Xã Sơn Ba thuộc huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) có 90% dân số là đồng bào dân tộc Hrê sinh sống. Thời gian gần đây, nhờ phát triển nghề nuôi heo ky (loại heo rừng lai với heo bản địa) đã giúp nhiều hộ đồng bào Hrê trong xã từng bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ mô hình này.
“Cú hích” liên kết nuôi heo ky
Cách đây 2 năm, xã Sơn Ba triển khai thực hiện dự án “Liên kết tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ heo ky” với 35 hộ dân trong xã. Tham gia vào dự án, bà con Hrê được Trạm Khuyến nông huyện Sơn Hà tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và vệ sinh phòng bệnh ở heo ky.
Dự án “Liên kết tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ heo ky” giúp bà con Hrê ở xã Sơn Ba (huyện Sơn Hà) thoát nghèo. |
Ngoài ra, bà con thiểu số còn được doanh nghiệp liên kết cung ứng giống, vật tư, kỹ thuật, theo dõi trong suốt quá trình nuôi và chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm với giá bao tiêu 140.000 đồng/kg hơi. Nhờ vào dự án này mà các hộ dân Hrê đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong chăn nuôi heo ky.
Khi tham gia vào dự án, chị Lê Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi heo ở Làng Ranh (xã Sơn Ba), cho biết các hộ dân Hrê đã biết liên kết trong chăn nuôi bằng việc đóng góp ngày công, góp tiền làm chuồng nuôi nhốt tập trung, mỗi hộ góp từ 1 đến 2 sào đất để trồng rau làm thức ăn cho heo và phân công mỗi gia đình chăm sóc heo 1 tuần theo hình thức xoay vòng.
Hiện nay, việc nuôi heo ky của bà con Hrê ở xã Sơn Ba khá hiệu quả và có thể coi là “cú hích” để nhân rộng tại các điểm nuôi heo ky tập trung tại các xã Sơn Linh, Sơn Thượng, Sơn Ba thuộc huyện Sơn Hà.
Qua đó không những giúp bà con nghèo người Hrê trên địa bàn huyện Sơn Hà thoát nghèo mà còn giúp họ tiếp cận với khoa học kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Không những thế, mô hình còn tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân Hrê liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm và chế biến, tiêu thụ sản phẩm về lâu dài, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa nghèo, vươn lên làm giàu cho hàng trăm hộ dân.
Trên địa bàn huyện Sơn Hà có 4 dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong, Kinh cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu chiếm 87% dân số toàn huyện. Trong 5 năm qua, chính quyền huyện đã triển khai kịp thời các chương trình, dự án, chính sách, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm giúp đồng bào thiểu số giảm nghèo, trong đó có bà con Hrê (vốn chiếm dân số đông ở huyện).
Cần thêm những mô hình sinh kế
Từ những hướng đi đúng đắn, đến nay, Sơn Hà là một trong số ít địa phương xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Nhờ đó, nhiều đồng bào Hrê đã nhận thức và thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm.
Nhờ được hỗ trợ sinh kế với hoạt động chăn nuôi đã giúp bà con Hrê ở Quảng Ngãi giảm nghèo căn cơ. |
Còn ở thôn Gò Tranh, xã Long Sơn thuộc huyện Minh Long (Quảng Ngãi) - nơi có 100% hộ dân người dân tộc Hrê sinh sống, những năm qua công tác giảm nghèo được triển khai khá quyết liệt.
Giai đoạn 2016 - 2019 được xem là mốc thời gian đáng nhớ của người dân Hrê thôn Gò Tranh. Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều công trình như đường bê tông nông thôn, cầu, cống, điện, trường học, nhà sinh hoạt văn hóa... từng bước làm thay đổi diện mạo ở vùng nông thôn miền núi này.
Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước về cây trồng, vật nuôi, tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất... mà nhiều gia đình Hrê có điều kiện để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.
Đơn cử như hộ anh Đinh Tấn Công, người dân tộc Hrê, từ khi có đường bê tông, có điện, gia đình anh mở cửa hàng mua bán nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân ở địa phương.
Cùng với đó, anh Công phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Mỗi năm trừ hết chi phí, gia đình anh thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng/năm.
“Trước đây, cuộc sống của người dân rất khổ, nên khi có sự hỗ trợ của Nhà nước, ai cũng quyết tâm xóa đói giảm nghèo, xây dựng Gò Tranh ngày càng phát triển”, anh Công chia sẻ.
Dù công tác giảm nghèo cho bà con Hrê ở các huyện miền núi Quảng Ngãi đạt được những kết quả đáng khích lệ, song nhiều ý kiến cho rằng vẫn cần cải thiện nhiều hơn nữa để việc giảm nghèo thật sự bền vững, ổn định.
Theo đó, để bà con Hrê giảm nghèo hiệu quả, có căn cơ, bền vững thì cần chú trọng tuyên truyền để nâng cao dân trí, giúp họ tự bảo đảm cuộc sống, giảm thấp nhất sự phụ thuộc vào hỗ trợ của Nhà nước.
Tiếp đến là cần tiếp tục đầu tư hỗ trợ những mô hình sinh kế cho người dân Hrê để tăng thu nhập, khuyến khích họ tổ chức theo hình thức tập trung để giảm rủi ro. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn có người Hrê sinh sống để giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm…
Thanh Loan
Bài 2: Cùng nhau liên kết làm giàu