Ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Châu Đức là địa phương tập trung nhiều nhất người dân tộc Chơ Ro sinh sống với hơn 900 hộ gia đình gồm 4.454 nhân khẩu, chiếm 2,99% tổng số dân toàn huyện. Đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống tập trung ở thị trấn Ngãi Giao, xã Đá Bạc, xã Bàu Chinh, xã Bình Ba.
Ấn tượng Nhà văn hóa dân tộc
Hiện nay, giao thông kết nối của huyện Châu Đức với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh đã rất thuận lợi, là cơ sở để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Minh Thu, Giám đốc Saigontourist chi nhánh Vũng Tàu, ở huyện Châu Đức có đông đảo đồng bào dân tộc Chơ Ro sinh sống, đã xây dựng được nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần cho đồng bào.
Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh ở xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) - nơi sinh hoạt của đồng bào dân tộc Chơ Ro. |
Khi khách du lịch đến sẽ được thưởng thức ẩm thực địa phương, tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, xem biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Chơ Ro vào buổi tối tại Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh.
Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh lâu nay được xem là công trình công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc Chơ Ro hiện đang chiếm hơn 90% dân số của xã Bàu Chinh.
Đây còn là nơi bảo tồn và phát huy hiệu quả lễ hội nhang lúa, nhang rừng và lưu giữ nhiều di sản văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Chơ Ro. Đó cũng chính là điểm cộng để thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về bản sắc văn hoá của người dân tộc.
Từ cách đây 3 năm, huyện Châu Đức đã mở rộng với diện tích khuôn viên hơn 6.000m2, nâng cấp Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh với tổng vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng. Điều này giúp cho nhà văn hoá có diện mạo mới, mang lại niềm vui cho đồng bào Chơ Ro khi họ đã có một tụ điểm sinh hoạt văn hóa khang trang. Đặc biệt, Nhà văn hoá trưng bày khá nhiều các hiện vật, bày trí thư viện và tổ chức các hoạt động giải trí nhằm làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc.
Theo lãnh đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Châu Đức, Nhà văn hoá dân tộc Bàu Chinh đang trưng bày một số bộ cồng chiêng, trang phục, gùi, nỏ, mẹt, nhạc cụ Goong Cla, kèn bầu, kèn lá, kèn tre…và một số hình ảnh sinh hoạt của đồng bào Chơ Ro.
Những hiện vật ở Nhà văn hoá giúp người dân hiểu thêm phần nào về cuộc sống, văn hóa của đồng bào Chơ Ro. Ngoài ra, với cơ sở vật chất khang trang, phục vụ hoạt động vui chơi, luyện tập thể thao nên hàng ngày, nhà văn hoá thu hút rất đông bà con ở xã Bàu Chinh và một số xã lân cận, nhất là đồng bào Chơ Ro.
Cần được đầu tư bài bản
Vào ngày thường, mỗi ngày Nhà văn hoá dân tộc Bàu Chinh thu hút 100-150 người đến sinh hoạt, giải trí. Những khi tổ chức hoạt động văn nghệ hoặc lễ hội, số người đến gấp 3-4 lần.
Không những vậy, Nhà văn hoá còn phối hợp với Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở lớp dạy đọc và viết tiếng dân tộc Chơ Ro; mở câu lạc bộ lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc, các điệu múa, làn điệu dân ca của đồng bào Chơ Ro cho các thanh thiếu nhi để các em hiểu, thêm yêu văn hóa truyền thống dân tộc mình, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.
Lễ hội Sayangva (mừng lúa mới) của người Chơ Ro ở Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Bên cạnh đó, UBND huyện Châu Đức cũng bắt đầu có chủ trương mở cửa Nhà văn hoá dân tộc Bàu Chinh đón khách du lịch đến tham quan, khám phá, trải nghiệm đời sống sinh hoạt, phong tục, bản sắc văn hóa, giao lưu nghệ thuật, thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Chơ Ro.
Chính quyền huyện Châu Đức còn kết nối với Hiệp hội Du lịch và các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức du lịch farmtrip (hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) đến khảo sát Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh và các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn để xây dựng tour đưa khách du lịch về địa phương.
Theo giới chuyên gia, để phát triển du lịch bài bản, lâu bền, huyện Châu Đức cần có định hướng và chính sách đầu tư phát triển hạ tầng, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, giữ gìn môi trường sinh thái và đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Chơ Ro, lấy nét đặc sắc trong văn hóa của người Chơ Ro làm trục chính thu hút khách du lịch.
Ông Võ Thế Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, với cảnh quan thiên nhiên còn nguyên sơ, Châu Đức nên định hướng phát triển du lịch homestay (cộng đồng) để thu hút phân khúc khách cao cấp, đặc biệt là khách nước ngoài thích trải nghiệm, khám phá văn hóa.
Tuy nhiên, để làm được điều này, như lưu ý của ông Mỹ, Châu Đức cần đầu tư phục dựng bài bản một làng Chơ Ro với những nhà sàn và những sản phẩm văn hóa truyền thống của người Chơ Ro.
“Người dân sống trong làng này mặc trang phục, dệt thổ cẩm, đan lát, làm những nghề truyền thống của đồng bào Chơ Ro. Du khách được tương tác, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, thưởng thức những điệu múa, lời ca, đốt lửa trại và ẩm thực của đồng bào, chắc chắc sẽ hấp dẫn du khách”, ông Mỹ chia sẻ.
Thanh Loan
Bài cuối: Chung tay xây dựng nông thôn mới