Hiện nay, ngoài vai trò là kế toán Tổ hợp tác Bò sữa số 8 tại ấp Bắc Dần, ấp Bắc Dần (xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú), chàng trai người Khmer Lý Huỳnh Đi còn vươn lên khá giả nhờ nuôi bò sữa.
Hướng đến chăn nuôi tiên tiến
Anh Đi kể, hồi trước thấy bà con địa phương nuôi bò sữa phát triển khá nhưng mình lại thiếu vốn đầu tư, anh bàn với gia đình bán con bò sind hiện có, bù thêm ít tiền để mua 1 con bò sữa về nuôi.
Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo của một thanh niên trẻ, trong quá trình chăn nuôi, anh Đi tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và học hỏi kinh nghiệm trên sách báo, tivi, nên đàn bò của anh nhanh chóng phát triển, tăng đàn.
Nghề chăn nuôi bò trong cộng đồng dân tộc Khmer ở huyện Mỹ Tú phát triển khá mạnh. |
Đến thời điểm này, gia đình anh đã có 11 con bò sữa, trong đó 3 con đang mang thai, 3 con đang cho sữa, bình quân mỗi ngày khoảng thu được 40kg sữa tươi.
Để tiết kiệm chi phí, gia đình anh Đi còn dành ra 5 công đất quanh nhà để trồng cỏ nuôi bò và tận dụng rơm rạ sau khi thu hoạch lúa làm thức ăn cho bò. Bình quân mỗi tháng sau khi trừ chi phí, gia đình có thu nhập gần 9 triệu đồng từ tiền bán sữa bò.
Thấy nguồn phân thải từ bò dồi dào, anh Đi còn mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng hệ thống biogas khép kín, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa có thêm nguồn khí đốt trong nấu nướng, giảm chi phí sinh hoạt gia đình.
Bên cạnh việc chăn nuôi bò sữa, anh Đi còn tích lũy mua thêm ruộng để trồng lúa, hùn hạp với anh em trong xóm thuê đất trồng dưa hấu để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Không chỉ có anh Đi, hiện nay đi đến đâu ở xã Phú Mỹ cũng sẽ thấy cuộc sống mới của đồng bào Khmer, với nghề chăn nuôi bò kết hợp trồng trọt, tham gia tổ hợp tác, HTX và vươn lên làm giàu.
Trong những năm gần đây, nghề chăn nuôi trong cộng đồng dân tộc Khmer ở huyện Mỹ Tú phát triển khá mạnh, đã giúp cho nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống và trở thành những hộ khá giàu.
Để phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững, một số bà con dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Mỹ Tú đang áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi bò để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, hiệu quả và bảo vệ môi trường
Như ở ấp Tà Ân B, xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú) có anh Yết Phol La là một trong những nông dân tiêu biểu của người Khmer đi đầu và thành công với mô hình chăn nuôi tiên tiến, thu hàng trăm triệu mỗi năm.
Giúp nhau làm nghề
Để phát triển chăn nuôi bò sữa, anh La đã đầu tư đồng bộ cho hệ thống chuồng trại như hệ thống phun sương, máy vắt sữa, quạt gió, đệm lót và máy băm cỏ… Với việc đầu tư này, việc chăn nuôi bò sữa giờ không còn vất vả như xưa mà năng suất sữa ngày càng tăng, chất lượng sữa được đảm bảo.
Nhằm đảm bảo nguồn thức ăn xanh, thô cho bò, anh La trồng 5 công cỏ các loại. Ngoài ra, anh còn áp dụng phương pháp ủ chua để bảo quản thức ăn, đảm bảo dinh dưỡng, giúp bò tiêu hóa tốt hơn và bổ sung thêm các loại thức ăn tinh để đảm bảo đủ chất cho bò trong quá trình cho sữa và mang thai.
Phát triển kinh tế hợp tác trong hoạt động chăn nuôi bò sữa giúp đồng bào Khmer ở Sóc Trăng nâng cao đời sống, vươn lên khá giả. |
Chia sẻ về kinh nghiệm, anh La cho hay: “Để nâng cao năng suất, chất lượng sữa bò, ngoài con giống là quan trọng thì cần phải xây dựng khẩu phần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bò kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi sẽ mang lại thành công”.
Bên cạnh huyện Mỹ Tú, nghề chăn nuôi bò ở các địa phương khác trong tỉnh Sóc Trăng đã góp phần giúp đời sống nhiều hộ dân đồng bào dân tộc Khmer cải thiện đáng kể, nhiều hộ nuôi bò đã có thu nhập khấm khá hơn trước. Đặc biệt là hoạt động chăn nuôi bò sữa ngày càng phát triển, góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều bà con Khmer nghèo.
Điển hình như ông Tăng Ương ở ấp Tiếp Nhựt, xã Viên An (huyện Trần Đề), đã thành công với mô hình chăn nuôi bò sữa, cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm nhờ vào sự kiên trì, ham học hỏi cùng ý chí vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Tăng Ương cũng là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh và cấp Trung ương...
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác ấp Tiếp Nhựt 1, ông Ương sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò sữa cho nhiều bà con Khmer cùng phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống. Trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, ông tạo công ăn việc làm thời vụ cho khoảng 50 lao động nông nhàn ở địa phương.
Theo lãnh đạo xã Viên An, ông Tăng Ương luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền để giúp đỡ bà con cùng làm ăn và đóng góp tích cực đối với phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Thanh Loan
Bài 2: Làm giàu từ rau màu