Hoạt động trên địa bàn có nhiều đồng bào DTTS, thời gian qua, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực ở bon Đăk Huýt, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức đã liên kết với 120 hộ đồng bào dân tộc M'nông để trồng cây mắc ca. Sự hợp tác này đã tác động rất lớn đến đời sống của bà con DTTS trong vùng.
Hiệu quả liên kết trồng mắc ca
Mỗi năm, HTX thu mua khoảng 80 tấn mắc ca tươi. Sản phẩm hạt mắc ca Mơ Nông của HTX tuy mới ra mắt được hơn một năm, nhưng bước đầu được thị trường đón nhận. Hiện tại, HTX đã mở 6 cửa hàng tại Đăk Nông và các thị trường lớn như Hà Nội, Bình Dương, TP.HCM.
Trồng cây mắc ca giúp bà con dân tộc M’nông ở xã Quảng Trực thoát nghèo và làm giàu. |
Theo Giám đốc Nguyễn Anh Tuấn, vì đang liên kết với các hộ đồng bào dân tộc M'nông trồng mắc ca, nên HTX đã chọn đặt tên sản phẩm là hạt mắc ca Mơ Nông để xây dựng thương hiệu.
Năm vừa qua, sản phẩm mắc ca của HTX được công nhận đạt 3 sao Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Đăk Nông, qua đó giúp nâng cao giá trị lao động của bà con M'nông trồng mắc ca.
Theo ông Tuấn, đây là kết quả bước đầu của HTX trong việc thực hiện hiệu quả mô hình liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thu nhập cho các hộ thành viên cũng như đồng bào DTTS.
Hiện nay, nhiều bà con dân tộc M'nông ở xã Quảng Trực nói riêng và huyện Tuy Đức đã thoát nghèo và làm giàu từ cây mắc ca nhờ năng nổ, tích cực liên kết với HTX và các doanh nghiệp trong việc phát triển vùng nguyên liệu, ổn định đầu ra, giá cả phù hợp.
Chị Thị Bem, dân tộc M'nông, ở bon Buprăng II, xã Quảng Trực cho biết, gia đình chị trồng 1.700 cây mắc ca trên diện tích 5 ha từ năm 2014 và cho thu nhập khá tốt.
Ngoài ra, chị đang có dự định chuyển 5 ha đất trồng cao su kém hiệu quả sang trồng mắc ca vì thấy loại cây này dễ trồng hơn và rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của Quảng Trực. Đặc biệt là mắc ca có đặc điểm cây càng lớn càng cho trái sai, thu hoạch năm sau cao hơn năm trước và không phải chăm sóc nhiều.
Còn chị Thị Nhay, dân tộc M'nông ở bon Buprăng 2, xã Quảng Trực vài năm trước được huyện Tuy Đức hỗ trợ 300 cây mắc ca để trồng xen trong vườn cà phê 1,8 ha. Từ năm 2018 đến nay cho quả to đều, bán giá 110.000 đồng/kg, doanh thu 90 - 100 triệu đồng/năm.
Trên địa bàn huyện Tuy Đức, mắc ca được trồng tập trung tại 5 xã: Quảng Trực, Đắk Buk So, Quảng Tâm, Đắk Rtih và Quảng Tân với tổng diện tích trên 800 ha. Trong đó, đồng bào DTTS trồng trên 350 ha, hầu hết đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, nhiều diện tích bắt đầu cho thu hoạch.
Giới chuyên gia cho rằng, trong quá trình giảm nghèo căn cơ cho đồng bào DTTS ở huyện Tuy Đức, việc phát triển diện tích trồng cây mắc ca như này là rất hiệu quả. Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững cây mắc ca, ngoài việc liên kết với HTX cần thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến để bà con yên tâm sản xuất.
Làm giàu với lúa VietGAP
Ở xã Buôn Choáh thuộc huyện Krông Nô, đồng bào dân tộc Ê đê chiếm 90% dân số, có đặc thù thổ nhưỡng chủ yếu là đất thịt, sâu trũng, phù hợp với sản xuất lúa nước nên lâu nay đây là cây trồng mũi nhọn, chủ lực của người nông dân.
Cánh đồng trồng lúa VietGAP ở xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô). |
Toàn xã hiện có 1.600 ha đất sản xuất lúa nước, trong đó có 101 ha lúa được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, cánh đồng lúa Buôn Choáh sản xuất 2 vụ, năng suất khoảng 7 tấn/ha.
Thời gian qua, chính quyền xã Buôn Choáh đã liên kết, phát triển cánh đồng VietGAP để bà con nông dân có nhiều lợi ích như hỗ trợ nguồn vốn, kết nối thị trường tiêu thụ, bồi dưỡng kiến thức các tiêu chuẩn về sản xuất hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Anh Y Hinh Ê ban, dân tộc Ê đê ở xã Buôn Choáh cho biết, ngoài trồng lúa RVT truyền thống, bà con trong xã gần đây còn cấy các giống lúa mới, chất lượng gạo thơm ngon như: Ðài thơm 8, ST21, ST24… cho năng suất bình quân khoảng 8 - 10 tấn/ha.
Tháng 6 vừa qua, nông dân người Ê Đê ở Buôn Choáh đã có vụ mùa bội thu với năng suất cực kỳ ấn tượng: khoảng 12 tấn/ha.
Thành quả này là do chính quyền địa phương quan tâm, ưu tiên phân bổ vốn để cải tạo, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi nói riêng và hạ tầng nói chung phục vụ tốt nhất khâu sản xuất của bà con dân tộc Ê đê trồng lúa ở Buôn Choáh.
Là vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn, trên địa bàn xã còn có HTX sản xuất lúa Buôn Choáh và HTX Nông nghiệp Buôn Choáh với 408 hộ dân tham gia sản xuất, tạo được vùng chuyên canh lúa trọng điểm của tỉnh Đăk Nông.
HTX Nông nghiệp Buôn Choáh thời gian qua chú trọng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP và đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, HTX cung ứng trên 3.372 tấn lúa tươi mỗi năm, năng suất bình quân đạt trên 7,6 tấn/ha, tăng thu nhập khoảng 15% so với sản xuất thông thường.
Gạo ngon Buôn Chóah hiện là sản phẩm đặc trưng của huyện Krông Nô và đã được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận là sản phẩm hạng 4 sao trong chương trình OCOP.
Thanh Loan
Bài cuối: Tăng liên kết trong kinh tế hợp tác