển được thế mạnh trồng trọt các loại cây nguyên liệu.
Cùng với xã Lăng, thời gian qua, huyện Tây Giang đã xây dựng đề án phát triển vùng trồng nguyên liệu đẳng sâm lên hơn 3.000ha nhằm tạo điều kiện cho người dân Cơ Tu trao đổi, buôn bán loài cây này để xóa đói giảm nghèo…
Đồng thời, huyện kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng địa phương phát triển vùng dược liệu quý, tạo đầu ra cho sản phẩm đẳng sâm ổn định, giúp bà con dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo.
Những nỗ lực tạo hướng đi mới trong trồng trọt, đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp cho tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tây Giang từ 84,64% (năm 2003) giảm xuống còn khoảng 32,53% (năm 2020).
Còn ở huyện Đông Giang, nơi có người Cơ Tu chiếm 76,43% dân số, từ các chiến lược phát triển miền núi của tỉnh, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung các loại cây chủ lực gắn với chăn nuôi, thay đổi dần phương thức sản xuất lạc hậu của đồng bào để giảm nghèo nhanh và bền vững.
Bên cạnh kết hợp các mô hình kinh tế chủ lực, huyện Đông Giang đã đẩy mạnh hình thành và liên kết các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như đan lát mây tre, dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu.
Mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng
Ngoài ra, huyện Đông Giang còn chú trọng phát triển và đẩy mạnh thương hiệu cho các sản phẩm tiêu biểu mang tính đặc trưng của địa phương là chè xanh Quyết Thắng tại xã Ba, ớt Ariêu ở xã Ma Cooih và chè dây Ra Zéh tại địa bàn xã Tư.
Huyện Đông Ging phát triển mô hình trồng chuối mốc giúp bà con Cơ Tu thoát nghèo. |
Nhiều xã khác trong huyện Đông Giang như Sông Kôn, Jơ Ngây, Kà Dăng… cũng được chọn làm các điểm chuyên canh trồng chuối mốc, chuối lùn, cùng một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Sau những nỗ lực trong việc tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế cho đồng bào Cơ Tu, huyện Đông Giang đang dần thành công với các dự án từ vùng đất chuyên canh nông - lâm nghiệp gắn với khu chăn nuôi gia súc tập trung.
Đặc biệt, huyện đã phát triển các mô hình trồng chuối mốc, lòn bon, ớt Ariêu, chè dây Ra Zéh… theo hướng mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Qua đó đã giúp nhiều hộ đồng bào Cơ Tu ở vùng cao dần thoát nghèo một cách bền vững, với thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng.
Đến nay, trên địa bàn huyện Đông Giang đã hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn như: 620ha cây cao su tại xã Ba và xã Tư; 15.000ha cây keo nguyên liệu và trồng thâm canh hơn 750ha chuối với năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha.
Chị Alăng Thị Di, ở thôn Pà Ong, xã Cà Dy là một điển hình giảm nghèo của người Cơ Tu từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả.
Chị Di kể, trước đây, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn do chưa biết cách thoát khỏi tư duy sản xuất truyền thống. Từ nguồn vốn vay thông qua sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị mạnh dạn đầu tư chuồng trại và mua heo giống về nuôi.
Quá trình chăn nuôi ban đầu gặp khó do đồng vốn ít ỏi, thiếu kiến thức lẫn kinh nghiệm nên đàn heo giống còi cọc, phát triển chậm. Không bỏ cuộc, chị Di tham gia các lớp tập huấn của địa phương hỗ trợ về chăn nuôi để nâng cao kiến thức, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật trong ngăn ngừa dịch bệnh, tăng trưởng tự nhiên.
Nhận thấy hiệu quả bước đầu từ việc chăn nuôi, những năm gần đây, chị Di tiếp tục mua thêm đàn bò, gà và mở rộng chăn nuôi heo rừng lai kết hợp trồng cây ăn quả, phát triển vườn keo, nuôi ao thả cá… giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống bằng mô hình mới. Hàng năm, trừ các khoản chi phí, chị Di thu về hơn 100 triệu đồng.
Thanh Loan
Bài 2: Làm nông nghiệp hàng hoá với chè dây Ra Zéh