Cách đây vài tháng, Phân ban Dân tộc miền núi huyện Hướng Hóa đã kết hợp cùng đoàn từ thiện “Vòng Tay Yêu Thương” tại Tp.HCM cùng các đạo tràng phật tử trong huyện có chuyến hoằng pháp đặc biệt đến bà con phật tử người đồng bào Vân Kiều và Pa Kô ở xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa.
Sống "tốt đời đẹp đạo” ở vùng xa Hướng Lộc
Sau một chặng đường dài đến xã Hướng Lộc, đoàn đã bắt tay vào công việc ổn định nơi tổ chức buổi lễ an vị Phật tập thể cho 65 hộ Phật tử nơi đây. Đây là lần thứ hai, các vị đại đức trong Phân ban tổ chức lễ an vị Phật cho bà con tại đây và các lần khác tại các địa điểm ở Hướng Hóa như: xã Húc, A Sing, với tiêu chí “Phật về buôn làng, Phật tọa nhà sàn”.
Một chuyến hoằng pháp đến với bà con phật tử người đồng bào Vân Kiều và Pa Kô ở xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa. |
Chương trình đem ánh sáng Đạo Phật về buôn làng của chư tăng ni và phật tử trong thời gian qua, đặc biệt là hướng đạo cho bà con vùng núi biên giới như huyện Hướng Hoá là một việc làm rất đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
Dịp này, đoàn thiện nguyện từ Tp.HCM đã dành thời gian, công sức đến trao 200 suất quà cho bà con phật tử nghèo, 160 suất cho học sinh và nhiều pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm cho người dân ở Hướng Lộc được thỉnh an vị.
Hướng Lộc là một xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Toàn xã có 6 thôn với 646 hộ/3.262 khẩu, 95% dân số là người Vân Kiều. Trên địa bàn xã có 3 tôn giáo đang hoạt động gồm Phật giáo, Công giáo và Tin lành.
Với phương châm sống tốt đời đẹp đạo, đồng bào dân tộc theo các tôn giáo trong xã luôn đoàn kết, tích cực xây dựng nông thôn mới, phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp cho vùng quê ngày thêm đổi mới.
Như ông Hồ Pả Dung, một người dân tộc Vân Kiều, Nhóm trưởng Tôn giáo Cơ Đốc thôn Ta Xía, xã Hướng Lộc, bằng uy tín, vai trò của mình, đã có rất nhiều đóng góp trong việc cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Ông thường đến các hộ giáo dân để tuyên truyền, vận động bà con sống “tốt đời, đẹp đạo”. Nhờ sự tích cực, gương mẫu đi đầu của ông Hồ Pả Dung, người dân vùng cao nơi đây từng bước xóa bỏ hủ tục, chăm lo sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh.
Khởi sắc huyện miền núi từng ngày
Không chỉ ở Hướng Lộc, đồng bào các tôn giáo ở những địa phương khác trong huyện Hướng Hóa cũng luôn đoàn kết, chăm lo phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới, công tác xóa đói giảm nghèo…
Đồng bào dân tộc Vân Kiều theo đạo Công giáo ở huyện Hướng Hóa chăm lo phát triển kinh tế. |
Như chia sẻ của mục sư Châu Văn An, Quản nhiệm Chi hội Thánh Tin lành Khe Sanh ở thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa), thời gian qua, Chi hội đã chung tay với chính quyền giúp đỡ bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, xây nhà tình thương cho các gia đình khó khăn, trao học bổng cho con em hộ nghèo, tặng xe lăn, xe lắc cho trẻ em khuyết tật, đặc biệt là hỗ trợ vốn cho những gia đình khó khăn để đầu tư vật nuôi, cây trồng phát triển sản xuất.
Theo mục sư Châu Văn An, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có đạo đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao ngày càng được nhân rộng ở các khu dân cư đồng bào có đạo... Nhờ đó, hằng năm, số hộ nghèo trong đồng bào có đạo giảm rõ rệt, số hộ giàu và khá tăng nhanh.
Đến với huyện miền núi Hướng Hóa (là huyện biên giới, nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Trị) sẽ thấy đời sống và cảnh quan từ thị trấn Khe Sanh, trung tâm huyện lỵ cho đến các xã vùng sâu, vùng xa, đều thay da đổi thịt, cảnh quan đô thị, nông thôn dường như đều khởi sắc từng ngày.
Huyện Hướng Hóa hiện có hơn 94 nghìn dân, bao gồm 3 dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa Kô. Tôn giáo chính của người dân nơi đây là Phật giáo, Công giáo, Tin lành.
Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số toàn huyện, sinh sống ở 21 xã, thị trấn. Trong những năm qua, các chương trình, chính sách dân tộc và tôn giáo đã được triển khai hiệu quả, đồng bộ trên địa bàn huyện Hướng Hóa, góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Toàn huyện hiện có hơn 4.000 ha cà phê; 233,7 ha hồ tiêu; hơn 5.300 ha sắn; 3.152,6 ha chuối; 1.069,9 ha cao su… Việc đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại đã khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng về đất đai, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần tăng tỷ lệ hộ khá, giàu trên địa bàn.
Huyện Hướng Hóa phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số tăng 1,5 - 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,5 - 3%/ năm.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Hướng Hóa được kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp thay đổi đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và tạo diện mạo tươi đẹp hơn cho các xã vùng sâu, vùng xa của huyện.
Chuyển mình cùng các HTX
Bên cạnh đó, hoạt động phát triển kinh tế hợp tác cũng được đồng bào các tôn giáo ở huyện Hướng Hóa tích cực tham gia để từ đó vừa giúp ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập và góp phần vào xóa đói giảm nghèo, đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Huyện biên giới Hướng Hóa ngày càng thay da đổi thịt với sự chung sức, gắn kết của đồng bào các tôn giáo. |
Đơn cử như ở xã Hướng Phùng, bà con người dân tộc Vân Kiều đã trồng cà phê Arabica từ lâu. Tuy là cà phê sạch, chất lượng tốt nhưng mỗi khi đến mùa vụ vẫn bị thương lái ép giá.
Cách đây 5 năm, HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa được thành lập ở xã Hướng Phùng, mở ra hướng phát triển bền vững cho những hộ gia đình trồng cà phê nơi đây. Theo đó, trong 11 thành viên ban đầu thì có đến 10 người là đồng bào dân tộc thiểu số. HTX quản lý 70 ha cà phê, trong đó có 35 ha cà phê sản xuất hữu cơ.
Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, HTX đã tập huấn cho các thành viên biết cách trồng, chăm sóc, thu hoạch cây cà phê theo đúng tiêu chuẩn doanh nghiệp yêu cầu để có thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn gấp đôi thị trường và ổn định từ đầu đến cuối vụ. Cụ thể, bà con tham gia HTX trồng cà phê Arabica sạch được bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định 10.000 đồng/kg, trong khi giá sản phẩm quả cà phê tươi trong vùng chỉ ở mức 4.000 đồng/kg.
Ông Lê Đình Phức, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa chia sẻ: Vượt qua khó khăn ban đầu, đến nay, HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa là một trong rất ít HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hoàn thành chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.
Ngoài ra, có thể kể đến mô hình kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch ở miền núi của HTX Nông nghiệp Tân Hợp ở xã Tân Hợp. Vào những dịp lễ, tết, điểm du lịch trải nghiệm của HTX đã đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan.
HTX này đã khai thác được tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu cũng như bản sắc văn hóa vùng miền, mở ra hướng đi mới trong việc thúc đẩy phát triển ngành du lịch ở miền núi. HTX đi vào hoạt động từ năm 2018, chủ yếu trồng cây dược liệu, cà phê, chanh leo và chăn nuôi gia súc gia cầm.
Vùng đất mà huyện Hướng Hóa quy hoạch làm mô hình du lịch nằm ngay dưới chân đồi Động Tri, cách thị trấn Khe Sanh hơn 1 km. Cảnh quan đẹp, giao thông thuận lợi lại sẵn có các mô hình đa cây, đa con… là những lợi thế để HTX Nông nghiệp Tân Hợp tập trung đầu tư mô hình du lịch nổi bật tại địa phương.
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Hợp Trần Vinh, HTX Nông nghiệp Tân Hợp là HTX được thành lập với mục tiêu hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới. Đây là HTX phát huy rất tốt hiệu quả hoạt động, từng bước đa dạng các mô hình sản xuất. Hiệu quả hoạt động của HTX thời gian qua đã góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương.
Thanh Loan