Chị Hạng Thị Sú không chỉ nỗ lực cho bản thân mình mà còn giúp chị em trong bản, trong xã phát triển kinh tế gia đình. |
Trước đây, đời sống của nhiều bà con ở Tủa Chùa rất khó khăn, các gia đình chủ yếu trông vào ngô, lúa trên nương. Trong đó, xã Xá Nhè là cao nguyên đá, nên đất sản xuất ít, thời tiết khắc nghiệt, người dân bữa no bữa đói, nhiều khi phải ăn ngô thay cơm.
Nỗ lực vươn lên
Nhớ lại thời kỳ gian khó, chị Hạng Thị Sú không khỏi chạnh lòng. Hồi đó, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, con cái nheo nhóc không muốn cho đến trường vì không có tiền. Cả gia đình gần chục người chỉ trông vào 2 ha đất nương trồng lúa một vụ; nương ngô ít chỉ đủ chăn nuôi vậy mà có năm còn mất mùa, gia đình phải ăn ngô thay cơm. Dù rất chăm chỉ lao động nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng mãi với gia đình chị.
Không thể trông chờ vào ruộng lúa, nương ngô, với tinh thần dám nghĩ dám làm, chị Hạng Thị Sú đã tìm tòi các mô hình phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo.
Sau khi tìm hiểu các mô hình kinh tế vườn đồi…, chị thấy các mô hình này không phù hợp áp dụng tại Xá Nhè vì đường sá trên cao nguyên đá trắc trở, đất canh tác ít, chủ yếu xen giữa các “búp” đá lô nhô. Rồi cái khó ló cái khôn, chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư mua máy xay xát, mở cửa hàng bán tạp hóa phục vụ nhu cầu người dân trong vùng.
Ngoài phục vụ xay xát lúa gạo cho bà con trong bản, trong xã, chị Sú còn bán hàng và chăn nuôi thêm đàn lợn. Lấy ngắn nuôi dài, chị tận dụng cám xay xát để vỗ béo đàn lợn.
Chị Sú cho biết, người dân thường nuôi trâu bò thả rông, ít cho ăn ngô ăn cám nên trâu bò gầy, không được giá. Thấy thế, chị đã đặt mua trâu bò của các gia đình rồi về nuôi nhốt vỗ béo bằng cách cho ăn thêm ngô, cám. Sau khoảng 3 tháng, trâu bò tăng cân nhanh thì xuất bán được giá và cân nặng tăng nhiều. Nhờ đó mà mỗi năm, gia đình chị Sú đều xuất bán gần chục tấn thịt. Sau 5 năm, kinh tế gia đình chị đã có bước cải thiện rõ rệt, nguồn thu từ máy xát, dịch vụ lên tới hàng trăm triệu đồng.
Nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo
Từ ngày đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Xá Nhè, chị Sú hỗ trợ nhiều chị em trong xã vươn lên thoát nghèo. Hồi đó, trên 1.000 hội viên đa phần gia đình đều thuộc diện hộ nghèo, chị em ít có điều kiện tiếp cận với kỹ thuật tăng gia sản xuất.
Bằng kinh nghiệm của bản thân, Chủ tịch Hội LHPN xã Hạng Thị Sú cho rằng, trước tiên cần phải có nguồn vốn. Chính vì thế, chị Sú và các thành viên cốt cán trong Hội LHPN xã đã tới từng nhà tuyên truyền, động viên chị em mạnh dạn vay vốn làm các mô hình kinh tế thoát nghèo.
Ban đầu, việc tuyên truyền, động viên chị em hội viên gặp rất nhiều khó khăn bởi suy nghĩ còn hạn chế, hơn nữa các chị em cũng không mạnh dạn đi vay. Để chị em tin tưởng hơn, chị Sú tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm các loại ngô, lạc giống mới cho năng suất, chất lượng cao hơn giống cũ; đào thêm 2 ao thả cá và làm 4 chuồng nuôi lợn sinh sản… Thấy người đứng đầu tổ chức phụ nữ làm ăn tốt, nhiều chị em hội viên đã học hỏi mô hình và mạnh dạn vay vốn ngân hàng.
Nhờ nỗ lực của chị Sú, 3 năm trở lại đây, 60% hội viên phụ nữ xã Xá Nhè đã đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt và nghề truyền thống, vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định từ 40 - 70 triệu đồng/năm.
Đến nay, toàn xã Xá Nhè đã có 60% chị em phụ nữ thoát nghèo, nhiều người có thu nhập từ 40-70 triệu đồng/năm. |
Chị Giàng Thị Dúa, xã Xá Nhè chia sẻ, nhờ có chị Sú hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt, hướng dẫn vay vốn ngân hàng nên gia đình chị đã nuôi lợn thịt, nuôi lợn nái và gà. Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo, kinh tế khấm khá hơn, cuộc sống không phải chạy ăn từng bữa như trước nữa.
Riêng bản Tỉnh B nơi chị Sú sinh sống, trước đây có 100% hội viên phụ nữ thuộc diện nghèo, nhờ được chị Sú hướng dẫn, giúp đỡ, đến nay chỉ còn vài hộ nghèo. Chính sự nỗ lực lao động, phát triển kinh tế gia đình của chị Sú đã trở thành động lực để chị em trong bản, trong xã học tập làm theo.
Ngoài việc giúp chị em thoát nghèo, chị Sú còn hướng dẫn thành lập các tổ tiết kiệm, trở thành nguồn quỹ giúp đỡ nhau khi khó khăn hoặc rủi ro. Với 378 thành viên tham gia, đến nay tổ đã có nguồn quỹ gần 200 triệu đồng. Số tiền này có thể nói là “cứu cánh” cho nhiều chị em còn thiếu vốn sản xuất hoặc gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.
Ông Lờ A Tráng, Chủ tịch UBND xã Xá Nhè cho biết, với thành công trong phát triển kinh tế, chị Sú luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Chị nhiệt tình hướng dẫn người dân cách làm kinh tế gia đình. Nhờ sự giúp đỡ của chị Sú, nhiều hộ gia đình trẻ trong bản có thêm vốn, kiến thức giúp họ mạnh dạn khởi nghiệp, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
“Có thể nói, sự nỗ lực, tâm huyết của chị Sú không chỉ giúp cho hơn 500 chị em phụ nữ trong xã thoát nghèo, mà còn đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của xã chúng tôi”, ông Tráng nói.
Với những thành tích đạt được, chị Hạng Thị Sú đã được chính quyền huyện Tủa Chùa đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giai đoạn 2016 - 2021.
Phạm Minh
Bài cuối: Đoàn kết làm kinh tế giỏi