Nhiều năm trước, ngoài canh tác 3 công ruộng, hàng ngày vợ chồng anh Danh Thi, người dân tộc Khmer ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) thường làm mướn, giăng lưới, cắm câu nhưng không thể thoát nghèo.
Trợ vốn chăn nuôi thoát nghèo
Theo anh Thi, lý do nghèo vì làm 3 công ruộng chỉ đủ ăn, còn làm thuê thì một ngày làm hai, ba ngày nghỉ, muốn chăn nuôi nhưng không có vốn.
Hồi tháng 7/2020, khi thực hiện Đề án Hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, đa dạng sinh hóa và nhân rộng mô hình giảm nghèo các ấp, xã đặc biệt khó khăn, chính quyền xã Xà Phiên đã tạo điều kiện để hộ anh Thi vay 12 triệu đồng làm ăn.
Nhờ được hỗ trợ vốn vay để phát triển chăn nuôi bò đã giúp nhiều bà con Khmer ở Hậu Giang thoát nghèo. |
Từ 12 triệu đồng này, anh Thi mua 6 con heo về nuôi, mua thức ăn cho 2 bể lươn (nuôi lươn từ đặt trúm). Sau 4 tháng, hộ anh bán lươn và heo lời gần 20 triệu đồng, cuối năm 2020 thoát nghèo.
Anh Thi cho biết: "Nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện để tôi vay vốn thực hiện mô hình nuôi heo và lươn nên mới thoát nghèo. Tôi sẽ tiếp tục nuôi heo và lươn, đồng thời tìm tòi, học hỏi các mô hình khác phù hợp với gia đình để thoát nghèo bền vững".
Thời gian qua, để giúp các phụ nữ người Khmer thoát nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xà Phiên, đã có nhiều hoạt động nhằm giúp chị em vay vốn ưu đãi, hỗ trợ kiến thức chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Điển hình như gia đình bà Thị Liên từng là hộ nghèo khó nhất trong cộng đồng bà con Khmer ở ấp 4, xã Xà Phiên, nay là điển hình vượt khó thoát nghèo.
Trước đây, vì con cái còn nhỏ và phải đi học, gia đình lại nghèo khó nên bà Liên cầm cố đất để lo cho con. Sau khi được hội phụ nữ xã hỗ trợ vay vốn, bà đã xây dựng chuồng nuôi heo. Với đồng vốn 1 triệu đồng, bà nuôi được 2 con heo thịt. Sau lứa đầu tiên, tích cóp được một ít bà bắt đầu nuôi heo nái đẻ.
Thấy bà Liên chịu khó làm ăn nên địa phương tiếp tục xét cho vay thêm 15 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Nhờ biết cách chăm sóc nên việc chăn nuôi heo của bà đem lại thu nhập khá ổn định.
Còn ở ấp 10, xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ), có anh Danh Điều, người dân tộc Khmer, là hộ nghèo nên gia đình anh được hỗ trợ vốn vay mua 3 con bò để tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài đi làm thuê, anh còn tranh thủ thời gian rảnh cắt cỏ cho bò ăn. Hàng năm, anh thu nhập 20 - 25 triệu đồng/lần từ bán bò thịt.
Vận dụng tốt chính sách cho bà con Khmer
Hay như ở thị trấn Bảy Ngàn thuộc huyện Châu Thành A (Hậu Giang) thời gian qua cũng chăm lo đời sống đồng bào Khmer, nhất là những hộ thuộc diện hộ nghèo thông qua hỗ trợ nhà tình thương, vốn vay, cây, con giống sản xuất.
Nhiều địa phương ở Hậu Giang đang vận dụng tốt chính sách giảm nghèo cho bà con Khmer và vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm nâng cao đời sống. |
Nếu như trước đây từng có thời điểm 32% hộ đồng bào Khmer của thị trấn Bảy Ngàn là hộ nghèo thì nay con số ấy giảm còn dưới 11%. Năm nay, chỉ tiêu mà thị trấn đề ra là giúp cho 7 hộ đồng bào dân tộc Khmer thoát nghèo. Và các biện pháp chăm lo, hỗ trợ cho các hộ này đang được thị trấn triển khai tích cực.
Hoặc như ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy (Hậu Giang), những năm trước tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer tương đối cao thì thời gian gần đây, nhờ vận dụng tốt chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới mà hộ nghèo ở xã này đã giảm, hộ khá, giàu tăng lên.
Xã Vị Thủy còn tập trung vận động bà con Khmer chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và đất đai, thổ nhưỡng; tổ chức tham quan một số mô hình hay, hiệu quả trong việc phát triển kinh tế, thoát nghèo trong và ngoài địa bàn xã, như: mô hình nuôi ba ba, trồng nấm rơm, hoa màu…
Trước đây, do nhiều năm làm ăn thua lỗ, gia đình ông Danh Hưởng, người dân tộc Khmer ở ấp 6, xã Vị Thủy, phải cầm cố 5 công đất ruộng để có tiền trả nợ. Sau đó nhờ thụ hưởng chương trình chuộc đất sản xuất dành cho đồng bào dân tộc thiểu số mà gia đình ông Hưởng được hỗ trợ 30 triệu đồng để chuộc lại đất sản xuất.
Có đất sản xuất, gia đình ông Hưởng chí thú làm ăn, chắt chiu trong chi tiêu hàng ngày, nhờ vậy mà còn có tiền để xây lại ngôi nhà mới khang trang trị giá gần 200 triệu đồng. “Sự hỗ trợ của Nhà nước đã làm thay đổi cuộc sống gia đình tôi”, ông Hưởng bộc bạch.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Vị Thủy Nguyễn Sử Luận, từ sự quan tâm hỗ trợ kịp thời đã giúp cho đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào Khmer không ngừng nâng lên. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer trên 20% thì hiện nay giảm còn hơn 10%.
Thanh Loan
Bài 2: Đoàn kết giúp nhau làm kinh tế