Bà H'Thủy, người dân tộc Ê đê ở thôn 6, xã Đắk Som, huyện Đăk Glong cho biết, gia đình bà và các bà con trong thôn trước kia canh tác theo lối cũ nên năng suất cây ngô thấp, chỉ đạt 6 - 7 tấn/ha. Do đó, cuộc sống không mấy khi được dư dả.
Hiệu quả hỗ trợ sinh kế
Những năm gần đây, nhờ vào những mô hình trồng ngô từ các dự án của doanh nghiệp và chính quyền địa phương hỗ trợ đưa giống mới và phổ biến kỹ thuật cho bà con, nên năng suất cây ngô đạt 9 - 10 tấn/ha.
Nhờ được hỗ trợ sinh kế, phụ nữ DTTS ở Đăk Glong thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. |
Nhờ vào những dự án như vậy mà gia đình bà H'Thủy cùng những hộ trồng ngô ở xã Đắk Som nằm trong số hàng ngàn hộ đồng bào DTTS ở huyện Đắk Glong thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống và có hộ trở nên khá giả.
Có thể nói, việc triển khai các dự án mới về nông nghiệp và thực hiện nghiêm túc, căn cơ, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là đồng bào DTTS ở các thôn, bon, bản tại Đắk Glong đang mang tới những chuyển biến quan trọng, giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững.
Như gia đình chị H’Hạnh, người dân tộc Ê Đê ở bon Ka La Dạ, xã Quảng Khê cách đây 7 năm được xác định là hộ nghèo, được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất.
Số tiền này được chị H’Hạnh dùng để mua sắm vật tư kỹ thuật, phân bón canh tác 0,4 ha cà phê. Nhờ đó, gia đình đã có điều kiện đầu tư sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập. Sau khi kinh tế khá hơn, chị đã viết đơn xin thoát nghèo năm 2019 và trả số tiền này lại cho ngân hàng.
Sau đó, vào tháng 5/2020, chị H’Hạnh vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho đối tượng hộ cận nghèo. Với lãi suất 7,92%/năm (tương đương 0,66%/tháng), chị có điều kiện để tiếp tục đầu tư sản xuất.
Không những thế, chị H'Hạnh còn được chính quyền địa phương hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay ngân hàng. Chị đã dùng toàn bộ tiền hỗ trợ để phát triển sản xuất, từng bước ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Hoặc như trường hợp chị H’Lan ở bon B’dơng xã Quảng Khê, sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi gà, chị được hỗ trợ giống gà với số lượng 500 con. Kết thúc lứa nuôi đầu tiên thành công, chị tiếp tục được cấp giống lần hai và cũng thu được lợi nhuận khá.
Từ kiến thức, kinh nghiệm thực tế nuôi 2 lứa gà, chị H’Lan đã mạnh dạn đầu tư mua gà giống và mở rộng chuồng trại để chăn nuôi. Lứa nuôi hiện tại có khoảng 1.000 con, chi phí đầu tư hết 13 triệu tiền giống.
Mang công nghệ đến các hộ nghèo
Với kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi gà đúc kết được, chị H'Lan đã nhiệt tình hướng dẫn cho nhiều chị em trong bon cách nuôi gà. Hiện nay, chị đã tập hợp được 11 hộ nghèo trong bon để thành lập nhóm hội cùng tham gia mô hình chăn nuôi gà lai chọi. Nhờ đó, cuộc sống của một số hộ đã từng bước được cải thiện, vươn lên thoát nghèo.
Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đăk Nia đang tạo thêm thu nhập cho nhiều chị em DTTS trong xã. |
Đăk Glong vốn là huyện nghèo, thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Đăk Nông. Những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm nhanh khi huyện quan tâm triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ để các chị em phụ nữ DTTS thoát nghèo bền vững.
Cách đây 2 năm, Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) đã hỗ trợ các phụ nữ nghèo là dân tộc thiểu số ở huyện Đắk Glong nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung thông qua dự án “Hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Dự án hỗ trợ và tạo điều kiện cho 450 phụ nữ dân tộc thiểu số trong tỉnh có thể tự mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh. Sáng kiến này nhằm tận dụng tối đa những cơ hội mà Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể đem lại.
Là người được hưởng lợi từ dự án, phát triển kinh doanh trên mạng Internet, chị H’Bình, người dân tộc Châu Mạ, Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đăk Nia ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa cho biết, đến nay, sản phẩm thổ cẩm của Tổ hợp tác được nhiều đối tác ở TP.HCM, Đà Nẵng, Lâm Đồng đặt hàng thường xuyên, thu nhập của lao động trong Tổ cũng dần được nâng cao.
Chị H’Bình thường được mời truyền nghề cho bà con trong vùng. Trung tâm tư vấn, hỗ trợ dạy nghề của huyện cũng đã đến tận bon, xã tổ chức các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con. Từ khi được dạy nghề, bà con trong bon rất hưởng ứng và ngày càng có nhiều người biết dệt thổ cẩm. Hiện nay, trên địa bàn xã có cả trăm người biết dệt thổ cẩm.
Còn theo bà H’Mớt, từ khi tham gia vào Tổ hợp tác, cuộc sống gia đình sung túc hơn trước. Mọi người đều mong muốn Tổ hợp tác sẽ tạo thêm thu nhập cho chị em phụ nữ.
Tính đến nay, nhờ tham gia vào dự án, phần nào tiếp cận được công nghệ đã giúp nhiều phụ nữ DTTS ở Đăk Nông có thu nhập ổn định, gia nhập các tổ hợp tác, HTX và biết cách bán hàng qua các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee… với doanh thu khá tốt.
Thanh Loan
Bài 2: Khai thác thế mạnh sản phẩm đặc trưng