Tại ấp Tắc Bướm, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề có ông Tè Kim Thanh là một điển hình tiêu biểu của người nông dân Khmer vươn lên làm giàu từ kinh doanh rau màu.
Đầu ra ổn định, thu nhập cao
Khởi nghiệp kinh doanh rau màu ở địa phương hơn 10 năm nay, thời gian đầu, ông Thanh gặp không ít khó khăn khi chưa nắm vững về thị trường và thiếu vốn. Do vốn ít nên lúc đầu ông chỉ thu mua nhỏ lẻ kết hợp với tìm kiếm thị trường ở các tỉnh lân cận.
Trồng cây rau màu giúp bà con Khmer ở huyện Trần Đề có thu nhập cao và ổn định. |
Sau đó, khi có thêm lợi nhuận, ông mở rộng thu mua rau màu và phát triển thành dịch vụ buôn bán lớn hơn, tới nhiều tỉnh thành trong nước và vươn ra các nước lân cận như: Thái Lan, Campuchia...
Sau 10 năm nỗ lực, cái tên Tè Kim Thanh đã trở nên quen thuộc với nhiều nông dân trồng rau màu ở Sóc Trăng khi giúp họ có đầu ra và giá cả ổn định. Chẳng hạn như với trái ớt sừng vàng có thời gian giá giảm thấp, thị trường bị ùn ứ nhưng ông Thanh vẫn mua vào cho bà con và tìm cách bảo quản ớt tươi bằng cách sấy khô hay ngâm muối.
Hiện nay, với vựa thu mua ngày càng mở rộng, ông còn tạo việc làm cho hơn 30 lao động, với thu nhập trên 120.000 đồng/ngày.
Những năm trở lại đây, đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Trần Đề được nâng lên rõ rệt nhờ biết giúp nhau trong kinh nghiệm sản xuất, canh tác và kinh doanh với cây rau màu.
Điển hình như vùng rau màu của xã Viên Bình hiện đang dần mở rộng diện tích và mang lại nguồn thu đáng kể cho nhiều nông hộ người Khmer địa phương.
Hiện toàn xã Viên Bình có trên 40 ha đất chuyên trồng rau màu, bà con nông dân Khmer chủ yếu tận dụng đất trống ven bờ đê, ruộng lúa kém hiệu quả trồng các loại cây như: Khổ qua, hành lá, bí đỏ, đậu phộng... Lợi thế của các giống cây này là thời gian sinh trưởng ngắn từ 40 - 45 ngày, trồng được nhiều vụ trong năm, lượng nước tưới cũng vừa phải, năng suất và hiệu quả kinh tế tương đối ổn định.
Anh Lỗ Minh Tiến ở ấp Trà Ông (xã Viên Bình) cho biết, anh tận dụng diện tích đất bờ đê, đất lúa kém hiệu quả để trồng khổ qua vì đây là loại cây ngắn ngày, thu hoạch được nhiều vụ trong năm nên cho nguồn thu nhập tương đối ổn định. Với 2 công đất trồng khổ qua, trung bình mỗi công cho năng suất khoảng 3 - 5 tấn trái, sau khi trừ chi phí còn lời trên 20 triệu đồng, nhờ vậy mà đời sống gia đình vươn lên khấm khá.
Mô hình trồng rau màu trên đất bồi ven đê ở huyện Trần Đề được đánh giá là có hiệu quả cao và giúp nâng cao đời sống của bà con dân tộc Khmer ở địa phương. Không những vậy, việc phát triển các HTX nông nghiệp về cây rau màu càng giúp cho năng suất cao hơn, đầu ra ổn định hơn.
“Ăn chắc” theo chuỗi liên kết
Như ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình có HTX trồng rau màu Mỏ Ó cho thấy hiệu quả cao, xóa dần tập quán sản xuất đơn lẻ, hộ gia đình. Giờ đây, các thành viên đều sản xuất theo mùa vụ, các buổi họp hằng tháng cũng giới thiệu những kiến thức kỹ thuật mới để các thành viên học tập.
Để “ăn chắc”, việc trồng hành tím của người Khmer ở thị xã Vĩnh Châu cần gắn với chuỗi liên kết. |
Ngoài huyện Trần Đề, ở những địa phương khác của tỉnh Sóc Trăng vốn tập trung đông bà con dân tộc Khmer như thị xã Vĩnh Châu, các huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Thạnh Trị... thì việc canh tác cây rau màu cũng tăng lên đáng kể. Nhiều HTX, tổ hợp tác được thành lập nhằm tạo chuỗi liên kết về cây rau màu, giúp cho các nông dân Khmer có thu nhập cao và ổn định.
Đơn cử với cây rau hẹ đã giúp nhiều bà con Khmer ở Sóc Trăng nâng cao đời sống. Loại nông sản này được trồng nhiều nhất ở huyện Mỹ Xuyên với các xã Tham Đôn, Đại Tâm, Thạnh Phú…
Hoặc như cây củ cải trắng cũng được xem là cây rau màu “ăn chắc” của các nông dân Khmer ở huyện Mỹ Xuân và thị xã Vĩnh Châu. Các nông dân ở đây ít bán củ cải trắng tươi mà để làm xá pấu (củ cải muối phơi khô) có thể thu lợi nhuận từ mỗi công đất canh tác 15 - 20 triệu đồng.
Tại thị xã ven biển Vĩnh Châu, nơi có đồng bào Khmer chiếm đến 53% dân số, cơ hội làm giàu của người dân chính là hành tím và củ cải.
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có những giai đoạn, bà con Khmer ở Vĩnh Châu đã gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hành tím. Vì vậy, thời gian qua, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã định hướng cho nông dân trồng hành theo hướng hữu cơ, diện tích ngày càng tăng, chất lượng hành tím cao và thời gian tồn trữ được kéo dài.
Để bà con Khmer làm giàu bền vững với cây hành tím, thị xã Vĩnh Châu cũng tổ chức sản xuất cho họ theo chuỗi liên kết thông qua HTX, tổ hợp tác, sản xuất hành tím theo hướng hữu cơ, sản xuất sạch để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Đặc biệt là phải đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để các doanh nghiệp tìm mua, đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị và xuất khẩu sang nước ngoài.
Thanh Loan
Bài cuối: Cùng đi lên với kinh tế hợp tác