Tại tỉnh Cao Bằng, gắn với định hướng phát triển nông nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) cao của tỉnh, ngành khoa học địa phương đã nghiên cứu, bảo tồn các loại gen quý, nghiên cứu tạo giống các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao.
Phát triển thành ngành hàng hóa
Hiện tại, trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Cao Bằng làm chủ nghiên cứu cấy mô tế bào, mở ra triển vọng mới trong sản xuất nông nghiệp. Bà Đoàn Thị Luyến, Trưởng Phòng nghiên cứu ứng dụng (Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Cao Bằng) cho biết, phương pháp này tạo ra hàng loạt cây giống sạch bệnh, lưu giữ nguồn gen các loại cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương, mở rộng diện tích trồng trọt.
![]() |
Dự án Hà thủ ô đỏ được chuyển giao cho bà con nông dân trồng và chăm sóc. |
Nhiều mô hình được chuyển giao, phát triển ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng, như mô hình trồng cây Hà Thủ ô đang triển khai ở huyện Bảo Lạc. Đây là loại cây dược liệu đặc sản của huyện Bảo Lạc qua nhiều năm khai thác tự nhiên, đã có nguy cơ cạn kiệt.
Trên cơ sở nghiên cứu chuyển giao, tiếp nhận quy trình nhân giống trồng, thu hoạch và chế biến các sản phẩm từ Hà thủ ô. Theo đó, một dự án trồng Hà thủ ô được xây dựng với 40 hộ dân tham gia, trên diện tích 5ha trồng tập trung, 25ha trồng phân tán. Sở KH&CN tỉnh Cao Bằng giao một DN trên địa bàn chủ trì thực hiện, DN được chuyển giao công nghệ từ nhân giống, trồng chăm sóc, chế biến cao, liên kết với hộ dân để xây dựng vùng nguyên liệu.
Dự án cũng hỗ trợ kinh phí đầu tư dây chuyền chế biến Hà Thủ ô theo công nghệ Nhật Bản. Củ sau thu hoạch qua dây chuyền được chế biến thành cao Hà thủ ô, từ 10-12kg cao cho 1 mẻ kéo dài 7 tiếng. Về lâu dài, một nhà máy chế biến sẽ được DN này xây dựng.
Ông Ninh Văn Tuyến, Giám đốc công ty TNHH Quan Đạo, tỉnh Cao Bằng, cho biết sản phẩm cuối cùng là sản phẩm sấy khô, hoặc cao Hà thủ ô. Việc triển khai các dự án KHCN sẽ phát huy được nguyên liệu quý hiếm ở địa phương để phát triển cây dược liệu quý thành ngành hàng hoá, nâng cao đời sống bà con.
Anh Quan Văn Quyết, xóm Phiêng Sáng, xã Cô Ba (huyện Bảo Lạc), chia sẻ gia đình anh quanh năm chủ yếu trồng ngô, lúa và dâu tằm nên chỉ đủ ăn. "Mấy vụ gần đây, thấy nhiều người thu lãi cả trăm triệu từ trồng thủ ô đỏ, gia đình tôi đã chuyển đổi gần 2.000 m2 ruộng trồng dâu tằm sang trồng loại cây này. Hiện tại hà thủ ô đỏ đang phát triển tốt, hy vọng sẽ đem lại thu nhập ổn định", anh Quyết chia sẻ.
Theo ông Hoàng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, qua thực hiện dự án, sự liên kết giữa bà con nông dân, DN, Nhà nước rất hiệu quả, khâu triển khai công nghệ giống, sản phẩm được chuyển giao để bà con an tâm sản xuất.
Huy động DN, HTX tham gia
Dự án Hà thủ ô đỏ là 1 trong 6 dự án mà Sở KH&CN Cao Bằng triển khai, từ "chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020” của Bộ KH&CN.
![]() |
Đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp. |
Theo đó, từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, ngành KH&CN tỉnh Cao Bằng xây dựng dự án gắn với sản phẩm nông nghiệp lợi thế trên địa bàn, trên cơ sở ứng dụng triển khai KHCN đã tuyên truyền, thay đổi cách làm của bà con nông dân, quan trọng là huy động được DN, HTX tham gia, đầu tư máy móc công nghệ trong khâu bảo quản chế biến sản phẩm.
Ông Bế Đăng Khoa, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Cao Bằng cho biết, các dự án này hỗ trợ ứng dụng KHCN cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, tạo ra mô hình liên kết giữa DN và người dân thông qua ứng dụng tiến bộ KHCN, thêm giải pháp sản xuất và kinh doanh hiệu quả.
Quan trọng nhất, thông qua các dự án này giúp cho nông dân có thói quen ứng dụng khoa học kỹ thuật để khi liên kết với DN tạo ra sản phẩm, được tiêu thụ, bao tiêu, nâng cao giá trị cho người dân. Người dân thấy nâng cao giá trị, có thị trường đầu ra bền vững thì sẽ tham gia tích cực.
Bài cuối: Để "dự án mồi" được nhân rộng
Thy Lê